Doanh nhân tuổi Thìn "bách chiến bách thắng"

Tết Nhâm Thìn năm nay có lẽ là cái Tết nhiều tin vui nhất với Tổng giám đốc Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, người vừa lọt top 24 doanh nhân xuất sắc của giải thưởng Ernst & Young.

Người phương Đông thường quan niệm, những doanh nhân tuổi Thìn, tuổi Dần rất dễ làm nên nghiệp lớn, thường may mắn thành công trên thương trường. Là doanh nhân sinh năm Thìn (1952), ông Đỗ Minh Phú, Tổng giám đốc Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, cho hay, đúng là ông có chút may mắn khi việc kinh doanh chưa bao giờ gặp thất bại.
 

Trong giới kinh doanh vàng, ông Đỗ Minh Phú có lẽ là trường hợp đặc biệt. Nhiều người biết ông là giám đốc một công ty lớn về vàng bạc đá quý, nhưng ít ai hay ông còn lấn sân vào cả những lĩnh vực "ngoại đạo" như taxi, nhà hàng và sản phẩm cho chị em phụ nữ.

Cái may mắn hay cái tình cờ trong sự nghiệp của ông đến ngay từ đầu, nhưng mãi sau này chiêm nghiệm lại ông mới nhận ra. Là người có thâm niên trong lĩnh vực kinh doanh vàng tại Việt Nam, song từ đầu ông đã không chọn lựa con đường này. Đó là một sự tình cờ, nhưng bây giờ nhìn lại, ông luôn thầm cảm ơn nghề vì đã chọn mình.

Ông Phú học giỏi văn từ suốt những năm tiểu học và phổ thông nhưng ông lại vào ngành vô tuyến điện tử ở đại học vì một sự tình cờ. Với thành tích học tập tốt, ông được cử đi học ở Liên Xô nhưng vì một sự nhầm lẫn, giấy gọi nhập học thiếu tên Đỗ Minh Phú. Để bù đắp sau sai sót này, đích thân ông Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thời đó, gọi ông lên, viết giấy cho phép chọn bất cứ khoa nào của Đại học Bách Khoa và ông chọn nơi cao điểm nhất.

Đến khi đi làm, ông theo đuổi ngành khoa học máy tính. Nhưng với khả năng chuyên môn cùng lợi thế giỏi tiếng Anh, chỉ ít lâu sau ông được Viện nghiên cứu cử làm giám đốc một công ty nước ngoài về đá quý và sau đó là công ty liên doanh cùng lĩnh vực vàng bạc trang sức.

Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của ông phải kể đến quyết định rời bỏ chức giám đốc công ty liên doanh lương 300 USD hồi năm 1994, ngày ngày có xe hơi đưa rước để thành lập doanh nghiệp riêng về đá quý. Thời đó, người ta mơ ước có được mức lương 300.000 – 400.000 đồng, trong khi lương ông gấp 10 lần, nên có không ít người đã bảo ông “hâm”, “có vấn đề” khi bỏ việc.

Năm 2007, Đỗ Minh Phú dồn hết sức lực xây dựng một trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam chuyên về vàng bạc đá quý, mang tên DOJI Plaza (hay Ruby Plaza) trên phố Lê Ngọc Hân, Hà Nội. Sau đó, trong 2 năm 2007, 2008, doanh nghiệp của ông có hàng loạt sự thay đổi, đổi tên từ Công ty phát triển Công nghệ và Thương mại TTD sang DOJI (viết tắt của cụm từ Development of Jewelry and Investment ), đồng thời tái cấu trúc và phân chia làm 6 công ty thành viên.
Doanh nhân tuổi Thìn "bách chiến bách thắng" - 1

Ông Phú là người tiên phong trong khá nhiều lĩnh vực kinh doanh như taxi, băng vệ sinh, khăn tã giấy. Ảnh: Đ.N.
 

Cũng đúng thời điểm đó, khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu nổ ra. Thay vì lo sợ và thoái vốn như những nhà đầu tư khác, ông Phú cho rằng "khó khăn chính là cơ hội" và nhanh tay thâu tóm những công ty như SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng, Công ty CP Đá quý và vàng Yên Bái.

