Gõ khó doanh nghiệp, Nhà nước phải bỏ tư duy “quản và kiểm” đi!

(Dân trí) - "... Để khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp, Nhà nước phải từ bỏ cách điều hành kiểu “quản - kiểm” đi, hãy thay đổi trong tư duy “não trạng” của kinh tế” – khẳng định của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
"Chỉ 1% doanh nghiệp gia nhập thị trường, 18% ngừng hoạt động, 45% phải chi phí “bôi trơn” để hoạt động, doanh nghiệp đăng ký hoạt động chính thức giảm 1 nửa…. Đó là vấn đề lớn của doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp hộ gia đình. Để khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước phải từ bỏ cách điều hành kiểu “quản - kiểm” như hiện nay, thậm chí không dùng nó. Thay vào đó hãy dùng và hiện thực hóa các từ “hỗ trợ”, “thúc đẩy” để  thay đổi trong tư duy “não trạng” của kinh tế”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) bình luận về kết quả trên vừa được đưa ra trong Báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (NVVV) năm 2013” vừa được công bố ngày 04/11/2014.

Phóng viên Dân trí đã có buổi phỏng vấn T.S Nguyễn Đình Cung xung quanh vấn đề này.

Theo ông những khó khăn nội tại của nền kinh tế đã và đang tác động thế nào đối với doanh nghiệp nhỏ?

Nói qua về báo cáo và tính xác thực của báo cáo, đây là lần thứ 5 Báo cáo được Viện CIEM hợp tác với cơ quan phi chính phủ Đan Mạch nghiên cứu nhưng là lần đầu tiên được công bố rộng rãi. Tôi cho rằng báo cáo này khách quan, trung thực nhất vì nó được khảo sát và nghiên cứu hoàn toàn độc lập của các bên với hơn 2.500 doanh nghiệp tại 10 tỉnh thành trọng điểm trong thời gian 2011 – 2013.

T.S Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)
T.S Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Các chỉ số như 1% doanh nghiệp gia nhập thị trường, 18% ngừng hoạt động, 45% phải chi phí “bôi trơn” để hoạt động, doanh nghiệp đăng ký hoạt động chính thức giảm 1 nửa… là đánh giá rất có sức thuyết phục trên cơ sở các số liệu chi tiết. Bên cạnh đó, báo cáo cho biết 70% doanh nghiệp cho biết gặp thách thức và khó khăn từ khủng hoảng. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh những khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay chính là do nội tại kinh tế vĩ mô, do bản thân doanh nghiệp, đây là góc nhìn rất thực tế về kinh tế Việt Nam.

Tôi cho rằng, cái khó của các nhóm doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ (hộ gia đình) cũng chung như các doanh nghiệp khác hiện nay là: Giá vốn cao, không có tài sản thế chấp xứng với số vốn đi vay, vay được ít nên làm ăn manh mún. Bên cạnh đó, khó khăn gia nhập thị trường, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu; khó khăn đối với chi phí sản xuất khi bất lợi quy mô sản xuất; cạnh tranh dự án, đơn hàng và thị trường trước các đối thủ lớn và hỗ trợ chính sách của bộ ngành và Chính phủ chưa thiết thực.

Ông có nhận định gì về tâm lý kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ gia đình?

Từ năm 2000, chúng tôi thấy có xu hướng rất hồ hởi kinh doanh, hồ hởi tìm kiếm cơ hội làm giàu của đại bộ phận doanh nhân, còn hiện nay  tôi phải nói thẳng đi đâu người ta cũng bàn đến những khó khăn, rủi ro và thách thức, chi phí và rào cản do thể chế đặt ra.

Vấn đề hiện nay là phải tạo ra hứng khởi trong tinh thần kinh doanh, cần thay đổi đến thể chế kinh doanh, gắn liền với doanh nghiệp. Thay đổi trong bộ máy quản lý  làm sao trở thành nhà nước kiến tạo thay vì nhà nước quản lý, kiểm soát. Phải bỏ những cách điều hành kiểu “quản - kiểm” như hiện nay đi, thậm chí không dùng nó. Hãy dùng những từ “hỗ trợ”, “thúc đẩy” hơn là bằng cách từ giấy phép, phí, cửa và quy định… Đó mới là thay đổi trong tư duy “não trạng” của kinh tế.

Ông có nhận xét gì về con số đăng ký hoạt động chính thức của doanh nghiệp giảm gấp đôi so với các năm trước?

Tốc độ chính thức hóa doanh nghiệp - (doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mô hình doanh nghiệp chính thức chứ không hoạt động phi chính thức) năm 2009-2011 có 21%, đến 2011-2013 giảm xuống chỉ còn 10%. Các DN nhỏ và vừa đang hạn chế đăng ký mở rộng kinh doanh, họ thu hẹp về sản xuất, kinh doanh theo hộ gia đình để bảo toàn vốn và chống lại các nguy cơ.  

Đúng ra, theo quy luật, doanh nghiệp phải chính thức hóa tăng lên, còn thực tế ở Việt Nam lại đang đi thụt lùi đi. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp Việt đang “phú quý giật lùi” như T.S Lê Đăng Doanh đã nói.

Tình hình các doanh nghiệp nhỏ vừa đang ảm đảm., tất cả các chỉ số đều giảm, năng suất, tạo việc làm, nghiên cứu và sáng tạo giảm. Các DN tư nhân VN tại sao nó không lớn được và không thể lớn được vì nó gặp những vấn đề nền tảng. Ví dụ như vấn đề nộp thuế, doanh nghiệp Việt Nam phải chi 820 giờ để nộp thuế trong khi các nước trong khu vực ASE chỉ mất 170 giờ để nộp thuế trong 1 năm. Với thể chế cũ, dù doanh nghiệp có ý tưởng nhưng vẫn không thể phát triển. Muốn có được nền tảng cần một sự thay đổi lớn lao về thể chế kinh tế, công cụ hỗ trợ, luật lệ và các biện pháp thúc đẩy của Chính phủ, bộ ngành phải đến gần với doanh nghiệp hơn nữa chứ nhiều chính sách thời gian vừa qua tôi thấy đang xa rời và chưa thực tế.

Theo ông, khả năng hội nhập của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ thời gian tới ra sao?

Nhìn vào những vấn đề thể chế kinh tế, hành chính và môi trường kinh doanh, tôi đánh giá những vấn đề này có tác động đối với doanh nghiệp nhiều hơn là những sự biến động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Đây là thực tế mà nhiều diễn giả đã đưa ra và chứng minh. Nhiều người cho rằng, nếu không có cải thiện, chỉ năm nay và sang năm sau tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ thua Lào, Campuchia và thu nhập bình quân/người của Việt Nam sẽ thua họ nốt.

Đều lớn lên và phát triển trong 1 môi trường kinh tế thế giới, khu vực chung nhưng sức khỏe nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xấu hơn, chứng tỏ quản lý điều hành của chúng ta có vấn đề và phải có cách khắc phục ngay.

Những cái mới như Hiến pháp năm 2013 đã đảm bảo nhiều quyền lợi cho người dân được điều kiện kinh doanh và làm giàu. Các luật đi cùng với cải cách sẽ mở toang cánh cửa cho kinh doanh như thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi trong luật đầu tư - bỏ trần khống chế về phí quảng cáo. Luật đầu tư sửa đổi cũng được mở rộng các ngành, lĩnh vực trước kia ta cấm giờ được bãi bỏ hay Nghị quyết số 19 của Chính phủ đặt ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo tiêu chí của Ngân hàng thế giới WB: giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp… thực sự mà nói phải hết sức quyết liệt thì mới thay đổi được thể trạng hiện nay. Tôi nghĩ rằng phải thay đổi mạnh mẽ hơn từ các cơ quan nhà nước đến các bộ ngành và địa phương.

Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm