PEABE – Chương trình đảm bảo hiệu quả sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trong chăn nuôi sinh thái tại Việt Nam

Ngày 1/11/2016 tại P7, T3 Trung Tâm Xúc Tiến Thương Mại Nông Nghiệp, Bộ NN&PTNT đã diễn ra buổi buổi tổng kết giai đoạn 1 của Chương Trình Đảm Bảo Hiệu Quả Sử Dụng Phụ Phẩm Nông Nghiệp Trong Chăn Nuôi Sinh Thái tại Việt Nam – Viết tắt là PEABE (Programme of Efficient Utilization of Agricutural By-products in Eco-Breeding)

Được triển khai từ cuối năm 2014, PEABE đặt dưới Sự điều phối và giám sát của Văn Phòng Quản Lý Chương Trình với sự tham gia của các chuyên gia về chăn nuôi, các cơ quan quản lý thú y và môi trường tại một số địa phương đã tham gia vào Dự án Phát triển chăn nuôi tại vùng cao Tây Bắc Việt Nam (PALD) do tổ chức Nông nghiệp và Thú y không biên giới (AVSF) thực hiện với sự quản lý của Viện chăn nuôi quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại một số địa phương từ năm 2011.

Đến nay, Chương trình đã thực hiện ở hai nhóm đối tượng vật nuôi chính là gia cầm (thông qua Chương trình nuôi thả tự nhiên các giống gà bản địa tại miền Bắc tại Việt Nam (Chương trình Gà Bản Bắc) và gia súc.

Sử dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp với ăn thô xanh giàu vitamin thay thế chế phẩm bổ sung dinh dưỡng công nghiệp và nâng cao khả năng kháng bệnh tự nhiên cho gia súc
Sử dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp với ăn thô xanh giàu vitamin thay thế chế phẩm bổ sung dinh dưỡng công nghiệp và nâng cao khả năng kháng bệnh tự nhiên cho gia súc

Đối với nhóm đối tượng gia súc, mục tiêu của Chương trình là nhằm tuyển chọn, xây dựng và giám sát các mô hình chăn nuôi gia súc bảo đảm tính hiệu quả trong sử dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp thay thế thức ăn công nghiệp, mang lại hiệu quả sinh thái cao cũng như nâng cao chất lượng và đảm bảo tính an toàn cho các sản phẩm thịt.

Khác với nhiều mô hình chăn nuôi an toàn hiện nay, PEABE nhấn mạnh vào mục tiêu cơ bản là đảm bảo sự thay thế thức ăn công nghiệp bằng nguồn cung cấp phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ (rau, củ,quả, thân lá bã ép thực vật, sinh vật thứ cấp...) thông qua nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn dinh dưỡng này bằng các biện pháp cơ giới (nghiền, cắt, phối trộn) và sinh học (lên men, nuôi sinh vật thứ cấp làm thức ăn cho gia súc) hoặc các biện pháp tổng hợp một cách khoa học qua đó giúp loại bỏ hoàn toàn nỗi lo về chất lượng nguồn thức ăn công nghiệp đầu vào .

Chương trình đã tổ chức các hệ thống cùng giám sát đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên: từ cán bộ và chuyên gia chương trình, quản lý thú y địa phương và chủ các gia trại từ các nhóm, liên nhóm chăn nuôi đối với sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chế biến thức ăn và chăm sóc vật nuôi trên 2 tiêu chí chính:

1. Thay thế thức ăn, chế phẩm bổ sung dinh dưỡng công nghiệp, tăng hiệu quả sinh thái;

2. Gia tăng sức khỏe vật nuôi, loại bỏ hoặc hạn chế tối đa và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc thú y.

Đến nay, Chương trình đã sàng lọc trên địa bàn một số tỉnh có khí hậu và điều kiện tự nhiên trong lành như Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ các chuỗi chăn nuôi đủ điêu kiện tham gia. Được biết tính tới cuối giai đoạn 2, đối tượng vật nuôi chính của Chương trình chủ yếu tập trung vào đàn lợn địa phương và một phần đàn bò.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Nhật Quang cán bộ điều phối cao cấp thuộc Chương trình cho biết: nguồn phụ phẩm nông nghiệp như khoai, sắn, thân, bã thực vật...được coi là rất sạch và khá dồi dào ở các tỉnh vùng cao nước ta, tuy nhiên với sự phổ biến, tiện dụng cùng khả năng cho tăng trọng nhanh của thức ăn công nghiệp, người chăn nuôi ở nhiều nơi đã có phần coi nhẹ nguồn thức ăn này, bên cạnh đó do tập quán sử dụng phụ phẩm nông nghiệp chưa khoa học, chưa có phương pháp chế biến đúng đắn của người dân, ngoài hậu quả làm giảm hàm lượng dinh dưỡng, cũng đã gây ra nhiều sự việc đáng tiếc gây thiệt hại về kinh tế, ví dụ thói quen sử dụng củ và lá sắn tươi sống (chưa qua xử lý nhiệt hay ủ chua) loại bỏ độc tố có trong nhựa cây...

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật lên men (sinh học) giúp bảo quản tốt nguồn thức ăn thô xanh và phụ phẩm nông nghiệp
Hướng dẫn quy trình kỹ thuật lên men (sinh học) giúp bảo quản tốt nguồn thức ăn thô xanh và phụ phẩm nông nghiệp

Cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp thay thế thức ăn công nghiệp thường làm kéo dài thời gian chăn nuôi, vật nuôi thường nhỏ hơn về chỉ tiêu trọng lượng lúc xuất chuồng. Tuy nhiên, mặt được quan trọng là chất lượng thịt thơm ngon và sạch hơn rất nhiều so với các hình thức chăn nuôi khác. Sức kháng bệnh của vật nuôi cũng tốt hơn giúp hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh trị bệnh. Để khắc phục các trở ngại cũng như tận dụng các lợi thế về chất lượng, Chương trình đã tạo lập và tuyển chọn các kênh tiêu thụ sản phẩm riêng dựa trên yêu cầu rất quan trọng về tính liên tục trong việc giám sát chất lượng và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm được phân phối.

Được biết giai đoạn 2 của Chương Trình, được kéo dài tới năm 2025, sẽ tiếp tục mở rộng các khu chăn nuôi chất lượng cùng các hoạt động đào tạo, xây dựng hệ thống quản lý và giám sát toàn bộ chuỗi giá trị trong các mô hình chăn nuôi được lựa chọn góp phần gia tăng hiệu quả của mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.

Lê Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm