Xe máy, xe đạp điện liệu "chạy đâu cho thoát”
(Dân trí) - Đã “nói không” từ lâu với dự tính thu phí xe máy, và cũng đã có những dự báo vu vơ “đe” trước với nhau rằng: xe đạp điện rồi tới cả xe đạp thường có lẽ sẽ “chẳng chạy đâu cho thoát”! Tưởng đùa cho vui, ai dè rất có thể thành sự thật.
Theo dự kiến của Bộ Tài chính, thì con số dự tính thu được theo dự thảo thông tư mới này khá hấp dẫn – tới vài ngàn tỷ đồng. Song đúng như một thành viên ban soạn thảo dự thảo thông tư đã thừa nhận: Việc thu phí theo kiểu tự nguyện, tự giác này không hề đơn giản.
Đã quen với việc có nói rồi cũng chẳng được nghe, dân ta đành quay sang chiêu trò “ủng hộ” theo kiểu tung – hứng… cho vui với nhau vậy. Vì thế cứ người này nêu ra câu hỏi “chát chúa”, đã lập tức có người khác “đỡ đòn” thay:
“Khó hiểu về trình độ tư duy của người làm chính sách, không biết xếp vào loại trình độ nào?” - Hồng Quang: quanghong@yahoo.com; “Ở châu Âu không có thu phí như vậy đâu” - Xom Dong: xomdong@yahoo.vn
“Ở châu Âu chỉ số IQ của giới chức họ chắc đâu có cao như ở mấy vị ở VN ta (ý kiến của một đại biểu QH ở Hà Nam đấy), nên có lẽ họ đâu có biết đến… nguồn lợi này” - Quang Minh: langtuhn79@gmail.com
“Ôi! xe đạp điện chủ yếu là người già và trẻ em đi, vậy mà nỡ thu phí? Thế thì liệu họ có thu phí cả xe đạp nữa cho đủ bộ, hay là thu luôn cả phí đi bộ luôn đi! Đúng là cứ như thể “nhàn cư vi…”, có biết là có phải ai cũng có tiền như họ đâu?” - Tran Binh: tranbinh35dc@yahoo.com; “Phải thu nốt cả phí đi bộ nữa, bởi sau này các loại phí xe cộ thu nhiều quá thì xu thế người dân sẽ đi bộ. Mà như HN khi người đi bộ quá nhiều cũng sẽ tắc đường như chơi” - Thật: thatdt2k2haui@gmail.com
“Đúng đó! Đề nghị các bác Bộ "TÀI..." thu luôn cả phí xe ba bánh của chúng cháu đi. Cái xe ba bánh của chúng cháu tuy không đi ra đường lớn nhưng cũng đi trong sân trong ngõ, nghĩa là cũng đi trên đường rồi. Đề nghị các bác thu luôn cả phí mấy cái xe tập đi của bọn cái tũn nữa. Cháu thấy xe của bọn nó có tận 6 bánh lận, chắc cũng phá đường ghê lắm. Vì sự nghiệp thu càng nhiều càng ít của các bác, chúng cháu - những công dân tương lai của đất nước xin nhiệt liệt ủng hộ. Có điều các bác nhớ công bố bao nhiêu % số tiền thu được về đến ngân sách nhà nước và được sử dụng như thế nào nhé. Chào thân ái và quyết thắng!” - Cu Ti: cuti@yahoo.com
Ngẫu hứng “phí”... qua cầu
Thở than, kêu ca rồi đề xuất, hiến kế mãi chẳng ăn thua. Thôi thì dân ta vốn vui tính, cách tốt nhất là tự đem mình ra diễu trước để bàn dân thiên hạ may ra còn có chút chạnh lòng vậy, chứ biết làm sao? Đúng là tiềm năng "rừng cười" từ trong dân rất dồi dào, nên khổ vậy, bức xúc vậy mà nhiều ý kiến vẫn có duyên thầm và dí dỏm ra phết.
“Tôi thấy nhà nước đã thu phí bảo trì đường bộ vào giá xăng dầu. Vậy giờ phí mới này (nếu được thông qua) là để người dân được lưu thông trên đường sao? Vậy tiền thu bảo trì đường bộ thu qua giá xăng để làm gì? Tôi nghĩ, nếu Nhà nước và Bộ Tài chính muốn thu thêm tiền dân thì nên nghĩ thêm ra phí sử dụng… không khí của người dân để hít thở, chắc chắn khoản phí này ai cũng phải đóng, như vậy sẽ thu được nhiều. Nhưng cũng xin nói thật: nhân dân không phải là chùm khế ngọt mà ai muốn hái cũng được, lúc nào cần là hái cũng được…” - Người Việt Nam: nguoivietnam@yahoo.com
“Theo tôi, Bộ Tài chính nên thu cả phí của người đi bộ vì người đi bộ đôi khi cũng ảnh hưởng đến chất lượng đường sá hiện nay. Mà nên thu bằng hình thức thu qua... giầy dép (ý kiến quá hay đấy chứ, tận thu mà?) Mà có ai thống kê ở Việt Nam mình có tất cả bao nhiêu loại thuế, phí đổ lên đầu dân chưa? Tôi lấy ví dụ chỉ một loại phí giao thông thì phí đã chồng phí như một người có xe ôtô thì phải đóng cả phí ôtô, phí xe máy (có thể sẽ là cả phí xe đạp, phí đi bộ ...nữa). Vì không lẽ lúc nào họ cũng đi ôtô? Phải đi cả xe máy, xe đạp, đi bộ nữa chứ.
Sao không đề xuất ai đã đóng phí ôtô thì khỏi phải đóng phí xe máy, xe đạp, đi bộ? Nhưng làm vậy lại thất thu mất. Thôi cứ thu đủ, mà còn phí không lưu nữa chứ, nhưng thôi phí đó của mấy người... thừa tiền mua máy bay ... Sao mà giờ đây thuế/phí không biết bao nhiêu mà kể, chỉ khổ dân làm công ăn lương ba cọc ba đồng thôi. Nhưng mọi người hãy lạc quan như lời vị Bộ trưởng Nội vụ đã từng nói: đến năm 2020 cán bộ công chức sẽ sống được bằng đồng lương của mình. Nhưng còn từ nay đến 2020 thì ....” - Trịnh Văn: minhtu1810@yahoo.com
“Thu phí người đi xe đạp điện là kích thích tiêu dùng đấy mà, mọi người không hiểu sao? Xe máy, ôtô đang ế, phải hạ giá mà cũng mấy người có chịu bỏ tiền ra mua đâu? Bây giờ đi kiểu gì chẳng phải nộp thuế. Vậy thì nếu có tiền thì tội gì không đi ôtô cho sạch sẽ, mát mẻ vì có chịu khó đi xe đạp chắc cũng sẽ phải nộp thuế cơ mà. Bộ Tài chính đúng là cao kiến, cao kiến. Bái phục! Bái phục!” - Quang Minh: langtuhn79@gmail.com
“Các bác cũng phải thông cảm cho các vị ấy chứ! Thời buổi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đua nhau phá sản, truy thu thuế giảm nên không thể quy định thêm thuế cho doanh nghiệp được nữa. Vậy thì họ phải có những nguồn thu mới chứ. Là người VN yêu nước, chúng ta nên đồng lòng chung vai góp sức với Nhà nước để vượt qua giai đoạn khó khăn của đất nước.
Cũng chỉ 50-100 ngàn/năm thôi, tôi hoàn toàn đồng tình với quy định mới này và còn đề nghị Bộ Tài chính áp dụng thêm một số loại thuế nữa, hoặc tham khảo thêm một số ý kiến của các độc giả là thu thêm thuế không khí, thuế đi bộ... Như vậy là đảm bảo thu đủ cho ngân sách, có tiền để tái cơ cấu V nọ V kia, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước” - HB: haithanh_nd2002@yahoo.com
Người buồn, cảnh có vui đâu…
Vui gượng được bao nhiêu người, còn với đa số người dân thì nỗi lo quá lớn khiến có muốn tỏ ra “dí dủm” cũng chẳng thể được. Bởi cơm áo không đùa với người lao động bao giờ.
