Dung Quất trong lành
Đó không chỉ là điều cảm nhận mà là thực tế về việc bảo vệ môi trường ở Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất. Đã qua 7 năm vận hành thương mại, nhà máy vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối, vừa không để xảy ra bất cứ sự cố nào về môi trường…
Đàn cá tung tăng trong… hồ nước thải
Còn nhớ, năm 2014, tại buổi làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lúc bấy giờ là đồng chí Đinh Văn Ngọc, đã hướng dẫn các đại biểu đi tham quan hệ thống xử lý nước thải của NMLD Dung Quất.
Tổng giám đốc Đinh Văn Ngọc chỉ tay vào đàn cá chép Nhật Bản nói: Loài cá này rất nhạy cảm, chẳng khác gì “thanh tra” môi trường. Cứ nhìn chúng là biết nước thải có độc tố hay không.Nếu không có sự giới thiệu của “người nhà máy”, thì không ai biết cái hồ có đàn cá tung tăng bơi lượn, những cánh cò dập dìu chao lượn, những bông súng tím, vàng khoe sắc dưới nắng, lại là hồ… chứa nước thải.
Anh bảo, vì là loài nhạy cảm với môi trường, nên việc thả cá chép Nhật buộc phải có. Đàn cá khỏe mạnh tung tăng bơi lội là nước trong ngưỡng an toàn, thấy biểu hiện lờ đờ là nguồn nước có vấn đề. Một khi chúng “ngửa bụng” là nước đã bị ô nhiễm nặng. Và tất nhiên, chưa bao giờ cá bị “ngửa bụng”.
Đinh Văn Ngọc còn bật mí: Hồ này không chỉ thả chép Nhật, rô phi; mà còn có cả cá chình và ba ba, tôm tép cũng nhiều, vì vậy cò về trắng cả bờ hồ. Hỏi anh về lượng nước thải khổng lồ từ nhà máy thải ra được xử lý như thế nào. Anh cho hay: Nguồn nước trước khi vào hồ chứa đã qua công đoạn xử lý trước đó. BSR đã xây dựng một hệ thống xử lý nước thải hiện đại, với công suất 560m3/giờ, bằng một tổ hợp khép kín: Nước thải được xử lý bằng công nghệ sinh học và hóa lý qua bể lắng, rồi đến bể lọc, các chất ô nhiễm trong nước được xử lý triệt để trước khi xả ra hồ chứa.
Nước thải sau khi xử lý được đưa đến hồ chứa chưa phải là công đoạn cuối cùng. Tại đây, ngoài các thiết bị tự động thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước, trước khi thải ra môi trường, cán bộ Phòng An toàn, Sức khỏe, Môi trường của công ty kiểm tra lại lần nữa về lưu lượng pH, COD… Không chỉ vậy, hằng tuần BSR còn mời Trung tâm Quan trắc môi trường Khu Kinh tế Dung Quất đến lấy mẫu và phân tích chất lượng nước thải trước khi xả ra môi trường.
Với một hệ thống xử lý nước thải hiện đại, kiểm soát chặt chẽ thường xuyên liên tục như vậy, lượng nước thải của NMLD Dung Quất thải ra môi trường được quản lý một cách chặt chẽ, bảo đảm cho môi trường trong lành và an toàn.
Nhà máy “4 không”
Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên có lần nói với tôi, NMLD Dung Quất là nhà máy “4 không”. Đấy là: Không khói, không bụi, không tiếng ồn và không… bóng người. Trong “4 không” ấy, thì đã có “3 không” thuộc về môi trường. Cái “không” thứ tư thuộc về công nghệ. Vào nhà máy có tới 1.500 con người làm việc, nhưng tịnh không có bóng người qua lại.
