Dự án Lcasp đưa giải pháp xử lý tối ưu đến các trang trại
(Dân trí) - Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, thời gian qua Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp. Trong đó không thể không kể đến mô hình xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi quy mô trang trại của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp Các bon thấp (LCASP). Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi LCASP, đã mang lại hiệu quả rất tích cực.
Lan tỏa mô hình xử lý chất thải chăn nuôi
Những năm gần đây, chăn nuôi của Việt Nam phát triển nhanh chóng theo hướng thâm canh, chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn. Sự phát triển khiến cho vấn nạn ô nhiễm môi trường vốn đã nóng, nay lại càng trở nên nhức nhối. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp. Trong đó không thể không kể đến mô hình xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi quy mô trang trại của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp Các bon thấp (LCASP). Mô hình được áp dụng tại 10 địa phương gồm: Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng. Sau 5 năm triển khai thực hiện, hầu hết các trang trại áp dụng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi LCASP, đã mang lại hiệu quả rất tích cực.
Trang trại chăn nuôi nhà ông Bùi Đức Luận tại Phú Thọ là một ví dụ điển hình. Với quy mô 200 lợn nái và trên 2.000 lợn thịt thương phẩm, hàng ngày lượng chất thải thải ra môi trường rất lớn. Để xử lý nguồn chất thải này, trang trại của ông có xây dựng 01 hầm khí sinh học (KSH) 500 m3 với chi phí hơn 80 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng bể khí sinh học, gia đình ông thấy vẫn còn tồn tại những nhược điểm mà trang trại chưa khắc phục được. Chính vì thế, năm 2016 ông tham gia Dự án LCASP và được hỗ trợ 1 máy tách ép phân. Từ khi có máy ép phân này, trang trai chăn nuôi của ông không còn xảy ra tình trạng ô nhiễm, giảm tải khối lượng phân lớn cho hầm KSH, đồng thời có thêm thu nhập từ tiền bán phân sau khi tách.
Cũng giống ông Bùi Đức Luận, trang trại của gia đình ông Thân Văn Thành có quy mô chăn nuôi với 3.000 con lợn. Để xử lý chất thải chăn nuôi, gia đình xây dựng 01 hầm khí sinh học với thể tích 5.000m3, chi phí khoảng 400 triệu đồng (chưa bao gồm chi phí xây dựng hệ thống bể lắng). Nước thải sau biogas được gia đình sử dụng tưới cho 5 ha diện tích cây cam, bưởi. Tuy nhiên, hệ thống tưới thủ công nên tốn nhiều thời gian và nhân công lao động. Vì vậy, khi dự án LCASP triển khai, ông đã tham gia và được dự án hỗ trợ mô hình tưới tiết kiệm cho 1.000 gốc cam. Từ khi có hệ thống tưới này gia đình ông đã tiết kiệm được rất nhiều nhân công, chỉ cần 15-20 phút là tưới xong 1.000 gốc cam. Nếu không có hệ thống này gia đình ông sẽ mất rất nhiều thời gian và thậm chí là mấy ngày mới xong, chưa kể phải thuê nhân công lao động.
Nỗ lực giúp bà con tiếp cận được gói tín dụng
Mặc dù các công nghệ do dự án giới thiệu có tỷ suất lợi nhuận khá cao nhưng vẫn không thể so sánh với tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư vào chăn nuôi và các ngành sản xuất khác. Chính vì vậy, Dự án LCASP cũng đã bố trí nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng Hợp tác để hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư xử lý môi trường.
Để nhân rộng mô hình này, BQL Dự án LCASP đã nỗ lực đưa nguồn vốn đầu tư đến các trang trại. Các sự kiện truyền thông về tín dụng liên tiếp được thực hiện tại 10 tỉnh trong vùng Dự án nhằm kết nối người chăn nuôi với các tổ chức tín dụng.
Chuỗi sự kiện có sự góp mặt của đại điện định chế tài chính tham gia Dự án, vì vậy mọi thắc mắc về nguồn vốn đầu tư, về lãi suất, kỳ hạn ...các khoản vay đều được giải đáp thấu đáo.
Có thể khẳng định, chuỗi sự kiện về tín dụng được dự án LCASP tổ chức trong suốt thời gian qua chính là cấu nối giúp bà con hiểu rõ hơn về các gói tín dụng LCASP nói riêng và phát triển nông nghiệp nói chung. Và đây cũng là cách mà dự án LCASP thúc đẩy dòng vốn đầu tư đến với các trang trại có nhu cầu vay vốn để thực hiện các giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi.
Thông tin liên hệ để được hỗ trợ:
DỰ ÁN "HỖ TRỢ NÔNG NGHIỆP CÁC BON THẤP"
Địa chỉ: Tầng 8, Tòa nhà Liên Cơ 02, Số 16 Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 024.37920062 – 0913247782
Fax: 024.37920060 - Email: nguyenthe.hinh@gmail.com