Ngăn chặn gian lận qua thủ tục hải quan điện tử

Thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) mang lại nhiều lợi ích cho DN, nhưng bên cạnh DN chấp hành tốt, đã xuất hiện DN tìm mọi cách để gian lận thông qua một số hành vi, thủ đoạn mới trong quá trình khai báo.

Ngăn chặn gian lận qua thủ tục hải quan điện tử
Việc giảm tỉ lệ kiểm tra thực tế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của hoạt động XNK, đồng thời đòi hỏi năng lực quản lí của cơ quan Hải quan phải được tăng cường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ảnh: T.B.

 

Luồng Xanh - rủi ro cao?

 

Trong Hội nghị sơ kết công tác ngành Hải quan 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm được tổ chức tuần qua, lãnh đạo một số đơn vị hải quan địa phương cảnh báo hiện tượng DN lợi dụng sự thông thoáng trong thực hiện thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) để thực hiện các hành vi gian lận. Điển hình như thực hiện khai báo nhiều tờ khai cho 1 lô hàng để thăm dò kết quả phân luồng; hành vi gian lận qua mã số, trị giá; nguy cơ gian lận khi tỉ lệ phân luồng Xanh (chỉ kiểm tra sơ bộ, không kiểm tra thực tế hàng hóa) cao…

Theo Tổng cục Hải quan, kể từ khi thực hiện chính thức TTHQĐT (ngày 1-1-2013) theo Nghị định 87/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đến giữa tháng 5, kết quả phân luồng tự động dựa vào hệ thống tiêu chí quản lí rủi ro cho thấy số tờ khai được phân vào luồng Xanh (kiểm tra sơ bộ) chiếm 63,35%; tờ khai luồng Vàng (kiểm tra chi tiết hồ sơ) chiếm 26,27%; tờ khai luồng Đỏ (kiểm tra thực tế hàng hóa) chiếm 10,38%.

 

Theo thống kê cập nhật của Hải quan Hải Phòng, chỉ trong 5 tháng đầu năm, toàn Cục có tới 3.651 tờ khai hải quan (qua TTHQĐT) phải hủy, chiếm 1,27% tổng lượng tờ khai toàn Cục. Một trong những nguyên nhân dẫn đến lượng tờ khai phải hủy lớn là một số DN cố tình tìm cách lợi dụng việc khai báo TTHQĐT để trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan Hải quan.

 

Cụ thể, DN sẽ khai nhiều tờ khai (tờ khai ảo) cho 1 lô hàng để thăm dò kết quả phân luồng của hệ thống. Nếu lô hàng được phân luồng Xanh DN sẽ đăng kí chính thức và tiếp tục làm các thủ tục để thông quan. Trường hợp bị phân luồng Đỏ (phải kiểm tra thực tế hàng hóa) DN sẽ hủy tờ khai.

 

Tại Hải quan TP.HCM các trường hợp trên cũng xuất hiện khá nhiều. Đặc biệt, vấn đề DN lợi dụng TTHQĐT để khai sai mã số dẫn đến giảm số thuế phải nộp diễn ra khá phổ biến. Đơn cử như tại Chi cục Hải quan quản lí hàng đầu tư, chỉ sau 1 tháng thực hiện TTHQĐT đã phát hiện 17 trường hợp vi phạm. Sau khi được chuyển luồng, điều chỉnh mã số tính thuế, đã tăng thu cho NSNN gần 2,3 tỉ đồng. Điển hình là trường hợp Công ty TNHH Giấy C.D làm thủ tục khai báo NK lô hàng máy lọc khí của bộ phận seal giấy, thuế suất thuế NK 0%. Với thông tin này, lô hàng được Hệ thống thông quan tự động phân luồng Xanh.

 

Tuy nhiên, phát hiện dấu hiệu gian lận về mã số tính thuế, Đội Thủ tục đầu tư và kinh doanh đã đề xuất chuyển sang luồng Đỏ kiểm tra thực tế hàng hóa. Kết quả hàng thực nhập là hệ thống thùng và nắp trục kín, có thuế suất thuế NK 5%, Chi cục điều chỉnh tăng thuế trên 509 triệu đồng. Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Chi cục đã phát hiện và chuyển từ luồng Xanh sang luồng Đỏ đối với 22 lô hàng gian lận về thuế, điều chỉnh và tăng thuế trên 500 triệu đồng…

 

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm mới đây, lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc Tổng cục và các cục hải quan địa phương tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn việc gian lận trong thực hiện TTHQĐT.

 

Không thể tăng tỉ lệ kiểm tra thực tế

 

Liên quan đến tỉ lệ phân luồng trong thực hiện thủ tục hải quan (cả TTHQĐT và thủ tục truyền thống), tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, mục tiêu về tỉ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa đến 2015 là dưới 10% và đến 2020 phấn đấu đạt dưới 7%. Như vậy, việc giảm tỉ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa là phù hợp với xu thế phát triển và mục tiêu mà Chính phủ đặt ra đối với ngành Hải quan.

