Rào cản trên đường đi của cá da trơn
Vấn đề được thảo luận trong chương trình “Hội nhập” phát sóng ngày 16 tháng 8 là hướng đi tiếp theo của con cá da trơn Việt Nam sẽ như thế nào, với khách mời là ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). “Hội nhập” phát sóng vào khung giờ 22h45 – 23h15 trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam PVGas – CTCP, Công ty TNHH MTV My Health, Công ty CP Peacelife Việt Nam và Trung tâm thông tin VIBIZ.VN.
Kể từ ngày 2 tháng 8 năm 2017, tất cả các lô hàng cá bộ da trơn, gồm cá tra, cá ba tra, cá trê nhập khẩu vào Mỹ sẽ chịu sự kiểm tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Việc tăng cường giám sát sản phẩm nhập khẩu vào một quốc gia là một điều bình thường nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Thế nhưng, việc 90% cá tra bán tại Mỹ là nhập khẩu từ Việt Nam và trong khoảng 10 đến 15 năm qua, cá tra Việt được tiêu thụ ở Mỹ chưa gây ra sự cố gì cho người dùng thì việc phải chịu thêm kiểm tra nhiều quy tắc ngặt nghèo sẽ giống như một sự bất tiện mà trong ngôn ngữ hội nhập kinh tế ngày nay thì đó là những rào cản thương mại phi thuế quan.
Theo lời ông Trương Đình Hòe, sự bất tiện về việc thanh kiểm tra mặt hàng cá da trơn đã được bàn luận từ năm 2014 tới giờ, kể từ thời điểm ban hành đạo luật Farm bill. Tuy nhiên, việc quyết định thực hiện kiểm tra sớm hơn 1 tháng so với dự kiến cũng là điều tương đối bất ngờ đối với các doanh nghiệp Việt Nam, mặc dù sản phẩm cá da trơn Việt vẫn đang được tiêu thụ tương đối ổn định tại thị trường Mỹ.
Chủ tịch Viện Thủy sản Mỹ, ông John P. Connelly cho biết: Nếu phía Mỹ công nhận Việt Nam đạt tiêu chuẩn tương đồng với Mỹ thì cá da trơn và cá tra của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Mỹ, dù có thể phải thay đổi cách thức kiểm tra, dán nhãn, đóng gói. Nhưng nếu Bộ Nông nghiệp Mỹ không công nhận thì toàn bộ xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ phải dừng lại.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Vương – một trong 3 doanh nghiệp chính chế biến và xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ, ông Dương Ngọc Minh cho biết, ngoài các bước kiểm tra hành chính, thương mại, tới đây, Mỹ sẽ còn giám sát cả vùng nuôi của Việt Nam để chứng nhận tính tương đồng. Mục đích chính là nâng cao sản phẩm cá tra Việt Nam vào thị trường Mỹ. Do vậy, vấn đề chính của ngành cá tra nước ta hiện nay là thay đổi theo hướng sản xuất sạch.
Hiện nay, có một số luồng thông tin không chính xác nhằm mục đích bôi xấu và cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm cá tra của Việt Nam. Với việc Việt Nam hiện đang xuất khẩu cá tra tới khoảng hơn 130 quốc gia trên thế giới, sản phẩm của chúng ta chắc chắn phải có chất lượng và được sản xuất trong điều kiện công nghiệp, được kiểm soát cả về vấn đề liên quan đến sản xuất cũng như môi trường, an toàn dịch bệnh, hóa chất kháng sinh.
Theo ông Hòe, việc sản xuất sản phẩm cá tra, cá da trơn của chúng ta không phải là không sạch, mà điều chúng ta cần phải làm là truyền thông, đưa thông tin tới công chúng một cách rõ ràng để họ có thể hiểu được những tiêu chuẩn, chính sách mà Nhà nước và Chính phủ đề ra với việc nuôi trồng cá tra, cá da trơn.
Từ năm 2001, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã được Chính phủ cho phép thành lập Quỹ phát triển Thủy sản. Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP, ông Trương Đình Hòe cho biết, đến nay, do nhiều yếu tố khác nhau mà Quỹ vẫn chưa được hoạt động một cách đầy đủ như chức năng của mình. Tuy nhiên, trong thời gian tới, trước những vấn đề phát sinh, đặc biệt là một số vấn đề về xuất khẩu cá tra, Hiệp hội VASEP đang trong quá trình đẩy mạnh quá trình quảng bá một cách đúng mực để giúp cho ngành cá tra của nước ta vươn xa hơn.
Thanh Hà
(Nội dung trích nguyên chương trình phát của truyền hình)