Sắp xếp các địa điểm làm thủ tục hải quan cho hợp lý

Luật Hải quan hiện hành chưa quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc bố trí địa điểm làm thủ tục hải quan, khu vực xếp hàng hoá khi quy hoạch, xây dựng cảng, cửa khẩu…

Để phù hợp với việc xử lý dữ liệu tập trung trong từng giai đoạn tại cơ quan Hải quan (cấp Chi cục hoặc Cục), đồng thời quy định cụ thể địa điểm kiểm tra hàng hóa phù hợp với thực tế, tại Điều 22 Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi có quy định theo hướng phân định rõ trường hợp thực hiện theo phương thức điện tử và quy định rõ các địa điểm trong từng bước, từng khâu của thủ tục hải quan…    

 

Địa điểm làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Địa điểm làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

 

Điều 17 Luật Hải quan hiện hành quy định địa điểm làm thủ tục hải quan là trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu, trụ sở Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu và việc kiểm tra thực tế hàng hoá có thể thực hiện ở địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định.

 

Theo phân tích của Ban soạn thảo Luật Hải quan sửa đổi, trong quá trình triển khai thủ tục hải quan điện tử, việc tiếp nhận và xử lý tờ khai có thể tiến hành theo mô hình xử lý tập trung tại Cục, hoặc Tổng cục mà không nhất thiết phải thực hiện ở Chi cục. Mặt khác, đối với các địa điểm kiểm tra thực tế ngoài trụ sở hải quan, cần có cơ chế phân cấp để cấp Cục, Chi cục thẩm tra, quyết định công nhận và theo dõi quản lý (ví dụ địa điểm kiểm tra là chân công trình, kho của công trình, nơi sản xuất của doanh nghiệp).

 

Ngoài ra, Luật Hải quan hiện hành chưa quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc bố trí địa điểm làm thủ tục hải quan, khu vực xếp hàng hoá khi quy hoạch, xây dựng cảng, cửa khẩu… Vì thế nhiều cảng, cửa khẩu, khu phi thuế quan khi được thành lập không có mặt bằng để bố trí địa điểm làm thủ tục hải quan, hàng hoá được xếp đặt không khoa học, không phân biệt khu vực chứa hàng hoá xuất nhập khẩu với khu vực chứa hàng hoá nội địa nên khó khăn cho công tác giám sát hải quan.

 

Vì vậy, để phù hợp với việc xử lý dữ liệu tập trung trong từng giai đoạn tại cơ quan Hải quan (cấp Chi cục hoặc Cục), đồng thời quy định cụ thể địa điểm kiểm tra hàng hóa phù hợp với thực tế, tại Điều 22 Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi  phân định rõ trường hợp thực hiện theo phương thức điện tử và quy định rõ các địa điểm trong từng bước, từng khâu của thủ tục hải quan, gồm: Địa điểm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, Địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện tại địa điểm làm thủ tục hải quan hoặc địa điểm khác được Tổng cục Hải quan quyết định.

 

Cụ thể: “Điều 22. Địa điểm làm thủ tục hải quan

 

1. Địa điểm làm thủ tục hải quan là nơi cơ quan hải quan tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa.

 

2. Địa điểm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ: a) Trụ sở Cục Hải quan; b) Trụ sở Chi cục Hải quan;

 

3. Địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa: a) Địa điểm kiểm tra tập trung; b) Địa điểm kiểm tra tại cơ sở sản xuất, công trình, nơi tổ chức hội chợ triển lãm; c) Địa điểm kiểm tra tại các khu vực kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ (CFS); d) Địa điểm kiểm tra chung giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan nước láng giềng tại khu vực cửa khẩu đường bộ. Trong trường hợp cần thiết, việc kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có thể được thực hiện tại địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định.

 

4. Khi quy hoạch, thiết kế xây dựng cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ quốc tế, các khu kinh tế, khu công nghiệp, các khu phi thuế quan và các địa điểm khác có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, tổ chức, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm bố trí địa điểm làm thủ tục hải quan và các khu vực tập kết hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng các yêu cầu kiểm tra, giám sát hải quan.”

 

Góp ý cho vấn đề này, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, bên cạnh những điểm mới cần bổ sung, dự thảo Luật cần tiếp tục giữ lại quy định tại Luật hiện hành: “địa điểm làm thủ tục hải quan là trụ sở chi cục hải quan cửa khẩu, trụ sở chi cục hải quan ngoài cửa khẩu”, điều này thể hiện rõ cơ sở để thực hiện chuyển cửa khẩu theo Luật định đối với hàng hóa XNK. Đặc biệt, đối với những địa bàn, khu vực có nhiều khu công nghiệp, cần tạo thuận lợi cho các DN chủ yếu XNK hàng hóa thuộc loại hình sản xuất XK, gia công bằng cách cho phép DN được chuyển cửa khẩu, làm thủ tục hải quan tại nơi sản xuất, lưu giữ hàng hóa (nơi sản xuất, chân công trình như địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa)- là nơi có trụ sở chi cục hải quan (ngoài cửa khẩu).

 

Cùng góp ý cho vấn đề này, theo Công ty Luật Baker& Mckenzie thì dự thảo Luật nên nêu rõ bao gồm địa điểm kiểm tra tập trung đối với hàng hóa XK, NK phải gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh ngoài cửa khẩu. Và để tránh sự bất nhất, Điều 22.3 dự thảo Luật cần tham chiếu chéo đến Điều 7.

 

Còn Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A lại cho rằng, cần chuyển khoản 4 về Điều 45  dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của DN kinh doanh kho, bãi, cảng sẽ phù hợp hơn.

 

Theo Thu Trang

Báo Hải Quan