Công nghệ Mobile - Internet đã xuất hiện ở Việt Nam

Hội tụ công nghệ - cái bắt tay giữa các nhà cung cấp CNTT và cung cấp dịch vụ viễn thông đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới. Xu hướng hội tụ công nghệ đang dần xóa bỏ sự khác biệt giữa máy tính và điện thoại di động.

Hãng Nokia đã tiến hành nghiên cứu đầu năm nay với hơn 5.500 khách hàng sử dụng điện thoại di động trong độ tuổi từ 18 - 35 tại 11 quốc gia. Kết quả được đưa ra cho thấy, có đến 67% người được hỏi cho biết họ quen dùng điện thoại để lướt web, 33% người khẳng định không thể để mất mobile với bất kỳ lý do gì và 36 % muốn nghe nhạc di động trên điện thoại… Kết quả điều tra này là một minh chứng cho thói quen dùng mobile của khách hàng đang hướng về những thiết bị số có khả năng tích hợp như một văn phòng di động.

Theo ông Bùi Quang Huy - Giám đốc Trung tâm Viettel Media (thuộc Tổng Công ty Viễn thông Quân Đội): “Người ta đã nghe nhiều trên thế giới về những chiếc điện thoại ngoài việc gọi điện và nhắn tin nay còn có thể nghe nhạc, chụp ảnh quay phim, xem video, dùng các ứng dụng vô hạn từ internet như VoIP, chatting, blog, Email, lướt web. Đó là sự hội tụ của 3 thứ video, dữ liệu (data) và gọi điện (voice). Giờ đây, chúng ta sẽ đón chờ sự hội tụ đó tại Việt Nam”.

Hội tụ công nghệ sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh mới khi giá dịch vụ “alô” ngày càng giảm, tăng sức cạnh tranh cho các nhà khai thác. Tuy nhiên, hội tụ công nghệ không phải chỉ đơn lẻ một nhà cung cấp nào đó có thể thực hiện được, đây hoàn toàn là sự hợp tác của 3 nhà: nhà khai thác viễn thông - nhà cung cấp máy điện thoại và nhà cung cấp dịch vụ nội dung và giá trị gia tăng.

Cũng theo xu hướng đó, một sản phẩm mới tên là Minternet (viết tắt của chữ Mobile Internet - http://www.minternet.com.vn) của trung tâm Viettel Media cũng vừa ra mắt thị trường, đó là 1 sự minh chứng cho sự hội tụ của các ứng dụng và thông tin giải trí Internet trên điện thoại di động. Điều khác biệt lớn nhất, không chỉ là 1 trang wap mà Minternet mang lại cảm giác như đang dùng Internet trên máy tính thực sự. Trong Minternet người dùng sẽ thấy được rất nhiều website nổi tiếng (Google, Yahoo, VnExpress, Tuổi trẻ, Thanh niên, Dân trí…), dùng được các ứng dụng trên Internet như: đọc báo, lướt web, email, chatting Yahoo, chơi Game, download nhạc, hình ảnh… Với Slogan, Internet trên từng ngón tay, Minternet thực sự là một mạng internet thu nhỏ trên máy ĐTDĐ.

Điều khác biệt thứ 2 đó là chỉ cần nhắn tin MI gửi đến 8062 (giá 500 đồng) là người dùng có thể truy cập vào thế giới Minternet, điều này giải quyết sự phiền toái khi nhiều khách hàng không biết mở trình duyệt WAP trên ĐTDĐ ở đâu. Tuy nhiên để sử dụng Minternet, chú ý việc máy ĐTDĐ phải được cài đặt dịch vụ GPRS của nhà cung cấp mạng trước khi nhắn tin MI gửi đến 8062 (dịch vụ này dùng cho tất cả các mạng). Một tin nhắn sẽ có cả thế giới thông tin giải trí (game, nhạc, hình ảnh, tin tức, email, chat, website, thông tin bóng đá, xổ số, giá vàng, chứng khoán, địa chỉ trên những trang vàng…) thay vì phải nhớ rất nhiều cú pháp cho nhiều dịch vụ khác nhau như trước đây. Ông Huy tâm sự: “tuy nhiên chúng tôi đang đàm phán với tất cả các mạng di động là nên cho 1 đấu số nhắn tin với giá rẻ hơn, rẻ hơn thì nhiều người dùng và các nhà mạng lại có lợi hơn khi có thêm dịch vụ cho khách hàng”.

Sự khác biệt lớn thứ ba là Minternet không dừng lại ở một dịch vụ mà sẽ là một cộng đồng mở, nghĩa là sẽ tạo ra “chợ”, trên đó có các dịch vụ kiểu như mạng xã hội, rao vặt hay blog, rất nhiều người có thể tham gia và đưa dịch vụ và thông tin của mình lên. Vì thế Viettel Media sẵn sàng tiếp đón và hợp tác các ý tưởng dịch vụ trên Minternet và cùng nhau khai thác.

“Khả năng hợp tác dựa trên cơ sở hội tụ công nghệ là vô tận. Các nhà cung cấp dịch vụ di động như Viettel, Vina, Mobi có thể tận dụng hạ tầng sẵn có của mình để tích hợp công nghệ của nhà cung cấp dịch vụ online trên ĐTDĐ. Trên cơ sở này, hai bên sẽ đẩy mạnh việc phát triển kinh doanh, tiếp thị ở cả hai mảng online và mobile” - Theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm Viettel Media, Bùi Quang Huy.

Thủy Nguyên