 

Vấn đề mấu chốt ở đây là việc cơ quan Hải quan tổ chức thực hiện như thế nào để đảm báo các DN chấp hành tốt pháp luật được thông quan hàng hóa nhanh chóng, còn những DN tiềm ẩn nguy cơ gian lận vẫn được kiểm soát một cách chặt chẽ. Bởi chúng ta không thể ngăn chặn gian lận trong TTHQĐT bằng cách tăng tỉ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa- việc làm đi ngược lại xu thế phát triển, yêu cầu của Chính phủ và không khả thi trong thực tế.

 

Theo lãnh đạo Ban Quản lí rủi ro (Tổng cục Hải quan), tỉ lệ phân luồng trong TTHQĐT thời gian vừa qua là phù hợp với tình hình thực tế. Để ngăn chặn những hành vi gian lận trong thực hiện TTHQĐT việc xây dựng cơ sở dữ liệu về DN, mặt hàng, địa bàn có nguy cơ rủi ro là hết sức quan trọng. Khi cơ sở dữ liệu này sát, đúng với thực tế, chúng ta sẽ sàng lọc được các đối tượng DN để phân luồng chính xác. Những DN, mặt hàng, địa bàn có nguy cơ gian lận sẽ được kiểm soát chặt từ khâu phân luồng đến kiểm tra thực tế. Ban Quản lí rủi ro đang tiếp tục ghi nhận phản ánh từ các đơn vị hải quan địa phương để hoàn thiện hơn nữa cơ sở dữ liệu này.

 

Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện ở các đơn vị Hải quan có vai trò hết sức quan trọng. Với vai trò quản lí, giải quyết thủ tục trực tiếp cho DN, các đơn vị Hải quan địa phương có điều kiện nắm bắt được chính xác các thông tin liên quan đến hoạt động của DN. Do đó, cần tập trung công tác kiểm soát vào địa bàn, mặt hàng, DN trọng điểm. Để làm được điều đó, các đơn vị cần cơ cấu, bố trí lại nhân lực cho phù hợp với sự thay đổi quy trình thủ tục. Khi phương thức thực hiện thủ tục từ thủ công được chuyển sang TTHQĐT có nghĩa là vai trò của khâu trước và sau thông quan cần phải được nâng lên để đủ năng lực thu thập, phân tích thông tin, đánh giá việc tuân thủ của DN. Nhưng thực tế, nhân lực cho các khâu này ở nhiều đơn vị còn mỏng và chưa tương xứng.

 

Hoàn thiện quy trình TTHQĐT

 

Để ngăn chặn gian lận và tiếp tục hoàn thiện quy trình TTHQĐT, từ nhiều tháng nay, theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Tổng cục Hải quan đã và đang hoàn thiện dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 3046/QĐ-TCHQ về quy trình TTHQĐT đối với hàng hóa XNK thương mại. Theo Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan (Tổng cục Hải quan), dự thảo được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các tồn tại, vướng mắc liên quan đến nghiệp vụ trong quá trình thực hiện TTHQĐT vừa qua.

 

Dự thảo đã đưa ra nhiều điểm mới theo hướng nâng cao công tác quản lí trong quá trình làm thủ tục để vừa tạo thuận lợi cho DN chấp hành tốt pháp luật, vừa kiểm soát hiệu quả DN có hành vi gian lận. Một trong những sửa đổi, bổ sung quan trọng là quy định rõ ràng, chi tiết và tăng trách nhiệm của chi cục trưởng các chi cục trong quá trình thực hiện TTHQĐT.

 

Theo đó, chi cục trưởng chi cục Hải quan nơi thực hiện TTHQĐT có trách nhiệm: Tổ chức triển khai, giám sát việc thực hiện của công chức ở các bước trong quy trình đảm bảo đúng quy định. Can thiệp đột xuất tại các bước trong quy trình nghiệp vụ do Hệ thống xác định để đảm bảo quản lí hải quan và tự chịu trách nhiệm về quyết định can thiệp đột xuất theo nguyên tắc: Chỉ thực hiện đối với luồng Xanh và luồng Xanh có điều kiện khi phát hiện hoặc có đủ cơ sở xác định lô hàng vi phạm các quy định về quản lí thuế, hải quan, chính sách quản lí XNK đối với hàng hóa XNK... Các nội dung khác như: Kiểm soát hồ sơ; quản lí hồ sơ đối với luồng Xanh có điều kiện… cũng được xây dựng khá chi tiết.

 

Đặc biệt, nhiều đơn vị hải quan địa phương đề xuất đẩy mạnh ứng dụng chữ kí số để chống sự chối bỏ trách nhiệm của DN.

 

 

Theo T.Bình

Báo Hải Quan