Rót nghìn tỷ đồng đầu tư, Tanifood lọt vào danh sách nhà máy chế biến nông sản hiện đại nhất Đông Nam Á

(Dân trí) - Nhà máy Tanifood đi vào hoạt động không chỉ là cú hích về kinh tế trong ngành chế biến rau củ quả mà còn là niềm tự hào của doanh nghiệp và tỉnh Tây Ninh, bởi đây là nhà máy chế biến nông sản “số 1 Việt Nam” và là một trong năm nhà máy hiện đại nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các đại biểu bấm nút khánh thành nhà máy
Các đại biểu bấm nút khánh thành nhà máy

Ngày 6/1/2019 – Công ty cố phần Lavifood tổ chức Lễ khánh thành nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Đây là nhà máy được xây dựng trên khu đất có diện tích gần 15ha và tổng số vốn đầu tư lên đến 1.780 tỷ đồng. Nhà máy chính thức đi vào hoạt động sau 18 tháng xây dựng không chỉ mang lại những cú hích về kinh tế trong ngành chế biến rau củ quả mà còn là niềm tự hào của doanh nghiệp và tỉnh Tây Ninh, bởi đây là nhà máy chế biến nông sản “số 1 Việt Nam” và là một trong năm nhà máy hiện đại nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tanifood cũng là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành.

Nhà máy Tanifood nằm ngay mặt tiền Quốc lộ 22B, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, nằm gần hệ thống đường Xa lộ Xuyên Á, dễ dàng thông thương hàng hoá đi toàn quốc và các nước trong khu vực ASEAN bằng đường bộ và tiếp cận hệ thống cảng container của TP.HCM bằng đường thủy. Vị trí nhà máy chỉ cách TP.HCM một giờ xe chạy (khoảng 55 km) nên có thể sử dụng các công trình kỹ thuật hạ tầng như cảng biển, sân bay… hiện có của TPHCM.

Các dây chuyền sản xuất của nhà máy Tanifood được nhập khẩu từ các quốc gia hàng đầu trên thế giới với những công nghệ hiện đại nhất. Có thể kể đến như Công nghệ xử lý sản phẩm tươi bằng nhiệt hơi nước (VHT- Vapour Heat Treatment) của Nhật Bản; Công nghệ Chần trụng rau củ được nhập khẩu từ Hoa Kỳ sẽ tạo ra những sản phẩm có thể được sử dụng ngay lập tức mà không phải qua chế biến; Công nghệ cấp đông IQF (Individual Quick Frozen) của Mỹ để sản xuất trái cây tươi và rau củ đông lạnh, giúp rau củ, trái cây giữ được tối đa sự tươi ngon cũng như dinh dưỡng sau quá trình xử lý; Công nghệ cô đặc và đóng lon của Ý; Công nghệ sấy lạnh của Nhật Bản, giúp giữ hương vị nguyên bản và độ ngọt của trái cây; Công nghệ xử lý bằng áp suất cao HPP của Mỹ (High Pressure Processing) giúp giữ nguyên vẹn độ tươi ngon và dinh dưỡng của thành phẩm, kéo dài thời hạn sử, nâng cao giá trị, độ an toàn của sản phẩm. Đây cũng là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ này vào sản xuất.

Áp dụng những công nghệ sản xuất tiên tiến và hiện đại nhất trên thế giới, nhà máy Tanifood sẽ là nơi sản xuất ra các sản phẩm trái cây đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.

Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Lavifood
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Lavifood

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, cho biết ngành rau quả có số nhà máy số doanh nghiệp tham gia chế biến ít nhất, hiện nay chỉ có 156 nhà máy, chỉ chiếm 2%, do vậy việc ra đời nhà máy Tanifood sẽ là động lực tạo tiền đề, tạo niềm tin để chứng minh rằng các doanh nghiệp VN đủ điều kiện để quản trị để đầu tư những nhà máy công nghệ tiên tiến công suất lớn để tổ chức chế biến rau quả.

Với công suất lên đến 60.000 tấn thành phẩm mỗi năm, Tanifood sẽ chế biến tất cả các loại trái cây, rau củ với nhiều hình thức, sản phẩm khác nhau. Trong đó, nông sản loại 1 sẽ làm hàng xuất khẩu tươi; loại 2, 3, 4 làm đông lạnh, sấy, cô đặc và nước ép đóng chai. Tanifood sẽ không chỉ góp phần giảm thiểu, chấm dứt tình trạng đổ bỏ nông sản vì giá rẻ, rủi ro từ thương lái, giúp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam và cải thiện đời sống, thu nhập cho người nông dân tỉnh Tây Ninh từ 0,26 USD/m2 lên 3,6 USD/m2.

Theo ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Lavifood, nhà máy sẽ sản xuất các loại trái cây, rau củ đặc trưng của Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Lâm Đồng, Đồng Nai… như chanh dây, dứa, xoài, thanh long, mít, ổi, mãng cầu xiêm, chuối, bông cải xanh, bông cải trắng, bắp cải, đậu bắp, bắp non, đậu nành, cải bó xôi, ớt, cà rốt, khoai tây, củ cải… Trái cây sẽ được phân loại phù hợp với từng dây chuyền sản xuất.

Trên cơ sở số lượng tiêu thụ nguyên liệu đó, Lavifood sẽ ký hợp đồng bao tiêu các loại trái cây, rau củ của nông dân và hợp tác xã trồng để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, tạo sự ổn định đầu ra cho nông sản, làm tăng giá trị nông sản sau chế biến, tận dụng hết sản lượng sau thu hoạch của nông dân nhằm tránh lãng phí số lượng nguyên liệu sau phân loại.

Nhằm đáp ứng công suất sản xuất của nhà máy 500 tấn nguyên liệu/ngày (tương ứng với tổng diện tích 7.124 ha) ngay từ năm 2018, Lavifood đã bắt đầu triển khai cho các nông dân và hợp tác xã tại tỉnh Tây Ninh trồng các loại trái cây, rau củ theo nhu cầu của nhà máy.

Rót nghìn tỷ đồng đầu tư, Tanifood lọt vào danh sách nhà máy chế biến nông sản hiện đại nhất Đông Nam Á - 3

Hiện nay, nông dân và các hợp tác xã tại tỉnh Tây Ninh đã ký hợp đồng bao tiêu với nhà máy và bước đầu thực hiện chuyển đổi cây trồng hơn 400 ha các loại cây ăn trái (dứa, xoài, mít). Giá cả bao tiêu tùy thuộc vào từng loại cây trồng được niêm yết công khai tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, sau khi đã tổ chức các chương trình vận động nông dân chuyển đổi cây trồng.

Đánh giá về cách làm của Lavifood, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh, chính những cách làm này, giúp cho thế mạnh của Việt Nam, giúp cho nông dân Việt Nam có được thu nhập tốt mà nhà đầu tư cũng có điều kiện đóng góp cho đất nước như trình bày của nhà đầu tư về chủ trương tăng thu nhập cho người nông dân lên 14 lần trong khi sản phẩm đã được giới thiệu và bảo đảm tiêu thụ.

Sự ra đời của nhà máy Tanifood là một trong những kết quả của chương trình kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp Tây Ninh, khởi đầu bằng cuộc hội thảo quốc tế “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh” do Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh thực hiện, dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương vào đầu năm 2017.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm