Bài toán thiếu nguyên liệu thủy sản và Coimex
Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu, hàng năm sản lượng khai thác của ngư dân chỉ đáp ứng được 22% nhu cầu sản xuất của các nhà máy chế biến tại địa bàn.
Đây là một trong những khó khăn của 169 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo đó, trung bình sản lượng tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn/ năm song sản lượng khai thác của ngư dân chỉ ở mức 200.000 tấn/năm. Vì vậy, nguyên liệu đầu vào luôn là bài toán khó với các doanh nghiệp ở đây để tránh lâm vào con đường bĩ cực. Tuy nhiên, với Coimex, công ty cho rằng, cần phải bằng sự thức thời để tự tìm lối thoát.
Cùng ngư dân lao động
Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 64.000 lao động sống bằng nghề chế biến hải sản. Doanh nghiệp thiếu nguyên liệu chế biến kéo theo hàng ngàn lao động trong nghề bị ảnh hưởng.
Nguồn nguyên liệu không ổn định khiến các doanh nghiệp “dở khóc dở cười” vì khi có nguyên liệu để sản xuất thì nhà máy thiếu công nhân, còn khi lực lượng công nhân đầy đủ thì nhà máy lại không có nguyên liệu để sản xuất. Coimex đã chủ động bắt tay cùng ngư dân để giải bài toán nguyên liệu.
Trước mắt, Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Coimex, Lê Văn Kháng (Hai Kháng) đã có những bước chuẩn bị cho “vùng nguyên liệu” của mình để đảm bảo sản xuất.
Ông đã ra tận Thanh Hóa, liên kết thu mua đặt hàng và hướng dẫn đối tác sơ chế tại chỗ để đảm bảo chất lượng nguyên liệu. Vốn là người lính bươn trải với từng khu vực nên ông hiểu hơn ai hết về khí hậu vùng miền cũng như các đặc điểm tại từng địa điểm thu mua hải sản.
“Miền Bắc, nguyên liệu đánh bắt thường chỉ tập trung vào một mùa, mùa mưa bão thường không có sản lượng. Vì thế tôi đi tiếp vào Đà Nẵng, bắt tay với các nhà cung cấp nguyên liệu thủy sản từ Đà Nẵng trở vào đến Vũng Tàu để gom hàng”, ông chia sẻ.
“Khâu thu mua sản phẩm điều quan trọng nhất là hướng dẫn nhà cung cấp bảo quản được chất lượng nguyên liệu vì đó là điều quyết định đến chất lượng sản phẩm. Đội ngũ kỹ thuật của Coimex luôn bám sát ngư dân, bám sát các nhà cung cấp nguyên liệu để hướng dẫn kỹ thuật bảo quản nguyên liệu cho họ.
Chúng tôi chia sẻ với ngư dân những thông tin về nguyên liệu doanh nghiệp đang cần là loại gì, kích cỡ ra sao, sản lượng bao nhiêu, thời điểm thu mua như thế nào. Đồng thời triển khai kế hoạch hỗ trợ giá xăng, dầu cho bà con ngư dân trên địa bàn, tăng giá thu mua nguyên liệu nhằm khuyến khích ngư dân tiếp tục bám biển.” Ông Hai Kháng nói.
Có thể thấy năm 2011, kinh tế cả nước đều gặp những khó khăn chung, giá cả tăng liên tục, nhất là giá điện, giá xăng nên bà con ngư dân không dám đi biển.
Nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp chế biển hải sản ngày càng khan hiếm trong khi đó, hợp đồng đã ký với đối tác thì không thể bỏ. Vì vậy, không còn cách nào khác ngoài cùng bắt tay với ngư dân sản xuất, hỗ trợ cùng ngư dân để có nguyên liệu sản xuất. Bằng cách này, dù khó khăn nhưng công ty trong quý I vẫn tăng 30% khoản chi cho người lao động để người lao động yên tâm sản xuất.
Hướng dẫn và nuôi trồng thuỷ hải sản với ngư dân
Cùng sống với ngư dân đó là phương châm mà ông Hai Kháng đưa ra. Ngoài ra, ông còn chủ động bắt tay với nông dân để triển khai nuôi trồng thủy sản.
Ngay từ những năm 2004, ông đã liên kết với Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cần Thơ và trường Đại học Cần Thơ triển khai dự án “Sản xuất cá thác lác giống và nuôi trồng các loại thủy sản nước ngọt” tại xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 3 tỷ đồng.
Dự án này đã cung cấp giống cá thát lát cho nông dân nuôi, và thu mua lại cá thương phẩm cho bà con với giá ổn định, vừa tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến của Coimex.
Đây không chỉ là một dự án thuần túy kinh tế, mà mang tính xã hội rất lớn bởi việc triển khai dự án thực sự là một cứu cánh cho người dân nghèo đồng bằng sông Cửu Long vì hiệu quả kinh tế con cá thát lát đem lại rất lớn.
Hiện công ty đã liên kết, xây dựng thêm 2 nhà máy chế biến tại Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 21 tỷ đồng, công suất mỗi nhà máy 1.200 tấn sản phẩm/năm. Cơ bản giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Tất cả các nhà máy của COIMEX đều được xây dựng nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại B.
Nguồn nguyên liệu được giải quyết, bài toán nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như thương hiệu Surimi Việt Nam của Coimex ra đời để thâm nhập thị trường khó tính như EU, Mỹ…
Sau hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, nhờ có chiến lược phát triển đúng đắn về đầu vào của nguyên liệu mà Coimex đã trở thành một doanh nghiệp đứng đầu ngành thủy sản Việt Nam.
Sản lượng Surimi Việt Nam của Coimex đang dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu hơn 40 triệu USD mỗi năm. Đời sống của cán bộ công nhân viên được ổn định, cổ tức trả cho cổ đông lên tới hơn 23 %/ năm
Và người chèo lái con thuyền đó không ai khác là ông Hai Kháng, cái tên thân thuộc mà bà con ngư dân ở đây dành gọi cho ông. Điều này được xuất phát từ niềm tin của bà con với Coimex cũng như sự gắn bó công ty Coimex với các cuộc sống của các ngư dân.