Luật Đấu thầu sửa đổi phân cấp và trao quyền tự quyết cao cho chủ đầu tư, được quyền ra đầu bài mời thầu. Tuy nhiên, điểm không chặt theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, là “với công trình lớn có hai giai đoạn tính điểm kỹ thuật và điểm giá cả, cái dở ở chỗ đáng lẽ chủ đầu tư được quyết định anh đạt điểm kỹ thuật 90% phải khác anh chỉ đạt 80%, nhưng vì xem hai anh này bằng nhau nên chỉ cần giá rẻ hơn là thắng. Nếu lấy yếu tố giá làm tiêu chí thì nhà thầu chất lượng cao nhưng giá cao lại thua anh chất lượng thấp giá thấp”.
Đồng quan điểm trên, theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, những chủ đầu tư do khó khăn về vốn, đương nhiên sẽ chọn đơn thầu giá thấp.
Đặc biệt với những dự án vốn nhà nước, chủ đầu tư có thể ngần ngại chất lượng gói thầu của Trung Quốc không tốt bằng các nhà thầu khác, nhưng quy định Luật Đấu thầu như thế, nếu chọn giá thầu cao hơn có thể sẽ làm dấy lên những nghi ngờ chủ đầu tư có thể được lợi lộc khác. Rào cản cơ chế giá rẻ đã ít nhiều trói tay chủ đầu tư trong việc ưu tiên lựa chọn giữa giá thành và chất lượng.
Cái khó khác theo ông Hùng, nhiều công trình điện, xi măng lớn hiện nay không sử dụng vốn nhà nước mà là vốn tự ứng của các tập đoàn, tổng công ty. Trong khi đó, nhà thầu Trung Quốc sẵn sàng chỉ chỗ cho vay, đặc biệt với những khoản vay lớn hàng tỉ USD đầu tư thiết bị vật tư. Chính sách của Chính phủ Trung Quốc hiện ưu tiên rất lớn cho các nhà thầu nhận thầu nước ngoài cả về điều kiện vay lẫn lãi suất.
Theo ông Dương Ngọc Hiền, Vụ phó Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong lúc đang thiếu vốn, cần vốn, giá rẻ là cần thiết, nhưng rẻ như thế nào thì chấp nhận được? Các quy định của Luật Đấu thầu phải sửa sao cho việc đánh giá về chất lượng và giá phải tương xứng với nhau.
Lỗi từ chủ đầu tư
Cán bộ kỹ thuật Trung Quốc điều khiển thiết bị tại Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1.
Nhìn ở khía cạnh khác, theo ông Hùng, việc các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu ồ ạt và hiện tượng một số nhà thầu không đảm bảo chất lượng, một phần lỗi chính từ chủ đầu tư.
Các công trình trọng điểm nhóm A hiện phân cả cho các tập đoàn, tổng công ty 91, tiêu một khoản tiền rất lớn nhưng năng lực và hiểu biết của nhiều chủ đầu tư còn hạn chế, công trình lớn không quản lý nổi.
Thực tế nhiều bài toán chào thầu không chi tiết kể cả chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, nên khi nhà thầu Trung Quốc sử dụng vật liệu, thiết bị không đúng tiêu chuẩn quốc tế thì chủ đầu tư lại “há miệng mắc quai”.
“Lỗi của chủ đầu tư là bài toán chào thầu không kỹ nên mất chủ quyền. Không chỉ là vấn đề giá rẻ mà cơ chế giám sát, quản lý, điều kiện chất lượng, kỹ thuật trong hợp đồng đấu thầu, nhiều chủ đầu tư làm rất đại khái. Quản lý chất lượng sau khi trúng thầu không chặt chẽ, nhà thầu đưa vào vật liệu xấu không biết, chất lượng thi công xấu không ai hay. Chủ đầu tư của ta đang rất kém điều này”, ông Hùng nhận định.
Một điểm đáng tiếc nữa theo ông Hùng là Việt Nam nhiều khi trúng thầu nhưng không tin nhau từ thủ tục cho đến nghiệm thu công trình.
Chuyên gia này cho rằng, với những dự án vốn nhà nước, nếu muốn khuyến khích nhà thầu trong nước thì quyền chính là ở chủ đầu tư, khi ra điều kiện trong bài toán chào thầu ghi rõ là sử dụng tư vấn, giám sát, vật tư, thiết bị Việt Nam hiện có thì sẽ không có chuyện nhà thầu chính lẫn nhà thầu phụ Trung Quốc “xơi” trọn gói thầu.
Một lãnh đạo của Bộ Công thương thì cho rằng, nếu chủ đầu tư chịu khó chia nhỏ dự án thành 3 - 4 gói thầu thì khả năng thắng thầu của nhà thầu trong nước sẽ cao hơn rất nhiều.
Trong bối cảnh bị ràng buộc bởi các cam kết WTO, ASEAN và Luật Đấu thầu, vai trò của chủ đầu tư là các tập đoàn, tổng công ty lớn trong việc chủ động lọc nhà thầu thực sự chất lượng là rất lớn.
Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Văn Tăng cho biết, sau những phản hồi của dư luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo thành lập một tổ nghiên cứu lại các quy định của Luật Đấu thầu, xem lại bất cập về tiêu chí, cơ chế, giám sát hay quản lý... để có những điều chỉnh nhất định.
Cần có biện pháp ràng buộc vào hồ sơ đấu thầu Theo TS Tô Văn Trường, cần áp dụng một số biện pháp sau để hạn chế tình trạng nhà thầu Trung Quốc ồ ạt trúng thầu với giá rẻ nhưng chất lượng thấp: Thứ nhất, những dự án quan trọng và cần thiết nên ưu tiên giao thầu cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng các doanh nghiệp phải cam kết rõ ràng về thời gian, chất lượng công trình và có quy trình giám sát chặt chẽ trước, trong và sau khi thi công. Bản chất của giao thầu không phải là xấu nếu làm đúng bài bản, khoa học. Điển hình như công trình Nhà máy thủy điện Sơn La, thực hiện chính sách giao thầu đang thực hiện tốt. Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự lực vươn lên về công nghệ, cạnh tranh về giá thành. Thứ ba, Nhà nước khi mời thầu, muốn ủng hộ các doanh nghiệp Việt Nam thì phải đưa các điều kiện ràng buộc vào hồ sơ đấu thầu như sử dụng nhân công, nguyên vật liệu của Việt Nam (ngoại trừ cán bộ kỹ thuật chính do doanh nghiệp nước ngoài đưa sang). Trong các dự án cụ thể, nếu các nhà thầu Việt Nam bỏ giá có cao hơn từ 5-10% vẫn phải ưu tiên cho phía Việt Nam. Ngoài ra, còn phải có chương trình giám sát chặt chẽ việc chấm thầu và quá trình thực hiện gói thầu… N.Đình Mười |
Theo Mai Hà
Thanh Niên