Mô hình chăn nuôi làm giàu trên đất quê mình

(Dân trí) - Nhằm góp phần khuyến khích người nông dân tích cực tham gia phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình, một mô hình mới – nuôi chồn nhung đen đã được triển khai ở một số địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều thông tin khác nhau xung quanh mô hình này, phóng viên Báo dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông Đoàn Việt Châu – chủ nhân của mô hình “Làm giàu trên đất quê mình” để làm rõ hơn những vấn đề liên quan.

 

Xin ông cho biết đôi nét về mô hình chăn nuôi chồn nhung đen?

 

Chồn nhung đen còn có tên gọi là "hắc thốn", có nguồn gốc từ Nam Mỹ, có nhiều ở vùng núi Andes, được Tây Ban Nha nhập vào nuôi cách đây hàng trăm năm. Sau được nuôi ở một số nước Châu Âu, rồi phát triển sang Châu Á, chủ yếu nuôi nhiều ở khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Chồn nhung đen có bộ lông đen tuyền, mặt như mặt thỏ, tai nhỏ và cụp, hình dáng giống như chuột nhưng không có đuôi, tính tình hiền lành, nhút nhát, động tác nhanh nhẹn hơn thỏ, không phá phách như chuột, sức đề kháng tốt trong quá trình nuôi chưa phát hiện thấy triệu chứng bệnh. Qua phân tích được đánh giá thịt của chồn giàu và cân đối các chất dinh dưỡng hơn các loại thịt gia súc và gia cầm khác.

 

Chồn nhung đen rất dễ nuôi, chuồng trại đơn giản, là động vật ăn tạp, thức ăn chủ yếu là các loại cỏ, thân cây ngô, dây lang, lá lạc, lá mía... Ngoài ra hàng ngày còn cho chồn ăn thêm cám gạo, khoai, sắn, bột ngô, tấm... nhất là đối với chồn cái sinh sản. Hiện nay chồn nhung đen đang được nuôi khá nhiều ở các tỉnh Quảng Tây, Chiết Giang, Thượng Hải, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hồ Bắc, Hồ Nam, Vân Nam (Trung Quốc)... Hiện đã có những cơ sở nuôi tới hàng vạn con, với quy mô sản xuất hàng hóa, đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Theo thống kê sơ bộ đến hết năm 2005 ở Trung Quốc đã có 2080 hộ ở 33 huyện của 11 tỉnh nuôi khoảng 30 vạn đôi, đã bán ra thị trường tới 12,8 vạn con. Hiện nay chồn nhung đen ở Trung Quốc cung không đủ cầu.

Ở Việt Nam, chồn nhung đen được Viện chăn nuôi Việt Nam đưa về nuôi thử nghiệm từ năm 2005 và kết luận là hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, môi trường tại nước ta.
Được phép của cơ quan có thẩm quyền, tôi đã xây dựng mô hình nuôi chồn của riêng mình và hiện nay mô hình đã phát triển ra một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Có người cho rằng, mô hình chăn nuôi chồn nhung đen thực chất chỉ là mô hình kinh doanh đa cấp, còn trên thực tế, việc nuôi chồn nhung đen không mang lại lợi ích kinh tế cao, vì nó chưa có thị trường tiêu thụ, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Về mô hình: bán hàng đa cấp (Multi-Level Marketing -MLM) là một mô hình kinh doanh ra đời tại Bắc Mỹ và rất phát triển ở các nước tiên tiến trên thế giới. Ngành kinh doanh này hợp pháp không chỉ trên 50 bang của nước Mỹ mà còn được luật pháp của 75 nước trên thế giới thừa nhận. Ở nước ta việc kinh doanh đa cấp được quy định tại Nghị định 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được Chính phủ ban hành ngày 24 tháng 8 năm 2005. Hệ thống bán hàng đa cấp được xây dựng theo nhiều mô hình khác nhau nhưng nét nổi bật của phương pháp kinh doanh này là:

+ Người vào hệ thống trước và người kinh doanh giỏi có cấp bậc cao hơn người vào sau;

+ Người vào hệ thống trước được hưởng phần trăm từ việc mời được người tham gia vào mạng lưới;