Nhờ có tầm nhìn xa, lại biết tiến dừng đúng lúc nên Tập đoàn DOJI vẫn kinh doanh thuận lợi ở bất kỳ thời điểm nào. Nếu như năm 2006, doanh thu của tập đoàn mới chỉ dừng lại ở 60 tỷ thì con số này đã vọt lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2010.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở kinh doanh vàng thì ông Phú không được người ta nhắc nhiều như vậy.

Thương vụ Tập đoàn danh tiếng Unicharm của Nhật mua lại thành công 95% cổ phần của Công ty CP Diana Việt Nam với trị giá 128 triệu USD (hơn 2.560 tỷ đồng) vừa qua khiến nhiều người giờ mới “phát hiện” chủ sở hữu của Diana trước đó là anh em nhà Đỗ Minh Phú.

Vào cuối năm 1996, em trai ông Phú là Đỗ Anh Tú đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Tiệp Khắc đã đề nghị ông cùng đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh băng vệ sinh ở Việt Nam. Nhận thấy thị trường này khi đó còn bỏ ngỏ và vô cùng tiềm năng, ông Phú đã đồng ý. Thời điểm đó, kinh doanh băng vệ sinh ở Việt Nam chỉ mới có một công ty duy nhất đó là Softina của Xí nghiệp Dược phẩm Hà Nội, liên doanh với công ty TN Trade của Thái Lan.

Ông Phú là người đã nói là làm ngay. Do em trai ở nước ngoài nên ông một mình lo liệu mọi thứ, như thuê nhà xưởng, tuyển nhân lực, tìm chuyên gia. Khi đó, ông và em trai gom góp được tổng cộng số tiền là 200.000 USD nhưng chưa đủ nên ông Phú đã phải thế chấp căn nhà của mình ở Ngân hàng Agribank Chi nhánh Láng Hạ để vay thêm 400.000 USD mua vật tư. Tổng cộng số vốn đầu tư ban đầu vào Diana là 600.000 USD (tỷ giá USD khi đó khoảng 11.000 đồng/USD).
Doanh nhân tuổi Thìn "bách chiến bách thắng" - 2

Doanh nhân Đỗ Minh Phú (thứ 4 từ trái sang) nhận giải thưởng Ernst & Young - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp 2011. Ảnh: DOJI.

Ngày 3/9/1997, công ty chính thức được thành lập với tên gọi Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển kỹ thuật Việt Ý, sau đó đổi thành Công ty Cổ phần Diana, chuyên sản xuất các sản phẩm khăn tã giấy, băng vệ sinh.

Dù sản phẩm băng vệ sinh, khăn tã giấy là ngành mà ông Phú chưa bao giờ nghĩ tới trước đó, song khi bắt tay vào làm, hai anh em nhà họ Đỗ đã thực sự cải tiến thị trường này. Bởi thời điểm đó, sản phẩm của Softina chỉ đơn điệu một vài loại, lại khác xa so với những sản phẩm của nước ngoài. Sau khi nghiên cứu, ông Phú và Tú đã đầu tư mạnh vào công nghệ để đưa ra những sản phẩm mới chất lượng, hấp dẫn hơn.

Đến hết năm 1997, sau hơn 1 năm hoạt động, doanh thu của Diana đạt khoảng 5 tỷ đồng. Năm 1998 con số này tăng lên gấp 3 lần. Kết thúc năm tài chính 2010, doanh thu của Diana đạt 1.020 tỷ đồng, thị phần đứng thứ nhất nhì tại Việt Nam.

Năm 2011, anh em Đỗ Minh Phú lại tiếp tục gây bất ngờ cho giới kinh doanh khi quyết định bán lại công ty Diana cho tập đoàn Unicharm (Nhật Bản) khi Diana đang có tăng trưởng khá tốt.

Lý giải về việc này, ông Phú hài hước nói: “Diana là công ty của mình, là “con cái” của mình nên phải yêu thương và luôn mong muốn điều tốt đẹp cho nó. Nếu yêu thương thật sự thì phải làm sao cho người mình yêu luôn ở đỉnh cao”.

Diana đã trải qua quá trình hình thành và phát triển mạnh tại Việt Nam. Hiện nhãn hiệu băng vệ sinh Diana và tã giấy trẻ em Bobby, tã cho người già... đều chiếm giữ thị phần số 1 hoặc số 2 trên thị trường. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm hàng tiêu dùng một khi đã đến giai đoạn phát triển đỉnh cao, thị trường bị bão hòa thì cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp mang tính chất đột phá ra thị trường khu vực và thế giới. Diana cũng không là trường hợp ngoại lệ.

