Nước Mỹ tỉnh ngủ với cà phê Việt!

Sự kiện “Người Việt mua thị trấn Mỹ” Buford đã tạo cơn “địa chấn”, dấy lên cuộc tranh luận “Tỉnh dậy đi nước Mỹ ơi!”. Và khi Thị trưởng Phạm Đình Nguyên tuyên bố đổi tên Buford thành tên thành thị trấn PhinDeli, thì dư luận lại… “dậy sóng”!

Mua Buford…

Còn nhớ đầu tháng 4 năm ngoái, cộng đồng người Việt tại Mỹ và giới truyền thông “sôi động” bởi tin: “Vượt qua 46 nước, người Việt “ẩn danh” đã mua thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ!”

Việc người nước ngoài mua bất động sản tại Mỹ không phải là chuyện lạ. Họ mua cả một toà nhà, căn hộ triệu đô nhưng người mua thị trấn thì quả là hy hữu. Nhất là một thị trấn có bề dày lịch sử, mang tên danh tướng người Mỹ John Buford thì là quá chuyện… “lớn”. Ý kiến xung quanh “Người Việt mua thị trấn Mỹ” rất trái chiều, nhiều cung bậc…

Thị trưởng thị trấn Buford, ông Phạm Đình Nguyên.
Thị trưởng thị trấn Buford, ông Phạm Đình Nguyên.

Sự kiện “giọt nước làm tràn ly” này, thời đó đã tạo ra một tranh luận “nảy lửa” về khả năng bị thôn tính bởi người nước ngoài. Có người nói: Vị doanh nhân Việt có thể bỏ ra thêm ít tiền nữa để sở hữu thành phố Detroit (và thực tế vừa qua TP này đã tuyên bố phá sản). Hoặc nhín thêm một tẹo nữa là có thể mua luôn cả Cleveland của bang Ohio". Cũng có quan điểm:: “Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ”, nước Mỹ rộng lớn, 4ha đất thì có gì mà phải lo!

Trong khi đó, một số ý kiến lai chắc như đinh đóng cột: Chắc tụi “cò” lừa rồi. Chỗ khỉ ho cò gáy như thế này mà 900.000 đô (!?). Lại có người “mỉa mai”: Mua thị trấn này còn rẻ hơn “con Roll-Royce” mà! Nhưng cũng có không ít người Việt cảm thấy tự hào cho người đồng hương của mình… Còn nhiều người “biết chuyện” thì rất dè dặt. Họ chờ xem mục đích thật sự của vị doanh nhân này là gì. Đặc biệt là ông thị trưởng mới này sẽ làm gì với danh tiếng sắp tới?

Mọi việc hạ hồi phân giải!

Và thực – hư ý định đổi tên ?!

Có thể, trong lúc cao hứng ông Nguyên tuyên bố cho vui miệng vì họ là chủ thị trấn đó mà. Còn về mặt pháp lý thì sao? Có cần phải thông qua Hội đồng thành phố hay không? Mà Buford thì chỉ có 1 người – coi như là biểu quyết chấp thuận rồi.

Cũng theo ông Phạm Đình Nguyên, ngày 3.9 họ sẽ làm lễ chính thức tung hàng ở Mỹ và cũng chính thức đổi tên thị trấn Buford 147 năm lịch sử - thành thị trấn PhinDeli. Ông cũng chia sẻ thêm: Giấy mời đã được chuyển đến thống đốc bang Wyoming - Ông Matt Mead – cách đây hơn một tháng. Ông Don Sammons, hiện là đồng thị trưởng Buford, đã đích thân chuyển thư mời đến văn phòng Thống đốc Bang. Và nếu không có gì thay đổi Matt Mead sẽ đến dự và có thể sẽ đọc phát biểu khai trương thị trấn mới.

Còn nhớ, năm 1999; trang web half.com khi khai trương cũng tạo ra một cơn địa chấn khi yêu cầu thị trấn Halfway lúc đó chỉ có 350 người sinh sống (Bang Oregon) đổi tên (dù chỉ 1 năm) thành thị trấn half.com. Chủ của trang web đã “trầy da tróc vảy” thuyết phục các thành viên hội đồng thị trấn lợi ích về việc đổi tên.

Tất nhiên, trang web cũng đã đồng ý hỗ trợ 100.000 đô để xây dựng phòng vi tính và làm trang web riêng cho thị trấn. Sự kiện này đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo giới. Tạp chí Time lúc đó đã nhận xét: “Đây là sự kiện truyền thông ầm ĩ nhất trong lịch sử nước Mỹ!”.

Sự kiện PhinDeli không làm tốn giấy mực (như Half.com) mà là tốn... băng thông của các trang mạng xã hội như Facebook, các diễn đàn lớn cũng như hàng triệu trang blog cá nhân khác với tốc độ lan tỏa ấn tượng.

Cũng lại nhiều ý kiến trái chiều, nhiều nhận xét, khen chê khác nhau. Không ít người cảm thấy “hố hàng”. Bởi, thị trấn này hoàn toàn không “phục vụ” cho việc di dân như nhiều người đoán non đoán già. Cũng chẳng phải là phân lô bán nền hay “chơi trội”. Đơn giản là ông chủ thị trấn PhinDeli chỉ muốn xây dựng một thủ phủ cà phê Việt ngay trong lòng nước Mỹ. Nên, ngay cả nếu như có những vấn đề pháp lý, ngăn cản việc đổi tên này – thì ý tưởng “đổi tên thị trấn” cũng là điểm son cho doanh nhân Việt, thể hiện tinh thần “không gì không thể”của thương hiệu PhinDeli “mới ra ràng”.

Lại nữa, khi tìm hiểu kỹ, Buford không phải là một đơn vị hành chính chính thức như Halfway. Nó đơn thuần là một thị trấn mang tính lịch sử mà thôi. Và do vậy, những người chủ của thị trấn có thể toàn quyền quyết định tên gọi của nó. Tuy nhiên, nói gì thì nói. Việc đổi tên thị trấn Buford ít nhiều cũng làm nước Mỹ “tỉnh ngủ”!

T. Hương