Năm 2010 Viettel tăng trưởng trên 50%

Viettel vừa tổ chức Hội nghị Quân chính năm 2010 để đánh giá lại kết quả thực hiện sản xuất kinh doanh trong năm 2010 và phương hướng nhiệm vụ của năm 2011.

Năm 2010, Viettel đã đạt tổng doanh thu đạt 91.561 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2009, lợi nhuận đạt 15.500 tỷ đồng, tăng 52% và nộp ngân sách Nhà nước 7.628 tỷ đồng, tăng 45%. Với những kết quả ấn tượng này, Viettel tiếp tục là đơn vị dẫn đầu tăng trưởng và tỷ suất lợi nhuận trong ngành viễn thông.

Năm 2010 Viettel tăng trưởng trên 50%  - 1

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã đánh giá cao những kết quả mà Viettel đã đạt được năm 2010 trong bối cảnh nền kinh tế lạm phát tăng cao, người tiêu dùng tiết kiệm các chi phí nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành CNTT – TT cũng gặp những khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, một số Tập đoàn kinh tế Nhà nước như Vinashin có “vấn đề” cho nên xã hội cũng có cái nhìn khắt khe hơn với các Tập đoàn kinh tế Nhà nước, nên việc giao dịch với các ngân hàng đối tác cũng gặp những trở ngại. Trong lĩnh vực thông tin di động cũng cạnh tranh quyết liệt đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực phấn đấu, cũng như đẩy chi phí tăng lên do cạnh tranh.
 
6 điểm nhấn của Viettel

Năm 2010 Viettel tăng trưởng trên 50%  - 2

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, Viettel tiếp tục đầu tư xây dựng, quản lý 1 cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, đồng bộ, dung lượng lớn, chất lượng cao và có độ bao phủ rộng. Đây là 1 trong những thành tựu quan trọng nhất vì xét cho cùng nhà khai thác viễn thông nếu không có hạ tầng mạng lưới thì đi kinh doanh rất khó khăn khi ở trong thế bị động phải đi thuê. Đây là 1 trong những lợi thế của những doanh nghiệp có hạ tầng mạng. Viettel từ chỗ tay không 10 năm trước giờ trở thành doanh nghiệp có hạ tầng viễn thông hiện đại bậc nhất Việt Nam. Đặc biệt trong năm 2010, việc đầu tư cơ sở hạ tầng có những thành tựu vượt bậc như hạ tầng 3G. Số liệu cho thấy Viettel có hơn 42.000 trạm BTS 2G và 3G, lớn nhất Việt Nam và hơn cả Vinaphone và MobiFone cộng lại. Có hơn 9.000 xã đã được Viettel quang hoá. Trong chiến lược phát triển bưu chính, viễn thông đến năm 2010 và định hướng 2020. “Bộ TT&TT cũng đưa ra chủ trương là làm sao tời thời gian đó 30% số xã có cáp quang. Nhưng bây giờ cả Viettel đã hoàn thành được 82%. Một mục tiêu chiến lược khác mà Viettel cũng đạt được là đã có có gần 120.000 km cáp quang. Tương lai trong 10 năm tới là băng rộng, mà băng rộng lại phụ thuộc vào hạ tầng cố định, đặc biệt là cáp quang. Như vậy, Viettel đã chuẩn bị được cho tương lai trong 10 năm tới” Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.
 
Thứ trưởng cũng đánh giá cao Viettel đã giữ vững tăng trưởng cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mục tiêu chiến lược mà Bộ TTT&TT đề ra của ngành là tăng trưởng 1,5-2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, tương đương 15-20%. Nhưng Viettel không chỉ tăng trưởng 15-20% mà tới 50-60% như doanh thu năm 2010 tăng trưởng 52%, lợi nhuận 52%, doanh thu viễn thông tăng 33%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng 4-5 lần, thậm chí có chỉ tiêu thì 7-8 lần so với GDP.
 
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng đánh giá cao Viettel đầu tư cho công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông theo hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ lõi và từng bước nội địa hoá các sản phẩm. Mặc dù kết quả còn khiêm tốn, nhưng Bộ TT&TT đánh giá cao ở tinh thần, cách làm, bước đi, dám nghĩ, dám làm vào nhiệm vụ khó của Viettel. “Nhiều năm qua, nhiều doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã làm nhưng không thành công. 30 năm trước khi tôi ở Nhà máy M1 đã mơ ước làm được thiết kế máy vô tuyến điện quân sự đến bây giờ Viettel đã làm được, bên cạnh một số sản phẩm khác là USB 3G, thiết bị điều khiển giám sát,...” Thứ trưởng nói.
 
Đề cập đến thành tựu thứ 4, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, Viettel dù là doanh nghiệp làm kinh doanh nhưng đi đôi với thực hiện nhiệm vụ công ích và an ninh quốc phòng, hoạt động nhân đạo từ thiện vì lợi ích chung phát triển cộng đồng, lợi ích xã hội. Không chỉ là doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận đơn thuần mà Viettel vẫn làm các nhiệm vụ công ích và vẫn thực hiện các lợi ích chung vì cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp làm nhưng làm được như Viettel thì không phải là nhiều. Ví như Viettel đã hình thành được mạng dự phòng cho hệ thống thông tin quân sự. Tôi nhớ cách đây năm 1997, khi cấp phép vào thị trường thì cho phép doanh nghiệp quân đội làm là để dự phòng cho hệ thống thông tin quân sự. Hoặc đưa Internet đến trường học là việc làm ít quốc gia làm được không chỉ ở cấp doanh nghiệp mà cả ở cấp Nhà nước. Ở Mỹ, Úc vẫn đang tiếp tục có những chương trình đổ hàng tỷ USD đưa băng rộng đến các hộ gia đình, trường học, bênh viện.
 
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, Viettel đã làm chủ được thị trường trong nước và từng bước vươn ra thị trường quốc tế. “Nếu trước đây chỉ thị trường Lào và Campuchia thì ai cũng nghĩ là chuyện đương nhiên vì gần gũi với Việt Nam, nhiều thuận lợi. Viettel sang 2 nước này có 2 mặt vừa là lợi ích, vừa là nhiệm vụ. Tuy nhiên khi Viettel đầu tư các thị trường Mỹ La tinh, Châu Phi là thành tích đáng trân trọng. Đầu tư sang Lào, Campuchia, đã phát sóng tại Hati, chuẩn bị triển khai ở Mozambique. Đây là thành tựu hết sức quan trọng.Tinh thần này các doanh nghiệp khác cũng cần phải học tập và theo bước Viettel dần dần chuyển bước sang cả hoạt động trên thị trường quốc tế” Thứ trưởng nói.
 
Thành tựu thứ 6 của Viettel được Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh là Viettel đã xây dựng được mô hình bộ máy sản xuất kinh doanh năng động phù hợp với thị trường và doanh nghiệp theo hướng thống nhất cao và chuyên môn hoá. Viettel tách được hạ tầng tập trung, kinh doanh phân tán và hoàn thiện mô hình này trong thời gian ngắn. Xây dựng được hệ thống bán hàng tới cấp huyện, hệ thống nhân viên địa bàn tới tận phường, xã. Hay việc tuyển dụng, đào tạo và đào thải nguồn nhân lực rất phù hợp, hiệu quả với phương châm nước muốn trong thì phải chảy để đảm bảo bộ máy, con người hoàn thiện.
 
Đặt niềm tin vào Viettel
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, Viettel phải đi vào phát triển chiều sâu, phát triển bền vững, tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư kinh doanh như là các chỉ tiêu lợi nhuận, nộp ngân sách, năng suất lao động, thu nhập bình quân, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, tối ưu hoá chi phí, nâng cao ARPU. Bên cạnh đó, phải nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng mạng lưới. Viettel đầu tư mạng 3G rất lớn nên phải có biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng, cũng như nâng cao chất lượng mạng lưới, an toàn thông tin đáp ứng nhu cầu thị trường và khách hàng. Bên cạnh đó, Viettel phải tiếp tục thực hiện tốt giữa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ công ích. Tiếp tục tham gia tích cực vào chương trình viễn thông công ích, phổ cập dịch vụ và xoá dần khoảng cách CNTT giữa nông thôn và thành thị, vùng sâu và vùng xa, biên giới hải đảo.
 
Thứ trưởng cho rằng, Viettel cần phát huy thế mạnh và kết quả bước đầu để tiếp tục từng bước nghiên cứu các sản phẩm công nghệ thông tin, viễn thông mang thương hiệu Việt Nam và giá trị Việt Nam trong sản phẩm dịch vụ ngày càng cao lên. “Bài học Huawei là bài học tốt cho chúng ta. Sản phẩm có thể không sản xuất tại Trung Quốc, có thể tại Đài Loan nhưng quan trọng là lõi, nghiên cứu phát triển, thiết kế, phần mềm do Huawei làm chủ. Như thiết bị iPhone thì sản xuất tại Trung Quốc nhưng là công nghệ của Mỹ. Do đó, quan trọng không phải là sản xuất ở đâu mà là giá trị của chúng ta trong sản phẩm ở mức độ nào. Đó mới là con đường đi theo kinh tế tri thức. Bộ tin tưởng nhiều vào Viettel, mong muốn Viettel cũng như trong lĩnh vực dịch vụ làm sao đưa sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin trở thành các sản phẩm bình dân, phù hợp với người tiêu dùng. Các sản phẩm nước ngoài với giá cao không tương xứng với thu nhập của người dân và ảnh hưởng tới cán cân thương mại” Thứ trưởng nhấn mạnh.
 
Trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng còn đề cập đến nhiệm vụ Viettel cần phải tham gia tích cực vào các chương trình của Bộ TT&TT về đề án tăng tốc đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT - TT, trong đó có những nhiệm vụ quan trọng như đưa băng rộng, phổ cập thiết bị nghe nhìn tới các hộ gia đình, chế tạo sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin của Việt Nam và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm