Thực hiện chế độ Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc:

Số doanh nghiệp tham gia còn rất hạn chế

Theo số liệu đưa ra tại buổi toạ đàm “Tìm giải pháp cho việc thực hiện Chế độ Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc ”vừa diễn ra tại Hà Nội thì mới chỉ có 30% số Doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị định 130/2006/NĐ-CP tham gia, đây là con số còn rất khiêm tốn.

Trong khi theo số liệu thống kê từ năm 2002 đến năm 2006, toàn quốc đã xảy ra 11.795 vụ cháy nổ, thiệt hại ước tính 1.710 tỷ đồng. Nguyên nhân của thực trạng trên đã được các bên tham gia hội thảo như đại diện Cục Cảnh sát PCCC, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Vụ Bảo hiểm Bộ Tài Chính, Tổng Công ty Bảo Hiểm Bảo Việt, Sở Cảnh sát PCCC và Bảo Việt của một số tỉnh thành…đề cập tới là : “Nhiều Doanh nghiệp né tránh việc thực hiện Chế độ Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hoặc tham gia mang tính chất đối phó “

Mục đích của việc mua bảo hiểm cháy nổ là giúp cho Doanh nghiệp bảo toàn được vốn và tái sản xuất kinh doanh trong trường hợp không may xảy ra sự cố cháy nổ. Bên mua bảo hiểm cũng như bên bán bảo hiểm đều phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định của Pháp luật về an toàn PCCC và Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (BHCNBB). Tuy nhiên, các Doanh nghiệp bảo hiểm còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thuyết phục và vận động khách hang do điều kiện phí bảo hiểm cháy nổ tự nguyện trên thị trường thấp hơn rất nhiều so với biểu phí BHCNBB. Bên cạnh đó, cơ chế thông tin, phối hợp kiểm tra giữa Doanh nghiệp bảo hiểm với Cục Cảnh sát PCCC và các cơ quan chức năng chưa hoàn thiện nên việc triển khai BHCNBB chưa triệt để và quyết liệt.

Theo ông Phùng Đắc Lộc - Tổng TK Hiệp hội Bảo hiểm VN, ngoài sức ỳ về ý thức tham gia BHCNBB của các Doanh nghiệp VN hiện nay, cũng như những khó khăn trong việc trích lập nguồn đóng phí BHCNBB của các tổ chức, doanh nghiệp hành chính sự nghiệp, sử dụng ngân sách Nhà nước. Thì các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng tỏ ra không mấy mặn mà trong việc tham gia bảo hiểm, vì họ yêu cầu các văn bản Pháp luật quy định về chế độ BHCNBB cần phải được dịch sang tiếng Anh.

Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện Bảo hiểm Bảo Việt đã chỉ ra một thực trạng cạnh tranh phi kỹ thuật ở nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ. Đó là mặc dù biểu phí và hoa hồng bảo hiểm cháy nổ tự nguyện, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được Bộ Tài chính quy định thống nhất, nhưng nhiều Doanh nghịêp Bảo hiểm vẫn tự do hạ phí so với quy định, đồng thời mở rộng điều kiện bảo hiểm, tăng hoa hồng cho khách hàng. Điều này gây tình trạng lộn xộn trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên thị trường và cũng là nguyên nhân trực tiếp làm cho doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của toàn thị trường thời gian qua không tương xứng với thực tế, kinh phí đóng góp cho các hoạt động PCCC không đáng kể.

Một điểm đáng lưu ý mà Bảo hiểm Bảo Việt và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đều có chung một nhận định là, đối với những hợp đồng bảo hiểm cháy nổ tự nguyện được cấp trước thời gian 28/06/2007, thời điểm mà Quyết định 28 của Bộ Tài chính có hiệu lực, do đó không thể thanh lý trước thời gian đáo hạn hợp đồng là 27/06/2008. Theo như quy định mới, mức phí bảo hiểm cháy nổ tự nguyện thấp hơn rất nhiều so với BHCNBB. Như vậy, để tạo ra sự bình đẳng về mức phí bảo hiểm thì phải đóng giữa các tổ chức, cơ sở thuộc diện phải tham gia BHCNBB, thì trước thời điểm 28/06/2008, các hợp đồng bảo hiểm cháy nổ tự nguyện cần được rà soát và thanh lý.

Hai cơ quan nói trên cũng đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công an cần tổ chức công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện chế độ BHCNBB của tất cả các tổ chức doanh nghiệp thuộc diện phải mua BHCNBB. Đồng thời đưa ra hình thức xử phạt và mức phạt rõ rang, đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm.

Theo thông tư hướng dẫn, Cơ quan Cảnh sát PCCC cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ. Đồng thời, Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ thực hiện việc giao kết hợp đồng BHCNBB với bên mua bảo hiểm khi họ đã có đầy đủ chứng nhận đủ điều kiện về PCCC, hoặc có biên bản kết luận cơ sở đủ điều kiện về PCCC. Song thực tế, cơ quan Cảnh sát PCCC còn nhiều hạn chế trong việc xác định các điều kiện cụ thể nào cần cấp giấy chứng nhận an toàn PCCC, đây cũng là tồn tại khiến việc thực thi BHCNBB còn khó khăn.

Ông Bùi Văn Ngần - Cục trưởng Cục cảnh sát PCCC bày tỏ sựu nhất trí với việc cần triển khai kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác PCCC cùa các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao và các cơ sở thuộc diện phải tham gia BHCNBB. Đồng thời, phải có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong việc rà soát lại các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ BNCNBB. Cần xác định chi tiết hơn nữa tài sản phải mua BHCNBB, cùng các cơ chế tài chính thích hợp, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cần xây dựng mẫu đơn bảo hiểm, giấy chứng nhận về an toàn PCCC thống nhất và có tính pháp lý cao.

Kết thúc buổi toạ đàm, các đại biểu tham dự đã thống nhất đưa ra một số giải pháp chủ yếu cho việc triển khai chế độ BHCNBB trong những năm tiếp theo là : “ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc tham gia BHCNBB, xây dựng cơ chế thông tin giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với các cơ quan chức năng, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn cũng như thành lập các tổ kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ BHCNBB ” theo quy định của chính phủ.

Cũng bên lề buổi toạ đàm, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã trao khoản kinh phí đóng góp cho hoạt động PCCC, được trích lập từ nguồn thu phí Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho Cục Cảnh sát PCCC - Bộ Công An và trở thành Doanh nghiệp đầu tiên thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho PCCC.

HL

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm