Trần Thị Bích Ngọc - cái tên không xa lạ với giới kinh doanh về thị trường xuất khẩu, lâm nghiệp, ngân hàng, bất động sản, sân golf… Nhưng cái tên Ngọc nông nghiệp, là một biệt hiệu chị được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt cho vì đam mê làm ra những sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp - máng nhựa từ rác thải (túi bóng) phục vụ kênh mương nội đầu theo công nghệ Hàn Quốc thì không phải ai cũng biết đến.
Để viết về chị, tôi đã mượn những câu hát của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn mở đầu với mong muốn diễn tả được những gì tôi muốn nói về cuộc đời; về đam mê kinh doanh và khát khao được sống; cống hiến tài, sức của mình cho xã hội của một nữ doanh nhân đi tìm hào quang trong vùng xoáy của thương trường.
Bình yên và bão tố
Mặc gia đình, thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp phản đối, chị đã từ bỏ 20 năm công tác trong một ngành đang Hot lúc bấy giờ (ngành ngân hàng) để về một công ty chuyên sản xuất, kinh doanh gỗ. Đối với chị thì đó là quyết định để thỏa khao khát kinh doanh mà chị hằng ấp ủ, đồng thời có thể giải đáp những băn khoăn trăn trở: “Tại sao cơ hội kinh doanh nhiều thế mà nhiều doanh nghiệp có cơ sở tốt, nhân lực nhiều mà vẫn không phát triển để cho công nhân thiếu việc làm, đời sống khó khăn? Tại sao nhà nước đã tạo nhiều chính sách, cơ chế tốt thế mà người chủ doanh nghiệp lại không chịu đổi mới". Quyết định thôi việc ở ngân hàng là một quyết định táo bạo đầy thách thức để đi tìm một phương thức kinh doanh mới, đi tìm một giấc mơ mang tên mình.
Sau khi về Công ty này do cơ chế ở đây vẫn chưa “mở” chị quyết định vượt rào ra ngoài bằng cách đóng bảo hiểm ở công ty nhưng đi làm kinh tế ngoài. Khi ra thị trường tự do chị thỏa sức buôn bán “thượng vàng hạ cám” từ buôn lâm sản, xe máy, ôtô cho đến vàng... Có được một chút thành công nhưng nhiều lúc rong ruổi trên đường trong những đêm đông giá lạnh, bất chợt nghe tiếng khóc của con trẻ nhà ai trong đêm vắng chị lại chạnh lòng. Chị quyết định bỏ tất cả xin về công tác ở gần nhà.
Được tập thể, đồng nghiệp, bạn bè ghi nhận về thành công cũng như kinh tế gia đình đã được phát triển nhưng chị vẫn cảm thấy chưa thật sự hài lòng. Giữa lúc ấy, tổng giám đốc tổng một công ty về xuất nhập khẩu đánh giá được tiềm năng trong con người chị đã mời chị về làm phó giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu, dịch vụ và thương mại. Như cá kình được bơi ra biển lớn chỉ trong vòng 2,5 năm từ một doanh nghiệp với doanh số hạn chế, chị đã đưa lên khoảng 16 tỉ đồng, đưa gần 100 ngàn công nhân đi
lao động ở các nước. Thành tích của chị đã được các đồng chí đại diện cho Đảng và nhà nước ghi nhận. Và chính trong những chuyến đi tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng), chị đã có một cơ hội tiếp cận với công nghệ làm các máng nhựa phục vụ cho kênh mương nội đồng từ rác thải (túi bóng) của Hàn Quốc và dồn hết tâm huyết cho dự án này.
Công tác ở bộ phận xuất nhập khẩu được 3 năm chị gặp phải áp lực của một bộ phận cán bộ vẫn còn mang nặng tư tưởng của kinh tế bao cấp và chị xin nghỉ với chế độ về 1 lần. Sau bao năm bươn trải chị quyết định lập công ty riêng cho mình. Đang điều hành công ty thuận lợi phát triển thì Tập đoàn Hyundai IT Hàn Quốc sau khi đến Việt Nam đã mời chị về làm giám đốc phụ trách CNTT. Muốn thử sức mình ở lĩnh vực mới, chị giao công ty cho con trai điều hành và nhận lời làm việc cho Tập đoàn Hyundai IT. Vì kinh nghiệm và trình độ chỉ giúp chị phát triển ở các lĩnh vực về ngân hàng, tài chính và đầu tư vì thế khi thấy năng lực của mình không phát triển được ở lĩnh vực này chị xin nghỉ.
Chưa đầy 2 tháng nghỉ việc, chị lại được Đại sứ quán Việt Nam giới thiệu và đích thân ông Chủ tịch Tập đoàn Charmvit Hàn Quốc đã mời chị về làm Giám đốc phụ trách sân gôn sân golf Long Sơn (Hòa Bình). Về làm việc ở đây được 2,5 năm chị luôn nhận được sự đánh giá cao của ông chủ tập đoàn cũng như sự cảm phục quí mến của các vị lãnh đạo tỉnh Hòa Bình vì đã có công làm thay đổi một phần diện mạo kinh tế – xã hội ở nơi đây. Công việc đang rất thuận lợi nhưng nhìn thấy sự vất vả của con trai khi mới 22 tuổi đầu phải vừa học đại học vừa điều hành công ty chị thấy mình đã trao cho con gánh nặng quá sức. Chị quyết định nghỉ việc trong sự tiếc nuối của bao người.
Sau 18 năm tìm mọi cách để bơi ra biển lớn, chị trở về và quyết định ra khơi cùng với con thuyền của chính mình. Đầu tư ở lĩnh vực sản xuất máng nhựa từ rác thải (túi bóng) phục vụ kênh mương nội đầu theo công nghệ Hàn Quốc không chỉ vì lợi nhuận kinh doanh mà chị muốn để lại một dấu ấn riêng của mình vì lợi ích xã hội. Chị tâm sự: “Trong cuộc đời làm một người kinh doanh tôi thấy mình vui và thành công nhất là ngày chứng kiến lô sản phẩm đâu tiên của máng nhựa ra đời bởi nhìn vào lô sản phẩm ấy tôi như thấy những núi rác thải túi bóng ô nhiễm đang biến đi nhường lại cho một môi trường không rác thải. Tôi như thấy được bao nụ cười của được mùa của các bác, các chị nông dân khi nhìn những dòng nước thông suốt từ bờ kênh”.
Giờ đây điều đó đã thành sự thực khi công nghệ của chị đã được ứng dụng thành công ở tỉnh Thanh Hóa, Hưng Yên và sắp tới đang mở rộng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Sản phẩm máng nhựa làm kênh mương do công ty chị sản xuất không chỉ giải quyết được vấn đề tái chế rác thải mà nó mang lại hệ thống sử dụng nước lớn, giảm được chi phí quản lý sử dụng nước và quỹ đất, tiết kiệm được 30% chi phí so với việc thi công bằng vật liệu truyền thống như gạch, bê tông và chống chịu ăn mòn trong môi trường Axit, Bazo và muối đặc biệt là việc thi công rất thuận tiện đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng ngập nước, mưa bão…
Phần lớn những người đàn ông thành đạt trong kinh doanh thường phải có một gia đình hạnh phúc. Còn chị một người đàn bà lặn lộn giữa thương trường như vậy liệu chị đã làm như thế nào để cân bằng được hai vai?
Hạnh phúc và tình yêu
“Nếu không có anh và các con tôi chẳng làm được gì”. Chỉ một câu nói ngắn gọn nhưng chứa bao nhiêu cảm xúc hạnh phúc và sự biết ơn dành cho người chồng yêu và các con của mình.
Mỗi khi nhìn vào bức hình cả gia đình được treo trang trọng ngay trong phòng làm việc dường như mọi vất vả, lo toan đều tan biến - người đàn bà cứng cỏi trong thương trường giờ đây trở nên mềm yếu khi nói về hai cậu con trai của mình.“Thật may là các con luôn hiểu tôi, vì vậy các cháu đều ngoan và chịu khó học hành”. Chị cho biết: Người con trai đầu Nguyễn Ngọc Anh sau khi vừa học đại học vừa thay mẹ gánh vác công ty, giờ đây đã có đủ tự tin cũng như kinh nghiệm trên cương vị Giám đốc Công ty Việt Long Hưng. Người con trai thứ hai Nguyễn Tuấn Anh đã học xong ĐH kinh tế ở Trung Quốc, hiện đang học hỏi kinh doanh từ mẹ, từ thực tiễn để mở công ty.
Chặng đường để đi tìm những khát khao, đam mê của chị vẫn còn ở phía trước. Con đường mà chị lựa chọn đã được minh chứng bằng kết quả kinh doanh, sự mến phục, tin yêu từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Niềm hạnh phúc của chị cũng là hạnh phúc mà bao nữ doanh nhân đều mong ước đó là: song hành cùng thành công của sự nghiệp là một gia đình hạnh phúc và ấm êm. Chị đã có được điều đó ngay trong dòng xoáy của thương trường. Chị chính là một bông hồng ngát hương mà tôi muốn viết như viết về niềm tự hào của người phụ nữ Việt.
Tuyết Nguyên