Chủ tịch HĐTV Nguyễn Hoài Giang trong buổi phát động “tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”
Anh Nguyên thông báo: Các chỉ số về xả thải môi trường của NMLD Dung Quất thấp hơn rất nhiều so với quy định. Có những chỉ số chỉ bằng 50%. Hiện nay nhà máy đang áp dụng tiêu chuẩn môi trường TCVN-2009 theo đúng quy định hiện hành của Việt Nam.Biểu tượng của một nền công nghiệp tự động hóa cao chính là ở nhà máy này. Giờ vào ca, người nào việc ấy, nhà máy đồ sộ như vậy, nhưng thật yên tĩnh. Nơi duy nhất có bóng người qua lại là khối văn phòng.
Hỏi anh về “3 không” có liên quan đến môi trường. Nguyên cười giải thích: Anh cứ hình dung, một nhà máy với các phân xưởng công nghệ lớn như vậy, nếu không xử lý được tiếng ồn, thì công nhân nhà máy này “điếc” hết. Không chỉ vậy, dù có thần kinh “thép” cũng không đủ sức chịu đựng, đấy là chưa nói đến việc ảnh hưởng đến nhân dân trong khu vực.
Vì vậy, trong quá trình thiết kế và lắp đặt, các thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn về tiếng ồn hiện hành và các yêu cầu khác đúng như nhà máy của các nước tiên tiến trên thế giới như: EEMUA 140 Noise procedure specification, EEMUA 141, API RP 521, CONCAWE 87/59… Những người làm việc trong môi trường có tiếng ồn vượt quá 85 dB (A) thì được trang bị nút hoặc chụp tai chống ồn, làm việc theo thời gian và tần suất đã quy định và được khám thính lực định kỳ hằng năm.
Kỹ sư Nguyễn Quang Hưng, Phòng An toàn, Sức khỏe, Môi trường cho hay: Hiện nhà máy có 4 hạng mục chính xử lý và bảo vệ môi trường, gồm: Thiết bị tách bụi tĩnh điện - Phân xưởng Cracking xúc tác 1 tầng sôi (RFCC), Phân xưởng Thu hồi lưu huỳnh (SRU1), Phân xưởng Thu hồi lưu huỳnh bổ sung (SRU2) và Hệ thống xử lý nước thải tại khu vực nhà máy.
Về giải quyết khí thải, theo Kỹ sư Nguyễn Quang Hưng: BSR đã lắp đặt các thiết bị máy móc đúng yêu cầu kỹ thuật, cùng với đó là lắp đặt thiết bị xử lý khí thải, thiết bị này có chức năng “gom” toàn bộ khí độc hại, phần thải ra đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, không khí xung quanh không bị ô nhiễm.Riêng hệ thống xử lý nước thải của nhà máy như chúng tôi đã nêu ở phần đầu. Xin được nói thêm rằng, chỉ hệ thống này thôi, BSR đã phải đầu tư 27,8 triệu USD, theo công nghệ tiên tiến, hiện đại của các nước G7.
Cụ thể là: Xây dựng chiều cao ống khói phù hợp; lắp đặt thiết bị lọc bụi tĩnh điện để xử lý dòng khí thải có chứa hàm lượng bụi cao; lắp đặt phân xưởng thu hồi lưu huỳnh trong dòng khí thải; lắp đặt các thiết bị phân tích liên tục để phân tích các chỉ tiêu gây ô nhiễm đặc trưng của ống khói như: NOx, SOx tại một số ống khói quan trọng để người vận hành giám sát và điều chỉnh kịp thời khi có sự cố nồng độ các chất ô nhiễm của dòng khói thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Việc xử lý chất thải rắn và nguy hại, nói như kỹ sư Hưng: Công việc chẳng khác nào “gác tù”, sơ xẩy là gây ô nhiễm liền. Vì vậy, tất cả chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất đều được xử lý một cách cẩn trọng, tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt của luật định.
Khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất được thu gom và lưu giữ theo đúng quy định. Hiện nay nhà máy có 2 kho lưu giữ chất thải nguy hại tạm thời có diện tích khoảng 600m2/kho và 1 kho chất thải công nghiệp 500m2 để phân loại và lưu giữ trước khi chuyển cho nhà thầu xử lý. Năm 2015, nhà máy đã thu gom và chuyển giao cho nhà thầu xử lý khoảng 414 tấn chất thải nguy hại và 8.225m3 chất thải không nguy hại khác.
Sáng kiến làm sạch môi trường
Vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường ở NMLD Dung Quất, ngoài việc đầu tư mua sắm các trang thiết bị hiện đại để quản lý và xử lý các nguồn thải độc hại, còn một yếu tố khác không thể không nói đến đấy là con người.
Thiết bị dù có hiện đại đến đâu, nhưng giao vào tay những người thiếu ý thức, kém trách nhiệm thì ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm. Ngoài công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường rất tốt, người lao động ở nhà máy này không ngừng học hỏi, tìm tòi phát huy tối đa sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, vừa làm lợi cho ngân sách nhiều tỉ đồng, vừa giảm nguy cơ gây ô nhiễm.
Sáng kiến thì nhiều, công trình khoa học cũng không ít, tất cả đã được nghiệm thu và đưa vào áp dụng. Xin giới thiệu một sáng kiến ở Phân xưởng Điện để minh chứng cho sự tận tụy và trách nhiệm lớn trong việc bảo vệ môi trường.
Phân xưởng này được thiết kế 4 lò hơi. Trong điều kiện vận hành bình thường thì có 3 lò hơi hoạt động, 1 lò còn lại dừng hoạt động để thực hiện công tác bảo dưỡng sửa chữa. Hiểu nôm na là luôn có 1 lò dự phòng để sẵn sàng thay thế khi có sự cố.
Trong quá trình vận hành có 2 lò hơi chạy quạt gió (FDF) bằng turbine hơi, sử dụng gần 15 tấn hơi HP/01 FDF và sinh ra gần 15 tấn hơi hơi thấp áp; 1 lò sử dụng quạt gió bằng mô tơ. Qua theo dõi, những người thực hiện công việc này nhận thấy, trung bình hằng năm có khoảng 3 tháng vận hành 2 lò hơi quạt gió và 1 lò hơi sử dụng mô tơ.
Ở chế độ vận hành này, tổng lượng hơi thấp áp sinh ra từ các turbine hơi cao hơn nhiều lượng hơi thấp áp. Như vậy một lượng hơi thấp áp thừa phải xả bỏ ra ngoài môi trường gây lãng phí rất lớn. Làm thế nào để hạn chế tối đa lượng hơi thấp áp xả ra môi trường là câu hỏi được đặt ra.
Từ thực tế ấy, đề tài “Giải pháp hạn chế tối đa lượng hơi thấp áp xả ra môi trường trong điều kiện hơi thấp áp sinh ra từ các turbine cao hơn nhiều so với lượng hơi tiêu thụ trong nhà máy”, do Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Phòng Sản xuất và các đồng nghiệp đã nghiên cứu và áp dụng thành công, mỗi năm làm lợi cho nhà máy khoảng 22 tỉ đồng.
Kiểm tra chất thải tại các phân xưởng trong nhà máy
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng để ra được “sản phẩm” lại không đơn giản chút nào. Qua giới thiệu của Thạc sĩ Thanh, có thể hiểu một cách đơn giản thế này: Khi 3 tổ máy lò hơi đang vận hành thì có 3 bơm nước ngưng cùng hoạt động song song bằng turbine. 3 bơm nước vận hành bằng turbine chính là “thủ phạm” xả thải lượng hơi lãng phí. Vì vậy, phải thay chế độ vận hành bơm nước ngưng bằng motor.
Tất nhiên khi chuyển đổi chế độ vận hành phải qua nhiều lần thử nghiệm, đánh giá các ưu, khuyết điểm và đặc biệt là tiêu chí kỹ thuật có bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình vận hành hay không. Tính toán và thử nghiệm việc chuyển đổi này muốn giải thích cặn kẽ phải bằng một bài báo dài. Chỉ xin nêu vắn tắt thế này: Khi vận hành tất cả 3 bơm nước ngưng motor đối với các tổ máy phát turbine hơi đang hoạt động thì trạng thái hoạt động của các thiết bị ổn định, lượng hơi xả ra môi trường qua van 040-PV-018 giảm khoảng 9,9 tấn/h.
Tính trung bình ở mức tối thiểu: Hằng năm gần 3 tháng vận hành 2 lò hơi chạy FDF bằng turbine và 1 lò hơi chạy FDF bằng motor điện, lượng hơi đã hạn chế xả thải ra môi trường là 21.384 tấn. Theo đơn giá hiện hành khoảng 50,03USD/tấn hơi thấp áp, thì tiết kiệm được khoảng 1 triệu USD/năm (đã trừ tiền điện). Đề tài này đã được chính thức áp dụng từ tháng 7-2014.
Lời kết
Trong một lần trò chuyện với Trần Ngọc Nguyên, anh nói những điều gan ruột: Công tác bảo vệ môi trường ở NMLD Dung Quất được xác định là tối ưu so với tiêu chuẩn Việt Nam. Nếu có bảng xếp hạng, thì chắc chắn NMLD Dung Quất luôn đứng ở vị trí đầu bảng. Nhưng nếu so sánh với tiêu chuẩn châu Âu và các nước tiên tiến khác như Mỹ chẳng hạn, thì chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều.
Anh nêu mấy dẫn chứng: Hiện nay các nước châu Âu và Mỹ chế biến nhiên liệu đang áp dụng chuẩn Euro4, Euro5. Còn ở Việt Nam mới ở mức Euro2, đây là khoảng cách mà chúng ta đang phấn đấu để thu hẹp. Và Nguyên khẳng định, khi NMLD Dung Quất hoàn thành dự án nâng cấp và mở rộng, thì tất cả các sản phẩm nhiên liệu đều đạt chuẩn Euro5. Khi ấy, môi trường sẽ được cải thiện đáng kể.
Tôi lơ ngơ chẳng hiểu cái khoảng cách “Euro” là như thế nào, thì Nguyên giải thích: Hiện nay NMLD Dung Quất sản xuất nhiên liệu mới ở chuẩn Euro2, nghĩa là lượng lưu huỳnh trong xăng, trong diesel là khoảng 500mg/kg. Trong khi đó chuẩn Euro4 là 50mg/kg, Euro5 thấp hơn nữa chỉ khoảng 10mg/kg.
Sự “vượt ngưỡng” trong so sánh “Euro” cũng là điều đương nhiên đối với ngành công nghiệp lọc hóa dầu non trẻ. Và tất nhiên chẳng thể bằng lòng với sự so sánh này. Dù rằng công tác bảo vệ môi trường ở NMLD Dung Quất đang đứng hàng đầu so với tiêu chuẩn môi trường của nước ta hiện nay.
Vẫn biết rằng, chi phí cho bảo vệ môi trường là rất lớn, cực kỳ lớn. Đã có những tổ hợp công nghiệp lớn, vì lợi nhuận, vì lòng tham đã cắt giảm chi phí đầu tư bảo vệ môi trường, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Dư luận bức xúc việc xả thải gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung vừa qua của “quái vật formosa” là bài họ đắt giá. Cực kỳ đắt giá.
Nhìn lại những gì mà BSR đã làm trong những năm qua để bảo vệ môi trường mới thấy tính nhân văn của những người đang công tác tại đây. Môi trường không mua được bằng tiền, chi phí dù tốn kém, lợi nhuận dù có giảm, thời gian hoàn vốn dù có dài…và nhiều thiệt thòi khác nữa, nhưng môi trường sống của cả cộng đồng được bảo vệ, đấy chính là điều vô giá.
Tháng 6 vừa qua, tôi vào NMLD Dung Quất vào đúng thời điểm cả BSR đang thực hiện tháng cao điểm “tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”. Từ Chủ tịch HĐTV Nguyễn Hoài Giang, đến Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên và tất thảy người lao động ở BSR, mỗi người một hành động cùng chung tay làm cho môi trường ngày một trong lành hơn.
Dưới cái nắng chói chang ở miền Trung, buổi trưa nghe tiếng cu gù dưới “tán rừng” trong nhà máy, nhìn cánh cò chấp chới bay về… tôi như đang được sống ở một vùng quê thanh bình.
Hà Anh