3G - Tiềm năng cho mạng xã hội di động

Tại Việt Nam, theo công bố của ba nhà mạng Vinaphone, Mobiphone và Viettel thì tổng số người sử dụng 3G tại Việt Nam đã lên tới 14 triệu.

Các gói cước dịch vụ 3G xuất hiện ngày càng đa dạng với mức giá hợp lý, các hãng sản xuất điện thoại di động (ĐTDĐ) liên tục cho ra mắt nhiều mẫu điện thoại tích hợp sẵn ứng dụng (application) kết nối mạng xã hội. Có thể thấy, một giai đoạn đầy hứa hẹn đang mở ra cho mạng xã hội di động (mobile social network).

Khi di động “vượt mặt" máy tính

Nếu lúc trước, phần lớn các mạng xã hội chỉ hoạt động trên nền web (web-based social network), thì giờ đây, hỗ trợ tuyệt đối cho nhóm người dùng sử dụng ĐTDĐ làm thiết bị truy cập là xu hướng tất yếu đang diễn ra và thật đơn giản để xác định lí do giải thích cho hiện tượng này. Theo nghiên cứu của IDC, một hãng phân tích thị trường công nghệ lớn trên thế giới, thì tại hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ĐTDĐ đã trở thành một công cụ không thể thiếu và không chỉ dừng lại ở chức năng thoại. Hơn 50% thành viên của các mạng xã hội tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan hay Hàn Quốc thường xuyên truy cập vào trang cá nhân của mình bằng chiếc ĐTDĐ. Cụ thể, tại Trung Quốc tỷ lệ này là 62% và Thái Lan là 65 %. Người dùng cho biết, họ thường nhận thông báo mới, nhận và trả lời các tin nhắn, tải ảnh lên trang cá nhân hoặc cập nhật trạng thái, hồ sơ của mình thông qua công cụ chủ yếu là ĐTDĐ.

3G - Tiềm năng cho mạng xã hội di động - 1

Tại Việt Nam, theo công bố của ba nhà mạng Vinaphone, Mobiphone và Viettel thì tổng số người sử dụng 3G tại Việt Nam đã lên tới 14 triệu. Cuộc đua mạng 3G của ba nhà cung cấp đã góp phần hạ mức giá cước xuống, tạo điều kiện để hầu hết người dân có thể tiếp xúc với các dịch vụ Internet trên ĐTDĐ - một “món” trước đây vốn thuộc dạng xa xỉ không dành cho đại chúng.

Bên cạnh đó, nhu cầu kết nối, tìm kiếm thông tin cao, luôn di chuyển và bận rộn của nhóm người dùng văn phòng cũng là lý do chính khiến lượt đăng kí sử dụng 3G ở Việt Nam đang có chiều hướng tăng vào thời điểm giá cước trở nên hợp lý. Ngoài các dịch vụ xem phim trực tuyến, tin nhắn đa phương tiện (MMS), Video call, thì khả năng truy cập vào mạng xã hội thông qua phiên bản di động được ghi nhận là một trong những yếu tố chủ đạo thu hút người dùng trong nước sử dụng dịch vụ 3G và các ứng dụng liên quan.

Mạng xã hội di động: xu hướng tất yếu

Trở thành quốc gia có mức độ tăng trưởng về dịch vụ viễn thông cao nhất tại Đông Nam Á, cơ hội dành cho mạng xã hội di động Việt Nam cũng đang được các đơn vị  phát triển mạng xã hội trong nước nắm bắt bằng cách liên tục cho ra đời các phiên bản di động. Đơn cử có thể thấy Zing Me (dịch vụ mạng xã hội từ công ty VNG) với hơn 5 triệu thành viên đăng ký sử dụng đã chính thức giới thiệu phiên bản di động tại địa chỉ m.zing.vn. Theo thông tin từ người đại diện của trang Zing Me, sau 2 tháng phiên bản di động đi vào hoạt động, lượng truy cập đến từ các thiết bị di động hiện tại chiếm tới 5% lưu lượng dữ liệu của mạng xã hội này.

Không chỉ là các mạng xã hội, các công ty sản xuất điện thoại cũng đồng loạt đưa chức năng kết nối mạng xã hội vào các dòng smart phone mới nhất. Nokia thông báo về 3 mẫu di động mạng xã hội sẽ ra mắt vào quý III năm nay. Hai di động thông minh tên Kin (Kin One và Kin Two) của Microsoft vừa giới thiệu đều có nút cập nhật thông tin từ các mạng xã hội như Facebook ngay trên màn hình chính của điện thoại. Motorola cũng không kém khi vừa bán 4 mẫu điện thoại có tính năng mạng xã hội cho phép người dùng lưu các địa chỉ liên lạc của họ trên các mạng xã hội vào sổ địa chỉ, và hiển thị email và tin nhắn trên mạng xã hội trong hộp thư riêng.Với ưu thế về đáp ứng được mong muốn liên tục kết nối bạn bè qua mạng của người dùng ĐTDĐ thế hệ thứ 3 đang trở nên rất đắt hàng.

“Sự phổ biến của điện thoại di động đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các mạng xã hội”, Debbie Swee, nhà phân tích thị trường công nghệ của các quốc gia mới nổi tại châu Á - Thái Bình Dương của IDC, nhận định.

3G - Tiềm năng cho mạng xã hội di động - 2

Và tiềm năng lợi nhuận?

Một bài toán khá nan giải, là chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng để cung cấp dịch vụ mạng xã hội rất lớn. Trong khi các hình thức thu lợi nhuận truyền thống trên mạng xã hội hướng đến đối tượng người dùng cuối (end-user) như thu phí dịch vụ cao cấp (premium service), bán vật phẩm ảo (item) và quảng cáo hướng đối tượng (targeting ads) vẫn chưa được áp dụng đại trà. Ở Việt Nam, hiện tại, mạng xã hội di động mới chỉ được người dùng đón chào theo dạng tận hưởng trải nghiệm mới, như một bản rút gọn của mạng xã hội trên web.

Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng một số đơn vị vẫn tiếp tục đi theo lộ trình chung của thế giới. Zing Me đang song song tiến hành mở giao diện lập trình ứng dụng (API) cho một số đối tác tham gia phát triển ứng dụng theo hướng cùng khai thác, chia sẻ lợi nhuận và phát triển các ứng dụng mạng xã hội chạy trên các thiết bị di động symbian, smart phone đúng theo các mô hình phổ biến trên thế giới. Ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc công ty VNG, đơn vị chủ quản của mạng xã hội Zing Me cho biết: “Mạng xã hội di động tại Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển và còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt vẫn cần có thời gian để làm quen với những khái niệm kinh doanh mới cũng như kiểm nghiệm tính hiệu quả của mô hình này”.

Có thể nhận định rằng, cuộc chơi mạng xã hội nói chung và mạng xã hội di động nói riêng ở Việt Nam hiện đang là cuộc chơi của những doanh nghiệp mạnh và chuyên nghiệp.

PV