Unicharm là một tập đoàn đa quốc gia hoạt động rộng khắp thế giới lại cùng lĩnh vực kinh doanh mà Diana đang hoạt động kinh doanh nên sự hợp tác này sẽ như một “cánh tay nối dài” giúp Diana có thêm sức mạnh để phát triển sản phẩm.

Bên cạnh lĩnh vực băng vệ sinh, tã giấy, hiện ông Phú còn kinh doanh thêm mảng nhà hàng. Tại Ruby Plaza của tập đoàn DOJI, tầng 6 là khu vực nhà hàng buffe khá nhộn nhịp khách. Tuy nhiên, ông Phú chia sẻ, việc kinh doanh nhà hàng không phải là mảng chính, mà chỉ để phụ trợ, quảng bá cho lĩnh vực vàng bạc. Thực khách khi đến ăn uống ở các tầng trên cùng thì sẽ phải đi qua khu vực tầng 1 là trung tâm vàng bạc đá quý lớn nhất nước. Từ đó họ sẽ nhớ đến thương hiệu DOJI. Đây cũng là lý do hiện nay nhà hàng ngày càng đông khách nhưng ông Phú chỉ nới rộng thêm mặt bằng trong cùng tòa nhà, chứ không có ý định mở thêm ở địa điểm nào khác. Nhiều người nhận định đây quả là chiêu marketing thông minh, không tốn chi phí mà còn mang lại lợi nhuận.

Vị doanh nhân này còn một “bí mật” kinh doanh mà ít người biết đến nữa, đó là lĩnh vực taxi. Công ty TTD của ông từng là đơn vị tiên phong trong việc kinh doanh dịch vụ này tại Việt Nam, với thương hiệu taxi 52 nổi tiếng những năm 1996 - 2000. Sau năm 2000, khi kinh doanh vẫn đang phát đạt, ông Phú đã chủ động dừng “cuộc chơi” taxi, nhường lại cho đơn vị khác, bởi ông sớm nhận ra thị trường này không thể tiếp tục theo hướng đó.

Hiện hai con của ông là Đỗ Vũ Phương Anh (sinh năm 1980) và Đỗ Minh Đức (sinh năm 1983), từng là giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, đang sát cánh cùng ông trong công việc. Đỗ Vũ Phương Anh là thạc sĩ quản trị kinh doanh cao cấp, Đại học Hawaii, Mỹ, hiện làm Phó tổng giám đốc phụ trách hành chính, nhân sự và marketing của Tập đoàn DOJI. Đỗ Minh Đức tốt nghiệp thạc sĩ marketing, Đại học Westminter, Vương quốc Anh, là Phó tổng giám đốc phụ trách khối kinh doanh Tập đoàn DOJI.

Là ông chủ một doanh nghiệp vàng bạc lớn song trên người ông không hề có một đồ trang sức nào. Công việc quá bận rộn nên ông cũng không có thời gian tìm đến những thú vui của giới doanh nhân như golf, tenis, du lịch. Nếu xem tivi, ông hầu như chỉ xem các chương trình quảng cáo, để học hỏi và đánh giá các chiêu marketing, quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp. Vị doanh nhân này hầu như tối nào cũng về ăn cơm với gia đình lúc 8h tối, nếu không phải đi công tác, hội họp.  

Theo tử vi phương Đông, những người sinh năm Thìn thường thông minh, dễ thân thiết với mọi người, tính tình của họ cuồng nhiệt, nóng nảy và có nhiều khát vọng cao xa. Là người ít nhận xét về bản thân, song ông Phú không phủ nhận điều này. Tết Nhâm Thìn năm nay có lẽ là cái Tết nhiều tin vui nhất với ông, bởi DOJI vừa qua đã xuất sắc đạt top 3/500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2011, bản thân Đỗ Minh Phú lọt top 24 doanh nhân xuất sắc giải thưởng Ernst & Young, thị trường vàng nhiều biến động lớn song DOJI vẫn tăng trưởng khá tốt...

Theo Đông Nhiên
Báo Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm