Điện mặt trời áp mái được EVN SPC phát triển mạnh mẽ

(Dân trí) - Theo thông tin từ EVN SPC hiện toàn Tổng công ty có 319 khách hàng đã lắp đặt công tơ 2 chiều bán điện qua hình thức năng lượng mặt trời áp mái thuộc 21/21 CTĐL với tổng công suất tấm pin là 6.667 kWp, sản lượng phát là 739.449 kWh.

Vừa qua, Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết đã hoàn tất mọi thủ tục với công ty CP cấp nước Aquaone Hậu Giang nhằm chuẩn bị cho việc ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời áp mái quy mô gần 1 MW. Đây là dự án điện mặt trời đầu tiên của EVN SPC được nối lưới và là bước đột phá của ngành điện thời gian qua.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, nhằm hiện thực hóa Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, đồng thời tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sản xuất điện, Công ty CP cấp nước Aquaone Hậu Giang đã đầu tư dự án năng lượng mặt trời áp mái tại Nhà máy nước mặt Sông Hậu - huyện Châu Thành, Hậu Giang.


Mô hình điện mặt trời áp mái được EVN SPC triển khai mạnh mẽ thời gian qua.

Mô hình điện mặt trời áp mái được EVN SPC triển khai mạnh mẽ thời gian qua.

Dự án điện mặt trời áp mái có tổng mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, được lắp đặt ngay trên hệ thống mái các công trình của nhà máy với diện tích hơn 6000m2, Công suất hệ thống là 900 kWp. Dự kiến khi đi vào hoạt động, dự án sẽ cung cấp cho hệ thống điện khoảng 1,3 triệu kWh/năm, phục vụ chủ yếu cho hệ thống bơm chính của nhà máy nước mặt Sông Hậu. Dự án sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính 663 CO2 tấn/năm, tương đương hiệu suất hấp thụ khí nhà kính trong suốt vòng đời của 44.320 cây trồng.

Ông Tạ Bình Nguyên – Tổng giám đốc công ty Aquaone Hậu Giang – Chủ đầu tư cho biết, dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần ổn định sản xuất, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất cho nhà máy, việc này đồng nghĩa rằng sẽ tạo thêm cơ hội để người dân được sử dụng nước sạch với chi phí thấp nhất, sản lượng điện dư thừa trong sản xuất sẽ bổ sung thêm cho lưới điện của địa phương. Ngoài ra, dự án còn góp phần tích cực bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên của Hậu Giang nói riêng cũng như của Khu vực Tây Nam Bộ nói chung. Tất cả các thiết bị của dự án như tấm pin, bộ khung đỡ chuyên dụng, biến tần, hệ thống cáp điện, đấu nối chuyên dụng, hệ thống điều khiển... đều được nhập khẩu từ Cộng Hoà Liên Bang Đức theo tiêu chuẩn G7, thời gian bảo hành chất lượng lên tới 25 năm và do đơn vị nhà thầu nước ngoài thực hiện nên chất lượng đảm bảo, vận hành ổn định. Sau khi được cơ quan quản lý kiểm tra và đạt điều kiện hoà lưới, hệ thống đã chính thức được đấu nối lên lưới điện Hậu Giang từ tháng 10/2018 dựa trên biên bản thoả thuận với Đại diện Cty Điện lực Hậu Giang - trực thuộc EVNSPC.


Lãnh đạo EVN SPC thăm và làm việc tại dự án điện mặt trời áp tái tại Hậu Giang.

Lãnh đạo EVN SPC thăm và làm việc tại dự án điện mặt trời áp tái tại Hậu Giang.

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 16/2017/TT-BCT quy định phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời mái nhà có công suất nhỏ hơn 01 (một) MW thì Chủ đầu tư đăng ký đấu nối với Công ty điện lực tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, đảm bảo các thông số kỹ thuật phù hợp với lưới điện phân phối.

Tuy nhiên, hiện còn một số khó khăn liên quan đến việc thanh toán do đó chủ đầu tư đề nghị các cơ quan chức năng liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp, các nhân thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái nói riêng và điện mặt trời nói chung tại Việt Nam.


Đây là bước đột phá của EVN SPC trong việc triển khai điện mặt trời áp mái.

Đây là bước đột phá của EVN SPC trong việc triển khai điện mặt trời áp mái.

Được biết, Hậu Giang là nơi có điều kiện thuận lợi với lượng nắng, số giờ nắng nhiều, thích hợp để mở rộng dự án điện mặt trời. Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã đồng ý về chủ trương để các nhà đầu tư phát triển hai dự án điện mặt trời tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp và cụm công nghiệp Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A.