Đã đến thời mạng di động nhỏ làm nên chuyện?

Trong nửa đầu năm 2009, thị trường viễn thông Việt Nam chứng kiến sự ra mắt của 2 mạng di động mới "có yếu tố nước ngoài" dùng công nghệ GSM là Vietnamobile và Beeline.

Khi các mạng mới này ra đời, trong mắt các nhà mạng thâm niên, sự xuất hiện này cũng như không. Nhưng tình thế đang xoay chuyển, các mạng đàn anh bắt đầu cảnh giác, trước mắt là việc giảm cước và tăng tần suất khuyến mãi.

Vietnamobile có tạo nên bước đột phá?

Đã đến thời mạng di động nhỏ làm nên chuyện? - 1
 
Ra đời vào tháng 4-2009, là mạng "trẻ tuổi" nhưng cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm thương trường, Vietnamobile đã chuẩn bị "lưng vốn" cho mình khá kỹ càng. Ngay sau khi ra đời, Vietnamobile đã phủ sóng 63/63 tỉnh, thành và là mạng di động đầu tiên áp dụng cách tính cước theo từng giây cho cả cuộc gọi nội mạng và ngoài mạng với gói cước cơ bản "VM One". Ông Nguyễn Xuân Quân, Phó Giám đốc điều hành Vietnamobile cho biết, do ra đời trong bối cảnh kinh tế khó khăn "nên Vietnamobile sẽ xây dựng những gói cước đặc thù nhằm tạo cho người dùng cảm giác thoải mái khi sử dụng dịch vụ". Thêm vào đó, một yếu tố mang hơi hướng "duy tâm" của người Việt, đặc biệt với những người thích kinh doanh thì đầu số 10 số, 092 là một lợi thế. Đây cũng là đầu số 10 số cuối cùng trong quy hoạch đầu số cho mạng di động của viễn thông Việt Nam.

Hơn nữa, hợp đồng quản lý vận hành mạng đầu tiên tại Việt Nam với đối tác Ericsson cũng được xem là quyết định "chơi sang" của Vietnamobile với tham vọng trở thành một trong những mạng di động chuyên nghiệp và hiện đại nhất Việt Nam. "Với khoản tiền đầu tư lên tới hơn 600 triệu USD, Vietnamobile đang ráo riết đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng và dự kiến có khoảng 5.000 trạm BTS, phủ hơn 90% dân cư sau 1 năm cung cấp dịch vụ" - ông Quân cho biết.

Với những quyết định đầu tư được xem là khá mạnh tay để thực hiện tham vọng trở thành một mạng di động lớn nhưng sau 5 tháng ra đời Vietnamobile vẫn chưa tạo được bước đột phá trên thị trường.

Nhiều người đặt ra dấu hỏi liệu có phải Vietnamobile đang "giấu bài"?

Beeline - bí ẩn

Khai trương vào ngày 20-7, với chiến lược marketting và quảng bá hình ảnh khá chuyên nghiệp, Beeline được đánh giá là thành công trong chiến dịch xây dựng thương hiệu của mình. Cho đến thời điểm hiện tại lợi thế lớn nhất của Beeline là gói cước 0 đồng (0 đồng/phút gọi nội mạng trong 20 phút, sau phút thứ nhất). Đây thực sự là cơ hội cho người dùng tiếp cận với dịch vụ thoại giá rẻ. Với chính sách này, Beeline hy vọng chiếm từ 2% - 4% trong tổng số thuê bao di động Việt Nam năm 2009. Hiện "át chủ bài" của Beeline vẫn là giá cước, dù rằng ông Alexey Bluymin, Tổng Giám đốc của Gtel Mobile khẳng định họ rất chú trọng đến dịch vụ: "Beeline cạnh tranh bằng chất lượng chứ không cạnh tranh bằng giá cước". Tuy vậy, Beeline hiện tại chưa phát triển các dịch vụ gia tăng, chưa có gói cước trả sau.

Hiện nay, Beeline mới phủ sóng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và sắp tới là Quảng Ninh. Nhà mạng này đang đẩy mạnh xây dựng mạng lưới để thực hiện kế hoạch từ nay đến cuối năm nay sẽ phủ sóng tới 46 tỉnh, thành. Đây là điểm khó khăn vì với vùng phủ sóng thấp, nhất là ở thời điểm hiện tại sẽ khiến cho người dùng ngại tiếp cận với Beeline hơn. Điều này đang thúc Beeline tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phủ sóng trong thời gian tới.

Là mạng 3G ra đời muộn nhất trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường thông tin di động. Những "Chú gà con" có làm nên chuyện hay không thì vẫn còn là bí ẩn. Tuy vậy, sự góp mặt của Beeline cùng với Vietnamobile cũng góp phần đẩy thị trường di động Việt Nam sang một giai đoạn mới.

Mạng lớn từ thờ ơ chuyển sang… lo ngại

Với sự xuất hiện của Vietnamobile và Beeline, thị trường di động Việt Nam bắt đầu bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt. Sau khoảng 2 tháng xuất hiện trên thị trường, vào tháng 6-2009, Vietnamobile đã tung ra chương trình khuyến mãi "khủng" bằng việc tặng 200% giá trị thẻ nạp. Tiếp đó khi Beeline xuất hiện, với gói cước rẻ nhất thị trường Big Zero, các mạng lớn bắt đầu "giật mình". Bằng chứng là tần suất các chương trình khuyến mãi 100%, thậm chí 130% giá trị thẻ nạp trở nên dày đặc. Trước đây 3 tháng, 6 tháng, thậm chí cả năm mới xuất hiện một chương trình lớn như vậy thì trong tháng 8 vừa qua, các mạng lớn đã đồng loạt có tới 3 chương trình khuyến mãi lớn.

Đặc biệt, khi Bộ Thông tin - Truyền thông áp dụng chính sách cho thuê bao chuyển mạng nhưng vẫn được giữ nguyên số trong một vài năm tới thì các mạng lớn càng phải cảnh giác. Bởi lúc đó rất có thể thứ hạng về thị phần sẽ có sự hoán đổi, các mạng nhỏ sẽ trở thành mạng lớn và ngược lại, mạng lớn sẽ teo lại khi khách hàng thay đã có nhiều lựa chọn. Theo một chuyên gia của Bộ TT-TT, để cạnh tranh và bứt phá lên hàng đầu, các mạng di động nhỏ hiện nay cần tạo nên được đặc tính riêng, bản lĩnh của mình thì mới hy vọng tồn tại và tiếp tục phát triển cùng các "đại gia chiếu trên".

Theo Hà Nội mới