Báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin thị trấn cà phê Việt Phindeli
Hầu hết những tờ báo lớn và các đài truyền hình tại Mỹ đều đã đồng loạt đưa những tin bài chi tiết về sự kiện khai trương thị trấn PhinDeli ngày 3/9, đưa thương hiệu cà phê Việt siêu sạch “thẳng tiến” vào thị trường nước Mỹ.
Trang The New Yorker (newyorker.com) dành một bài viết dài cho sự kiện này, để tường thuật chi tiết lại từ quá trình mua thị trấn của doanh nhân Phạm Đình Nguyên hơn một năm về trước đến sự kiện đổi tên thị trấn ngày 3/9. Trang này cũng cho biết: “Hiện tại, khi những tài xế chạy trên con đường liên bang I-80, đến gần Exit 335, họ đã có thể thấy một tấm bảng lớn thông báo về tên mới của thị trấn: PhinDeli Town Buford. Bức ảnh của chủ nhân cũ Don Sammons trước đó cũng đã được thay thế bằng hình ảnh của ông Nguyên khoanh tay và đeo kính mát. Trên một tấm bảng lớn khác là hình ảnh ông Nguyên và Sammons bắt tay nhau, cùng cầm chiếc áo thun in hình thị trấn…”.
Trang Wyoming Public Media (wyomingpublicmedia.org) thì có tựa đề bài viết được đặt trang trọng: “Buford, Wyoming trở thành Thị trấn Cà phê Việt”. Tác giả Willow Belden tường thuật: “Doanh nhân Việt Nam Phạm Đình Nguyên đã mua thị trấn Buford trong cuộc đấu giá năm ngoái với mức giá 900 ngàn đô. Và hôm nay, ông Nguyên đã công bố kế hoạch bắt đầu bán cà phê xuất khẩu từ Việt Nam ngay tại cửa hàng của thị trấn. Mục tiêu của ông là đưa thương hiệu cà phê Việt PhinDeli tiến vào thị trường nước Mỹ…”.
Với Herald Online (heraldonline.com), không chỉ dành “đất” cho bài viết mà trang này còn có một câu chuyện bằng hình ảnh nhằm “tường thuật” lại những khoảnh khắc đẹp và đáng nhớ nhất trong buổi lễ đổi tên thị trấn từ Buford thành PhinDeli Town Buford.
Còn Reuters (reuters.com), với tựa đề: “Tái sinh thị trấn một công dân ở Wyoming thành trung tâm cà phê Việt”, tác giả Laura Zuckerman cũng đã trích dẫn lại một câu nói thú vị của Don Sammons – chủ nhân trước kia của Buford: “Cả thế giới đã đến với Buford. Và bây giờ thì Buford sẽ bước ra thế giới!”.
Một số trang khác như laramieboomerang, tribtown, kansascity, globalpost… cũng đều đăng nhiều thông tin chi tiết khác nhau về sự kiện. Các tờ báo và những trang mạng cho biết, từ ngày 3/9, khách hàng có thể đặt mua những sản phẩm của PhinDeli thông qua Amazon.com. Tuy nhiên, mong muốn của ông Nguyên vẫn là nỗ lực đưa cà phê PhinDeli vào các siêu thị lớn trên khắp nước Mỹ.
Một chi tiết thú vị khác sau buổi lễ đổi tên thị trấn là khá nhiều báo chí, trang mạng ở Mỹ trích đăng lại bản “Tuyên ngôn cà phê Việt” trên bao bì của PhinDeli, cùng thông điệp “Không gì không thể” của thương hiệu này. The New Yorker cũng trích dẫn lời ông Nguyên phát biểu đầy hóm hỉnh: “Bill Gates có một khởi đầu với Microsoft ngay ở gara của mình, và bây giờ thì mọi người đều dùng Microsoft Office. Vấn đề không phải là bạn bắt đầu ở đâu mà là bạn sẽ đi như thế nào”.
Vào tháng 4 năm ngoái, thời điểm doanh nhân Phạm Đình Nguyên mua thị trấn Buford, nhiều người e ngại rằng thị trấn chỉ có một công dân thì có thể làm được gì. Song, khi Buford – nay là PhinDeli Town – liên tục trở thành tâm điểm của giới truyền thông, báo chí cả ở Mỹ lẫn Việt Nam thì mọi người dường như đã cảm nhận được nhiều hơn về bản lĩnh của người đàn ông 38 tuổi cũng như về giá trị thật của thị trấn nhỏ đầy cuốn hút này.
Ông Nguyên chia sẻ ngay trong bài phát biểu ở buổi lễ Đổi tên thị trấn trên đất Mỹ: “Khó mà có thể diễn tả được cảm xúc của tôi bây giờ. Tôi cảm thấy rất tự hào, có một thị trấn cà phê Việt ngay trên đất Mỹ, lại do chính người Việt sở hữu. Tôi đã gặp các đại diện văn phòng Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ Bang, mọi người rất ủng hộ ý tưởng thị trấn cà phê Việt. Nó giúp tăng thêm tính đa dạng về văn hóa, đặc biệt là văn hóa thưởng thức cà phê Việt”.
Ông Nguyên cũng cho biết, ra mắt thị trấn cà phê Việt PhinDeli chỉ mới là bước khởi đầu trong hành trình Tuyên ngôn cà phê Việt trên đất Mỹ. Hành trình ấy không hề đơn giản. Tuy nhiên, ông khẳng định một cách đầy tự tin: “Tôi có một niềm tin mãnh liệt vào cuộc hành trình này. Sẽ ngày càng có nhiều người biết đến PhinDeli, quen thuộc với PhinDeli – cả ở Việt Nam và ở Mỹ”.
Thanh Đàm