+ Người vào hệ thống trước được hưởng doanh thu bán hàng của người vào sau;

 Đối chiếu với những tiêu chí của bán hàng đa cấp thì mô hình chăn nuôi của tôi chỉ là mô hình chăn nuôi thông thường vì những lý do sau:

+ Người chăn nuôi trước và người chăn nuôi sau bình đẳng với nhau về mọi phương diện và họ ký hợp đồng chăn nuôi với chủ mô hình như nhau;

+ Người chăn nuôi trước không được hưởng lợi gì của người chăn nuôi sau;

+ Sản phẩm thu được của những người tham gia không phải là phần trăm hoa hồng do bán sản phẩm mà thu từ việc bán chồn con được chồn mẹ đẻ ra do công lao động của người chăn nuôi mà có.

Về giá: trong mô hình chăn nuôi của tôi ý tưởng xây dựng về giá là để phát huy được tính tích cực trong quá trình vận hành, để kết nối mối quan hệ giữa mô hình và người chăn nuôi. Sự kết hợp chặt chẽ của người chăn nuôi với mô hình phải là kết quả mà mô hình đem lại cho người chăn nuôi. Nhằm mục đích đưa lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi và nhiều lý do khác tôi đã chọn phương án bán cho người dân 2 triệu một cặp chồn bố mẹ, thu phí phát triển kinh doanh 250 ngàn một chồn đẻ và mua lại 500 ngàn một chồn con. Mỗi lứa chồn đẻ từ 1 đến 7 chồn con, tính trung bình mỗi chồn mẹ đẻ 4 con một lứa. Như vậy người chăn nuôi bỏ ra 20 triệu để nuôi 10 cặp chồn bố mẹ, sau 3 tháng chăn nuôi người chăn nuôi thu được 40 chồn con. Như vậy người dân thu được 20 triệu đồng, sau khi trừ phí phát triển kinh doanh là 2,5 triệu, người chăn nuôi còn 17,5 triệu đồng. Tính bình quân người chăn nuôi có thu nhập trên 5,8 triệu đồng tiền lãi một tháng.

- Về việc tiêu thụ chồn thương phẩm: chồn nhung đen là loại vật nuôi có giá trị dinh dưỡng cao như đã nói ở trên, nhưng người dân Việt Nam chưa có thói quen ăn thịt chồn. Do vậy, việc mua bán chồn trong mô hình chăn nuôi của tôi chỉ mới là mua bán chồn sinh sản. Tuy nhiên, việc tiêu thụ chồn thương phẩm nằm trong chiến lược kinh doanh của tôi gồm 2 bước. Cụ thể là:

+ Bước 1: quy định hợp đồng chăn nuôi là 28 tháng, sau 28 tháng chăn nuôi người chăn nuôi được ăn thịt chồn bố, mẹ. Chúng tôi sưu tầm và phát cho người chăn nuôi cuốn sách 18 món ăn từ thịt chồn và cách chế biến Như vậy với hộ chăn nuôi 10 cặp chồn sau 28 tháng chăn nuôi đã thu đủ vốn và lãi sẽ ăn thịt 10 cặp chồn, bằng cách này người chăn nuôi có thêm khẩu phần thịt chồn bổ dưỡng cho bữa ăn của mình, đồng thời tạo nên thói quen ăn thịt chồn trong người dân.

+ Bước 2: Chúng tôi sẽ lựa chọn một số đầu bếp giỏi cử sang Trung Quốc để học cách chế biến thịt chồn. Vì theo tôi được biết ở Trung Quốc người dân đã có thói quen ăn thịt chồn và có nhiều nhà hàng đặc sản nổi tiếng chuyên kinh doanh thịt chồn nhung đen. Khi đã có một lượng chồn nhất định do sinh sản từ mô hình và có những đầu bếp được đào tạo bài bản, giỏi chế biến thịt chồn, tôi sẽ xây dựng các nhà hàng ở các vùng miền khác nhau trong cả nước để từng bước tạo nên thị trường rộng lớn tiêu thụ chồn thương phẩm như thịt lợn, thịt gà, thịt bò. Hiện nay lợn, gà, trâu bò đang bị nhiều bệnh dịch như H5N1, tai xanh, lở mồm, long móng nên ăn thịt chồn là đảm bảo an toàn và đủ chất dinh dưỡng cho con người. Ngoài ra, theo nguồn thông tin khoa học đáng tin cậy thì trong thịt chồn nhung đen có chứa các loại axit amin, các nguyên tố vi lượng mà cơ thể con người rất dễ hấp thu. Chính vì vậy, chồn nhung đen trở thành thứ đặc sản trong cẩm nang các bài thuốc quý. Do vậy, sắp tới chúng tôi sẽ hợp tác với các công ty dược phẩm trong nước để triển khai việc nấu cao chồn nhằm phục vụ tốt hơn sức khỏe cho người dân.

Khi tôi đã xây dựng được thị trường thương phẩm thì người chăn nuôi sau khi hết hợp đồng sẽ tái đàn chồn mới. Thịt chồn thương phẩm sẽ được đưa về giá thị trường. Như vậy người dân có thể ăn được thịt chồn như thịt gà, thịt lợn. Do vậy, người chăn nuôi sẽ không lo không bán được chồn và bị thua lỗ như một số người vẫn lo lắng. Việc tạo nên thị trường tiêu thụ chồn thương phẩm là trách nhiệm của tất cả mọi người chăn nuôi chứ không chỉ là công việc của ông chủ mô hình.

Thưa ông tại sao mô hình của ông chỉ duy trì thời gian hợp đồng là 2 năm + 4 tháng mà không phải là một thời gian khác? có chuyên gia cho rằng ông bắt người dân tiêu hủy chồn bố mẹ sau 28 tháng là quá lãng phí và đi ngược lại quy luật sinh trưởng tự nhiên của con chồn, bởi theo nghiên cứu, một chồn đực có thể ghép với 5 chồn cái và thời gian chồn cái sinh sản kéo dài tới 5 năm. Tại sao mỗi xã chỉ có 5 hộ dân được chăn nuôi?

Bởi vì mô hình nhằm tạo thuận lợi cho người chăn nuôi và duy trì sự bền vững của mô hình. Cụ thể là mỗi chồn mẹ đẻ 3 tháng một lứa như vậy là 2 năm người chăn nuôi có thu nhập từ 8 lứa chồn đẻ. Mỗi chồn mẹ đẻ từ 1- 7 chồn con như vậy chỉ đến 2 đến 3 lứa chồn đẻ là người chăn nuôi thu hồi vốn còn những lứa sau là tiền lãi từ nuôi chồn. Còn 4 tháng sau cùng tương đương một lứa chồn sinh sản thể hiện tính nhân văn của chủ mô hình nhằm bù cho người chăn nuôi trong trường hợp tháng đầu tiên chồn chết người chăn nuôi được mô hình bù cho chồn mới. Việc duy trì mỗi xã chỉ có 5 hộ được đăng ký chăn nuôi theo mô hình là để duy trì sự phát triển bền vững của mô hình, hạn chế việc phát triển nóng. Việc nuôi chồn nhung đen là để ăn thịt. Không để người dân ăn thịt chồn sau 28 tháng chăn nuôi nhằm tạo ra thói quen ăn thịt chồn thì con chồn nhung đen làm sao phát triển được.
Có thông tin cho rằng chồn nhung đen chỉ là loài… chuột cỏ Nam Mỹ, không ít người lo ngại khi mô hình chăn nuôi đổ vỡ, hàng triệu con chồn nhung đen sẽ bị thả ra ngoài tự nhiên gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái giống như việc nuôi ốc biêu vàng trước đây. Điều đó có đúng không thưa ông?
Năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho phép nhập 50 con chồn nhung đen từ Trung Quốc về Việt Nam nuôi thử nghiệm. Sau thời gian nuôi thử, Viện chăn nuôi nhận định: giống chồn nhung đen thích nghi tốt với điều kiện nước ta. Năm 2007, Chồn nhung đen chính thức được nhập vào Việt Nam. Theo TS Võ Văn Sự, Bộ môn Động vật quý hiếm và đa dạng sinh học (Viện Chăn nuôi) thì giống chồn nhung đen thuộc loại Guine Pig. Đối với Việt Nam là giống tương đối mới nhưng trên thế giới đã được nuôi nhiều. Ở nhiều nước châu Phi, châu Á như Nigieria, Cameroon, Conggo, Philippine, Trung Quốc…đã nuôi thử nghiệm thành công và phát triển giống này nhằm đáp ứng nhu cầu thịt cho dân. Tại Nam Nigieria, 10% gia đình nông dân nuôi giống này hay tại Peru 10% lượng thịt trên thị trường được sản xuất từ chồn nhung đen.

Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng Cục Môi trường- Bộ TN-MT), thì Chồn nhung đen là loài ngoại lai hoang dã, tuy nhiên nó đã được thuần hóa từ lâu và đã trở thành loài vật được nuôi ở nhiều nước trên thế giới. Cho đến nay, cả ở Việt Nam và quốc tế, chưa có nước nào xếp giống chồn nhung đen vào loài ngoại lai xâm hại.

Riêng đối với mô hình chăn nuôi của tôi thì tôi áp dụng nhiều biện pháp để chồn không lọt ra ngoài tự nhiên. Cụ thể là:

+ Áp dụng giá bán chồn giống là 2 triệu đồng một cặp để người chăn nuôi có trách nhiệm cao trong việc bảo quản chồn;

+ Người chăn nuôi chồn phải sử dụng lồng sắt kiên cố do mô hình thiết kế và sản xuất.

Xin Ông giới thiệu đôi nét về mô hình chăn nuôi của mình

Mô hình chăn nuôi của tôi hiện nay như sau:

+ Áp dụng giá mua và giá bán chồn cao hơn giá thị trường nhằm tạo nên tính cạnh tranh cao, tính bền vững lâu dài của mô hình.

+ Khai báo khi chồn sinh sản để đăng ký kiểm tra kiểm soát đàn chồn với từng hộ chăn nuôi và toàn bộ mô hình;

+ Người chăn nuôi không được tự nhân đàn chồn giống dưới mọi hình thức;

+ Người chăn nuôi không được tự ý bán ra và mua chồn vào để trục lợi từ mô hình;

+ Người chăn nuôi nộp phí tiêu thụ để mô hình làm tốt việc phát triển kinh doanh;

+ Mỗi xã trong giai đoạn đầu chỉ có 5 hộ được đăng ký chăn nuôi, mỗi hộ bình thường được nuôi từ 5- 20 đôi chồn;

+ Kết thúc một hợp đồng là 2 năm + 4 tháng

Chúng tôi dành một tháng để người chăn nuôi nghỉ ngơi và dự định rằng tất cả người chăn nuôi sẽ là nơi tiêu thụ đàn chồn thải bằng cách ăn thịt chồn. Lúc này giá chồn được đưa về giá thị trường là 500 ngàn một cặp chồn.

Trong mô hình chăn nuôi này tôi đã giúp hỗ trợ vốn cho người dân từ 30% đến 50% vốn chăn nuôi thậm chí 100% vốn cho hội nạn nhân chất độc da cam Dioxin. Quá trình mua bán chồn tôi không nợ dân đồng nào, không huy động vốn của dân. Trường hợp chồn ốm được đội ngũ y tế hướng dẫn chăm sóc. Trường hợp trong tháng đầu tiên nuôi chồn nếu chồn chết được mô hình bù cho chồn mới.

 Mô hình chăn nuôi của tôi đã được áp dụng trong 27 tỉnh, thành phố trong cả nước với hàng trăm hộ gia đình tham gia, số lượng đàn chồn lên tới hàng ngàn chồn bố mẹ đang phát triển tốt. Mỗi năm mô hình đều có tổ chức tổng kết quá trình chăn nuôi. Thực tế việc áp dụng mô hình này chưa có người chăn nuôi nào bị thất bại. Thành công nhiều hay ít là phụ thuộc vào kỹ thuật, tâm huyết, tình yêu con vật của người  chăn nuôi.

Cám ơn ông, xin chúc mô hình chăn nuôi “Làm giàu trên đất quê mình” của ông thu được hiệu quả kinh tế cao, thực sự giúp cho người nông dân xóa đói, giảm nghèo góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới./.

P.V

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm