Bí ẩn tại cuộc giải cứu Gia Sàng – một Vinashin của ngành thép

Bài 1: Đừng để lặp lại bài học đắt giá Vinashin

(Dân trí) - “Nhà nước không bỏ tiền để cứu các dự án kém hiệu quả” là lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một cuộc họp bàn về hướng giải quyết khó khăn của một số dự án ngành thép. Với một nhà máy chìm trong nợ nần bi đát như Gia Sàng, để giải cứu, không thể kêu gọi viển vông, lý thuyết.


Nhà máy thép Gia Sàng với công nghệ lạc hậu và bị mất cắp quá nhiều không thể khôi phục mà phải thay công nghệ mới

Nhà máy thép Gia Sàng với công nghệ lạc hậu và bị mất cắp quá nhiều không thể khôi phục mà phải thay công nghệ mới

Gia Sàng – những dấu mốc thăng trầm

Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng (Công ty Gia Sàng) tiền thân là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng do Cộng hòa Dân chủ Đức giúp đỡ Việt Nam xây dựng, hoạt động từ năm 1975 và từng được ví là “cánh chim đầu đàn” của ngành thép Việt Nam.

Năm 2007, công ty thí điểm thực hiện cổ phần hóa với vốn sở hữu Nhà nước 39,66%, vốn của cổ đông lớn hơn 40%; của cán bộ công nhân viên còn lại 19,34%. Tuy nhiên, sau đó, nhà máy liên tục thua lỗ và phải ngừng sản xuất từ tháng 1 năm 2013. Cũng thời gian này, nhiều máy móc, thiết bị bị rút ruột, phá hoại, nhiều tài sản có giá trị hàng chục tỷ đồng đã bị tháo dỡ và tẩu tán…Các cơ quan pháp luật đã truy tố và đưa ra xét xử, phạt tù giam 5 đối tượng, trong đó có một phó chủ tịch HĐQT kiêm phó tổng giám đốc người nắm giữ cổ phần chi phối cổ phần Công ty Gia Sàng.

Năm 2013, tổng khoản nợ của Cty Gia Sàng lên tới 121,3 tỷ đồng bao gồm nợ ngân hàng, nợ thuế; lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động, nợ đối tác…và không còn khả năng chi trả. Công ty Gia Sàng đã bị Ngân hàng TPCM Công Thương chi nhánh Thái Nguyên kiện ra tòa vì không trả số tiền vay gốc hơn 33 tỷ đồng và tiền lãi.

Ngày 8-1-2014, TAND TP Thái Nguyên đã tuyên Công ty Gia Sàng phải thanh toán khoản vay trên 38,8 tỷ đồng và lãi suất cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên. Ngày 5-5-2014, Chi cục thi hành án dân sự Thái Nguyên ra quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của Công ty Gia Sàng.

Tháng 7 năm 2016, Công ty Thái Hưng đã tham gia mua đấu giá tài sản của Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng thông qua Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên, và trúng đấu giá tài sản với số tiền gần 57 tỷ đồng. Công ty Thái Hưng cam kết thực hiện đúng các điều kiện khi tham gia đấu giá: Đầu tư xây dựng cải tạo và khôi phục sản xuất Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đảm bảo an ninh trật tự trên địa phương.

Ngày 28/12/2016, Nhà máy được khôi phục hoạt động trở lại nhưng sau thời gian ngắn thì buộc phải tạm dừng do công nghệ đã quá lạc hậu, thiết bị bị mất mát, không đồng bộ, sản xuất không hiệu quả…

Tháng 7-2017, Ban lãnh đạo Công ty Gia Sàng họp bàn giải pháp và quyết định phải tìm phương án mới cứu nhà máy bằng việc đầu tư cải tạo nâng cấp dây chuyền công nghệ hiện đại hơn, đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp gắn với di dời nhà máy, tổng đầu tư hơn 834 tỷ đồng để báo cáo chủ đầu tư là Công ty Thái Hưng triển khai thực hiện.

Đối với vị trí nhà máy Gia Sàng, Công ty Thái Hưng đã xin chủ trương để thực hiện một dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng và đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định số 3669/QĐ-UBND ngày 23-11-2017. Ngày 27-12-2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định sô 4060/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu tổ hợp Thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City).

Giải cứu cách nào? Ai giải cứu?

Trước khi đi đến những “kịch bản” trên về hiện nay, vẫn còn nhiều thông tin khác nhau về cuộc giải cứu Gia Sàng và đây từng là bài toán làm đau đầu cơ quan chức năng, thậm chí cả Chính phủ.

Còn nhớ trước đây, để cứu các đại dự án thua lỗ, Chính phủ, các bộ ngành từng áp dụng những cơ chế đặc thù, tiếp tục bơm vốn, bơm cơ chế cứu Vinashin. Nhưng thời gian đã chứng minh, chủ trương và giải pháp đó không hiệu quả. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có một thông điệp dứt khoát khi bàn về câu chuyện ngành thép: “Nhà nước không bỏ tiền để cứu các dự án kém hiệu quả”.


Sau nhiều năm dừng hoạt động người lao động Gia Sàng mới có quà Tết

Sau nhiều năm dừng hoạt động người lao động Gia Sàng mới có quà Tết

Trước đó, Báo cáo tại đại hội đồng cổ đông 2013 của Gia Sàng đã khiến hàng trăm lao động “chết lặng” vì con số nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ nhà cung cấp, nợ công nhân viên….lên tới hơn 120 tỷ đồng, trong đó nợ lương, bảo hiểm đã hàng chục tỷ đồng. Ngày 23/12/2013, Bộ Công thương đã có văn bản số 11820/BCT trình Thủ tướng đề nghị thoái gần 40% vốn Nhà nước tại Gia Sàng nhưng đại diện cán bộ công nhân viên, số cổ đông nhỏ lẻ chiếm 20% đã có văn bản đề nghị Thủ tướng chưa bán 40% vốn nhà nước – chỗ dựa cuối cùng để Gia Sàng khôi phục sản xuất, người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm.

Vì quyền lợi của người lao động, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phải có nhiều chỉ đạo trực tiếp để giải cứu nhà máy, bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Nhờ thế, năm 2016, Gia Sàng đã có nhà đầu tư mới tham gia đấu giá để khôi phục sản xuất là Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng và đã có nguồn tài chính khoảng 57 tỉ đồng từ việc bán đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, số tiền ấy là không đủ để trả các khoản nợ, đặc biệt là khoản nợ người lao động, quyền lợi cho người lao động khi mà chỉ riêng khoản nợ ngân hàng của nhà máy đã hàng vài chục tỷ đồng. Trước sự kêu cứu của người lao động, năm 2015, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã có hai văn bản chỉ đạo giải quyết sự việc.

Ngày 15.8.2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã văn bản số 2875/UBND-TCD trả lời đơn của đại diện tập thể người lao động, chỉ đạo Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì tổ chức buổi làm việc vào ngày 29.8.2016, với tập thể người lao động và các ngành chức năng, gồm: Đại diện UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, lãnh đạo Sở LĐTBXH, Sở Công Thương, đại diện Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh Thái Nguyên, cơ quan bảo hiểm và LĐLĐ tỉnh, đại diện cơ quan Thi hành án….

Tại buổi làm việc, đại diện Ban lãnh đạo và cán bộ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh Thái Nguyên đã cam kết cắt giảm lãi suất để giải quyết quyền lợi của người lao động. Ngân hàng chỉ thu hồi 38 tỉ đồng (gồm nợ gốc là trên 33 tỉ đồng và 5 tỉ tiền lãi). Số tiền còn lại hơn 17 tỉ đồng được đề nghị trả lại cho Gia Sàng để giải quyết ngay quyền lợi cho người lao động gồm các khoản bắt buộc chi trả như: Trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp mất việc làm, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...các khoản phải thu của bảo hiểm xã hội…

Năm 2017, Công đoàn Công Thương Việt Nam và Tổng LĐLĐVN cũng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Sau đó, liên ngành tỉnh Thái Nguyên đã có tới hai cuộc họp nhất trí đề nghị cơ quan thi hành án, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Thái Nguyên hoàn thiện các thủ tục để Công ty sớm có tiền trả cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay sự việc này vẫn bế tắc.

Trong khi đó, theo báo cáo số 400/BC-SLĐTBXH ngày 25/8/2017 của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên: Tính đến thời điểm 31/7/2017, tổng số tiền nợ BHXH của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng là hơn 6,6 tỷ đồng; nợ tiền chấm dứt HĐLĐ hơn 9,7 tỷ đồng; nợ lương hơn 16,2 tỷ đồng…

Và để khắc phục việc này, ông Bùi Long Xuyên - Tổng Giám đốc Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng cho biết, ông đã thay mặt Công ty đề nghị, và đã được Công ty Thái Hưng đồng ý cho vay 8 tỉ đồng để thanh toán một phần nợ gốc BHXH, nợ lương, chốt sổ BHXH và các khoản trợ cấp (trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm…) nhằm đảm bảo đảm bảo quyền lợi cho NLĐ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Tuy nhiên, đã không được các thành HĐ QT Công ty Gia Sàng chấp thuận đặc biệt là từ phía thành viên HĐQT – đại diện cho số người nắm giữ cổ phần chi phối cổ phần Công ty Gia Sàng.

Di dời, cải tạo, hiện đại hóa nhà máy – chọn cách nào?

Một số ý kiến trên truyền thông gần đây đưa ra những lập luận khá ngược đời. Họ phê phán nhà đầu tư Thái Hưng tháo dỡ nhà máy vội vàng, không theo cam kết. Họ đặt câu hỏi vì sao không phục hồi nhà máy trên khu đất hiện nay?

Còn nhớ, cách đây ít lâu, báo Thanh Niên và một số cơ quan báo chí khác từng có những bài phản ánh thực trạng nhức nhối “Nỗi khổ người dân thành phố thép”, Cảnh sát môi trường xử phạt Công ty Gia Sàng xả thải ban đêm…Quy luật tất yếu của sự phát triển cho thấy, một cơ sở công nghiệp lạc hậu từ thế kỷ trước lại nằm rất gần khu dân cư như Gia Sàng không thể không di dời…


Nhà máy Thép Gia Sàng

Nhà máy Thép Gia Sàng

Trên thực tế, với hạ tầng nhà máy đã bị rút ruột tan hoang và công nghệ cũ, chỉ vài tháng sau khi phục hồi vào sản xuất, chính người lao động ở Gia Sàng cũng nhận thấy tiếp tục sản xuất là thất bại. Không thể duy ý chí tiếp tục ném tiền vào một dự án bất khả thi. Và giữa năm 2017, chính Ban lãnh đạo và đại diện người lao động ở Gia Sàng đã họp bàn để đưa ra phương án cải tạo, nâng cấp gắn với di dời nhà máy, tổng đầu tư hơn 834 tỷ đồng, công suất 500 nghìn tấn thép/năm.

Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, dây chuyền mới phải đảm bảo công suất 500.000 tấn thép/năm trở lên; vị trí nhà máy hiện tại không đảm bảo và theo quy hoạch sẽ di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm thành phố. Vì vậy, việc di dời nhà máy gắn với cải tạo, đầu tư mới là giải pháp tối ưu và không thể khác.

Hầu hết người lao động và người dân xung quanh đều đồng tình, ủng hộ với phương án di dời, cải tạo nhà máy song song với triển khai dự án Khu đô thị trên vị trí nhà máy thép Gia Sàng cũ vì cứu nhà máy, cứu người lao động nhưng cũng không thể đi ngược xu thế thời đại để một nhà máy công nghiệp có thể gây ô nhiễm ở trung tâm thành phố.

Song để triển khai một nhà máy mới tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng không thể là công việc một sớm một chiều. Việc lựa chọn Thái Hưng, nhà đầu tư lớn, cánh chim đầu đàn của ngành thép Thái Nguyên hiện nay đảm nhiệm công cuộc tái thiết này quả là một lựa chọn sáng suốt của tỉnh Thái Nguyên. Trong bối cảnh hiện nay, không thể trông chờ “trời cứu” hay các nguồn lực từ Trung ương mà phải dựa vào các nguồn lực xã hội hóa, do những người trong cuộc làm chủ.

Việc cho phép Công ty Thái Hưng triển khai dự án đầu tư trên 22ha diện tích nhà máy thép Gia Sàng cũ thành dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng cũng là lựa chọn phù hợp của tỉnh Thái Nguyên. Qua tìm hiểu đến nay, địa phương này mới phê duyệt quy hoạch 1/500 và yêu cầu nhà đầu tư triển khai các bước chặt chẽ.

Cũng giống như tỉnh Hải Dương và một số địa phương khác gần đây đã rút ra bài học kinh nghiệm trong quản lý để chống nạn đầu cơ đất, phân lô bán nền tràn lan, Khu tổ hợp Thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City) không đầu tư theo kiểu ăn “xổi” mà quy hoạch đồng bộ, hiện đại gồm nhiều hạ tầng giống như các dự án lớn mà các tập đoàn như Vingroup, Hòa Bình…đã triển khai. Tổng mức đầu tư cho dự án này là hàng nghìn tỷ đồng và hiện nay dự án mới có quy hoạch 1/500, chứ không phải để phân lô, bán nền ngay và thu lời hơn 2000 tỷ đồng như thông tin suy diễn vô căn cứ.

Vì thế, những ý kiến phiến diện, một chiều mang tính chất mượn danh nghĩa người lao động để “nói ngược”, kêu gọi phải “xem lại cuộc đấu giá”, “phải khôi phục nhà máy tại chỗ”, “không được tháo dỡ máy móc ngay”…là hết sức vô lý, muốn kéo lùi lịch sử!

Nguyễn Hà