“Hiện nay người dân đang sống rất khó khăn, việc làm không có, thất nghiệp tăng cao, kinh doanh thì ế ẩm. Kiếm được đồng tiền không dễ, nhưng do tiền trượt giá nên càng khó khăn hơn cho những người dân lương thiện. Hiện nay Chính phủ đã triển khai việc thu thuế đất phi nông nghiệp cũng nhằm mục đích tăng ngân sách, nhưng nếu chúng ta tăng thu thuế xong nhưng không kiểm soát được tiêu cực, tham nhũng trong các tập đoàn và tổng công ty nhà nước thì đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân lại sẽ bị thất thoát lãng phí vào tay một số cán bộ biến chất. Vì vậy sang năm nếu lại thu thuế xe máy nữa thì người dân như chúng tôi lại vô cùng khổ cực, mong Chính phủ xem xét lại để đảm bảo cho cuộc sống của những người công nhân lao động như chúng tôi” - Nguyễn Thanh Dũng: dungtang72@yahoo.com.vn
“Mấy ông ở Bộ Tài chính nên nhìn nhận lại cách tư duy. Đến xe đạp điện cũng thu phí nữa thì công nhận các vị… nhìn xa trông rộng thật. Cảm ơn các vị đã cho mở rộng tầm mắt, và chúng tôi đang muốn để xem Bộ trưởng Tài chính giải thích thế nào khi dân trí của người dân hiện tại đã thay đổi rất nhiều, lối suy nghĩ đang dần theo kịp với xu thế thời đại... Tôi hiểu người dân đang nghĩ gì vì tôi nằm trong số họ, còn các ông thì rõ là xa dân lâu rồi. Với cách nghĩ “trên mây” như của các ông, cho tôi hỏi: Các ông dám làm điều này tới cùng không? Hãy cho dân thường chúng tôi thấy khả năng thực thi, xem có đem lại được lợi ích gì cho dân không…” - Hy: huong@yahoo.com
“Các ông muốn thu gì thì thu luôn nốt đi, để có nhiều tiền mà… Chúng tôi đã cực khổ lắm rồi: việc không có, lam lũ cả ngày cũng chỉ đủ nuôi thân chứ đừng nói nuôi con... Vậy mà mỗi ngày lại thấy có người nghĩ ra một chiêu để thu tiền của dân? Đồng ý là cần tiền để bảo trì đường, vậy các ông có cam kết đường sá tốt hơn để phục vụ người dân theo đúng nghĩa như pháp lệnh phí và lệ phí, hay lại đầu voi đuôi chuột? Thu cứ thu, đường hỏng làm tăng TNGT cứ mặc kệ. Thu phải minh bạch, rõ ràng. Đừng thu theo kiểu cào bằng. Trước kia đã thu tiền này vào phí xăng dầu rồi, sao giờ lại thôi? Lẽ ra ai đi nhiều thì phải đóng nhiều mới là đúng chứ...” - Quang Đại: quangdai@gmail.com
Nick Con người và cuộc sống: c.n.va.c.s@gmail.com chốt lại vấn đề:
“Chẳng cần phải có xe, tôi và chắc chắn rằng tất cả mọi người cũng luôn sẵn sàng bỏ ra số tiền đó để đóng góp xây dựng. Tuy nhiên, khi thấy các công trình chưa làm xong đã hỏng thì... một nghìn cũng không muốn mất...”
“Tôi đồng ý đóng phí kể cả cho xe đạp thường. Nhưng yêu cầu xe máy và đạp cần có làn đường dành riêng cho chúng tôi đi để đảm bảo an toàn. Chứ hiện nay tôi thấy đường giao thông nói chung thường chỉ có làn đường dành cho ô tô đi là chính. Hầu hết các tuyến đường huyết mạch không có làn dành cho xe máy và xe đạp đi?”
Hoàng Cầm: hoangthoatv@gmail.com kết luận:
“Trong tất cả các kiểu thu, thu của dân là đơn giản nhất, dễ thu nhất, ai kêu mặc ai, ai khổ mặc ai, có mất gì của mấy vị ấy đâu. Nên các ông cứ yên tâm, dân ta cam chịu quen rồi, dân có kêu ca thế thôi nhưng rồi họ lại phải im lặng... Chỉ xin các ông một điều: Bác Hồ đã nói "Không sợ thiếu , chỉ sợ không công bằng".
Chính xác là như vậy: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng! Nhưng liệu xe máy, xe đạp... còn có cơ "chạy thoát" được không đây?
Kiều Anh