Hải quan thu hồi thuế nợ đọng: Kẽ hở quy định

Mặc dù ngành Hải quan đã nỗ lực rất nhiều cùng với các giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo từ mỗi cơ sở, nhưng số thuế nợ đọng không những không giảm mà vẫn có chiều hướng gia tăng. Vậy đâu là nguyên nhân?

Một trong những nguyên nhân khiến ngành Hải quan khó hoàn thành chỉ tiêu đặt ra là do không thu được hết thuế nợ đọng.
 
Khó khăn nhiều phía

 

Khó khăn nhiều phía

 

Theo số liệu thống kê của Cục thuế XNK (TCHQ), tính đến 31/5/2013, nợ thuế chuyên thu quá hạn của ngành Hải quan khoảng 6.173,83 tỉ đồng. So với thời điểm 31/12/2012, số nợ thuế này tăng khoảng 361,58 tỉ đồng. Mặc dù ngành Hải quan đã nỗ lực thu hồi nhưng con số đạt được vẫn còn khiêm tốn, 5 tháng đầu năm chỉ đạt 843 tỉ đồng.

 

Lý giải nguyên nhân, đại diện lãnh đạo Cục thuế XNK cho rằng số nợ này đa số là nợ phát sinh trước khi Luật thuế XNK có hiệu lực thi hành. Trước 1/1/2006, DN được nợ thuế mà không ràng buộc điều kiện phải là DN chấp hành tốt pháp luật thuế như Luật Quản lý thuế nên có một số DN chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn, sau đó bỏ trốn, hoặc tự giải thể.

 

Bên cạnh đó, tuy Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 1/7/2007 đã góp phần công khai, minh bạch các thủ tục Hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan Hải quan… nhưng vẫn có một số quy định tạo kẽ hở để DN lợi dụng. Cụ thể như việc cho ân hạn nộp thuế trong thời gian dài đối với hàng tạm nhập - tái xuất và hàng hoá NK khác (trừ hàng tiêu dùng) mà không phải bảo lãnh, nên khi đã giải phóng hàng, một số DN chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn hoặc dù có khả năng thanh toán vẫn lợi dụng chính sách của Nhà nước để chiếm dụng vốn, không nộp thuế đúng hạn.

 

Một nguyên nhân nữa là quy định về các điều kiện được áp dụng cưỡng chế (phải phát hiện người nộp thuế có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản) tại Điều 93 Luật Quản lý thuế  tỏ ra không thật sự hiệu quả so với biện pháp cưỡng chế ngay một cách phù hợp vì để thực hiện các điều kiện trên cần một khoảng thời gian đủ dài để DN có thể đối phó được.

 

Ngoài ra, có một nguyên nhân khác tác động không nhỏ đến số thu của ngành là DN lao đao vì kinh tế suy thoái.  Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 6/2013, số DN giải thể, ngừng hoạt đã lên tới 26.324 DN, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nợ thuế chuyên thu quá hạn của ngành Hải quan tăng lên mà không giảm.

 

Chủ động giải quyết

 

Để giảm số nợ thuế, một mặt, TCHQ chỉ đạo Hải quan các địa phương trình các cấp có thẩm quyền xóa các khoản nợ được xóa theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 (bao gồm nợ đã quá hạn 10 năm đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế nhưng chưa thu được, nợ của DN cổ phần hóa, sát nhập, chuyển đổi sở hữu… phát sinh trước ngày 1/72007).

 

Đối với các khoản nợ quá hạn không có khả năng thu hồi của DN tự ngừng hoạt động nhưng chưa quá 10 năm, không thuộc đối tượng được xóa, Hải quan các địa phương sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý theo thầm quyền.

 

Mặt khác, Tổng cục cũng yêu cầu Hải quan các địa phương cần áp dụng trình tự thanh toán tiền thuế theo quy định tại Điều 45 Luật Quản lý thuế và khoản 12 Điều 11 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Đồng thời, phối hợp với cơ quan Thuế nơi DN đóng trụ sở để thực hiện thu hồi nợ thuế XNK đối với các DN được hoàn thuế GTGT tại cơ quan thuế.

 

Công tác về tổ chức thực hiện cũng được TCHQ chú trọng như: nâng cấp hệ thống kế toán thuế XK, thuế NK (hệ thống KT559); Thành lập Ban thu hồi nợ thuế để định hướng, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện công tác thu hồi nợ; hướng dẫn các Cục, Chi cục Hải quan nâng cao trách nhiệm trong việc xử lý, thu hồi nợ, gắn trách nhiệm của cán bộ công chức với việc khen thưởng kỷ luật nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác thu hồi nợ; Phối hợp cùng với các cơ quan công an, cơ quan pháp luật, cơ quan thuế có liên quan để thu hồi nợ; Áp dụng đúng trình tự thanh toán tiền thuế theo quy định tại điều 45 Luật Quản lý thuế; Tổ chức xác minh tình trạng hoạt động của DN, thông báo cho Sở Kế hoạch Đầu tư biết những thành viên của Hội đồng quản trị DN có nợ thuế chây ỳ để lưu ý khi cấp phép thành lập DN mới.

 

Đặc biệt, hiện TCHQ đang xây dựng quy trình theo dõi, quản lý nợ thuế, theo đó quy trình này sẽ quy định nội dung, trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện công tác theo dõi quản lý nợ thuế đối với hàng hoá XNK. Bên cạnh đó, quy trình này áp dụng để theo dõi quản lý nợ thuế đối với hàng hóa XNK tại cơ quan Hải quan các cấp và đưa ra các tiêu chí phân loại nợ (nhóm nợ khó thu, nhóm nợ chờ xử lý, nhóm nợ có khả năng thu), các bước thực hiện quản lý nợ… Và quy định nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị từ cấp Tổng cục đến cấp chi cục…

 

Theo lãnh đạo Cục Hải quan TP HCM, có 2 cách thu hồi thuế nợ đọng hiệu quả. Một là, xác minh, truy đến cùng các DN nợ thuế. Hai là, phân công công chức theo dõi từng hồ sơ nợ thuế, mỗi người quản lý một số lượng DN và hồ sơ nợ thuế nhất định. Các công chức đó phải có trách nhiệm với số hồ sơ nợ thuế được giao, liên tục theo dõi, phải đánh giá được diễn biến hoạt động của DN.

 

Theo Đức Linh

DĐDN