Bạn đọc viết

Xin đừng đánh mất niềm tin của hàng triệu độc giả

(Dân trí) - Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch, những độc giả chúng tôi mong các nhà báo hãy luôn luôn tâm niệm điều Người căn dặn: “Trước khi cầm bút, mỗi người cần trả lời ba câu hỏi: Ta viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Nghề báo là một nghề “nghiêm trang cao quí” (Chữ dùng của nhà văn Vũ Bằng). Hiển nhiên rồi, nó cao quí như bao nghề cao quí khác, còn nghiêm trang vì nó chỉ biết nói lên sự thật.

Cá nhân tôi từ lâu đã rất trân trọng và ngưỡng mộ nhà báo và nghề làm báo. Thuở thiếu thời, tôi đã từng bị cuốn hút bởi lời văn hùng hồn, sắc sảo của những bài bình luận đăng trên các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân – hai tờ báo lớn và phổ biến nhất ở thời điểm cách nay bốn năm chục năm về trước. Báo chí thời ấy mang hơi thở của cuộc sống, của thời đại; bài báo trở thành vũ khí và nhà báo là chiến sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Thời ấy, sách báo hiếm hoi. Một tờ báo được chuyền tay nhau đọc đến nát nhàu. Báo cũ thì được lưu giữ để rồi khi không có gì đọc lại lôi ra mà nghiền ngẫm.

Bây giờ thời đại công nghệ số, không chỉ báo giấy phát triển mà cả báo mạng cũng nở rộ. Cả nước có hơn 800 tờ báo và hàng ngàn trang mạng. Chỉ nội việc lướt qua tiêu đề tin bài thôi, chắc cũng phải mất cả tháng trời.

Có lẽ chưa bao giờ báo chí nước nhà lại phát triển rầm rộ như hiện nay nhưng cũng có lẽ chưa bao giờ một số báo chí lại trở nên xô bồ như thời gian qua. Tại hội thảo khoa học "Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số" ngày 10-6 vừa qua tại Hà Nội, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương buồn rầu chia sẻ: "Là nhà báo 50 năm cầm bút, tôi phải đau lòng nói rằng chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay. Có người giờ không dám nhận là nhà báo vì báo chí sai sự thật quá nhiều. Có những cái sai không ngờ. Ví dụ, có nhà báo nghe vợ đi chợ về nói là có tin đồn bố chồng dan díu với con dâu, về cũng làm tin đăng phát trên đài Quốc gia".

Đó không chỉ là nỗi buồn của một nhà báo đầy tâm huyết và trách nhiệm với nghề - đó còn là nỗi buồn của hàng triệu độc giả, của dư luận cả nước.

Chua chát hơn, trên một trang điện tử vừa qua đăng bài“Ám ảnh” giang hồ trong làng báo, đề cập chuyện giang hồ chui được vào làng báo và có cơ quan báo chí cẩu thả đã sử dụng chúng làm phóng viên, bảo kê cho những sai phạm của doanh nghiệp... Bài báo khiến cho dư luận sốc. Nếu sự thực đúng như vậy thì đây là điều nguy– người được trao trọng trách “định hướng dư luận”.

Đấy là chuyện đời của một bộ phận đội ngũ nhà báo. Còn chuyện nghề thì sao?

Mới đây, trả lời phỏng vấn của phóng viên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khi nhìn nhận vai trò tác động của mạng xã hội đối với báo chí truyền thống đã cảnh báo thực trạng nhiều nhà báo làm việc trong phòng kín, lướt web, lên facebook lấy thông tin xào xáo, nhào nặn thành những tin bài có tính chất bịa đặt, câu khách rẻ tiền, phản văn hóa, phi nhân văn, gây hậu quả xấu cho xã hội. Thứ trưởng nêu ví dụ nhiều báo mạng đăng thông tin một cháu bé lớp 7 có thai, sau đó, cháu bé đã bỏ học, thậm chí tự tử, phải đưa đi cấp cứu.

Mỗi sáng lật từng trang báo hay nhấp chuột vào bất cứ trang mạng nào cũng có thể bắt gặp cảnh cướp, hiếp, giết, sex được mô tả chi li, mùi mẫn và đặc biệt là chuyện lộ hàng, chuyện đời tư vớ vẩn của giới showbiz. Cuộc sống lao động, chiến đấu vất vả, cực nhọc, gian khổ, hiểm nguy của các tầng lớp nhân dân và chiến sĩ nơi biên cương hải đảo ít được đề cập. Một thực trạng đáng buồn cho một số tờ báo.

90 năm qua, thành quả của báo chí cách mạng là vô cùng to lớn. Đội ngũ những người làm báo có quyền tự hào về điều đó. Nhưng cũng thẳng thắn mà nói, một số báo chí hiện nay đang có nguy cơ đánh mất chính mình, khiến dư luận và độc giả sa sút niềm tin.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ chí Minh, những độc giả chúng tôi mong các nhà báo hãy luôn luôn tâm niệm điều Người căn dặn: “Trước khi cầm bút, mỗi người cần trả lời ba câu hỏi: Ta viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”.

Trả lời ba câu hỏi ấy, nó đòi hỏi cả trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết và đạo đức của người cầm bút.

Trong Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khoá I, Trường đại học Nhân dân Việt Nam (21-7-1956), Người nhắc nhở: "Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ Quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý”. Lời dạy của Người giản dị mà thấm thía.

Nhà báo, xin đừng đánh mất niềm tin của hàng triệu triệu độc giả yêu quí!

Nguyễn Duy Xuân

Tham khảo:

-http://infonet.vn/dau-long-vi-chua-bao-gio-uy-tin-bao-chi-giam-sut-nhu-hien-nay-post166388.info

-http://petrotimes.vn/news/vn/dam-luan-doi-thoai/am-anh-giang-ho-trong-lang-bao.html