Vụ nâng điểm: Hậu quả lớn về mặt xã hội

(Dân trí) - Người viết không muốn thêm một ý kiến tranh luận trong hàng trăm vạn ý kiến về việc có nên hay không nêu tên các thí sinh được nâng điểm, mà muốn làm rõ: Những ai “ tổng đạo diễn” việc sửa bài, nâng điểm ở những Hội đồng thi này?

 

bd1-1531745368492369441545.jpg

Biểu đồ về sự bất thường trong điểm thi Toán của Hà Giang (màu hồng)

 

Dù việc nâng điểm ở một số hội đồng thi tốt nghiệp phổ thông năm trước đã tạo cơn bão dư luận, nhưng những gì vừa được Bộ GD ĐT công bố kết quả điều tra của Cơ quan điều tra Bộ Công an, vẫn khiến dư luận bàng hoàng về mức độ và đặc biệt, chia rẽ về cách xử lý. Trong đó, có nên hay không nên công bố danh sách những thí sinh được sửa điểm, thậm chí cả các bậc phụ huynh của các học sinh này đang được tranh luận gay gắt. Tuy nhiên, những ý kiến tuy trái chiều, nhưng đều với mục đích duy nhất, hạn chế tối đa các tiêu cực trong giáo dục và làm rõ những người cầm đầu có vỏ bọc tuyệt hảo.

Tôi không muốn nhắc lại mức độ sai phạm lớn của những Hội đồng thi này, nhưng về hậu quả, tôi tin dư luận hoàn toàn đồng tình với đánh giá của GS, thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an- khi trao đổi  với báo chí: “Hậu quả về mặt xã hội của nó còn khủng khiếp hơn tội cướp của, giết người.”

Vậy đâu là nguyên nhân khiến một số Hội đồng thi dám phạm luật một cách liều lĩnh như vậy? Đây là câu hỏi rất cần phải mổ xẻ kỹ và càng tiệm cận tới tận gốc rễ của vụ việc càng tốt.

Trong bài này, người viết không muốn thêm một ý kiến tranh luận trong hàng trăm vạn ý kiến, quan điểm về việc có nên hay không nên nêu tên các thí sinh được nâng điểm mà muốn làm rõ: Những ai là kẻ “ tổng đạo diễn” việc sửa bài, nâng điểm ở những Hội đồng thi này?

 Chắc chắn, các cơ quan chức năng muốn làm rõ nội dung này hơn ai hết, nhưng vụ việc không hề đơn giản, bởi có thể cảm thấy rất rõ, nhưng tìm kiếm chứng cứ để chứng minh ai đó chỉ đạo, phạm tội là không dễ. Nhưng, dư luận có thấy rất rõ, đặc biệt khi nhìn lại cả quá trình hàng chục năm nay, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương là không thể chối cãi. Vụ nâng điểm vừa qua tưởng rằng đột biến, bất ngờ nhưng thực ra nó đã có cả quá trình “phát triển”, đặc biệt thể hiện rất rõ trách nhiệm của một số địa phương.

Dù rằng, trước hết, những thất bại trong giáo dục, trách nhiệm đầu tiên là của ngành giáo dục, nhưng không ít giải pháp đúng đắn của Bộ GD ĐT đã bị không ít  chính quyền địa phương thờ ơ.

Hiện, giải pháp kỳ thi 2 trong 1 của Bộ GD đề ra tuy còn gây tranh cãi, nhưng ý kiến đồng thuận vẫn cao hơn, trong đó, biện pháp thi trắc nghiệm nhằm bao quát được nội dung và hạn chế tiêu cực trong thi cử được đa số dư luận đồng tình. Nhưng rồi, nó bị chính các Hội đồng thi ở một số tỉnh “đâm nhát dao” chí mạng: Sửa điểm, sửa bài thi trắc nghiệm, thậm chí cả bài tự luận cho thí sinh ở một số tỉnh, như Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn và nhiều dấu hiệu tiêu cực tương tự ở một số tỉnh khác đã được dư luận đặt nghi vấn.

 Trước đó, cách đây hơn chục năm, nhằm từng bước giảm tải kỳ thi, Bộ GDĐT đưa quy chế: Những học sinh tốt nghiệp loại giỏi không phải thi đại học. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng. Vậy mà, chỉ sau 3 năm thực hiện, giải pháp này đã phải hủy bỏ. Lý do lãng xẹt: Học sinh tốt nghiệp loại giỏi tăng đột biến! Trách nhiệm này rõ ràng thuộc về chính quyền địa phương, không thể nói khác.

Cũng trước đó, thời kỳ ông Nguyễn Thiện Nhân là Bộ trưởng Bộ GDĐT từng đưa ra phong trào hai không: “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và  “Nói không với việc chạy theo thành tích” cho năm học  2006-2007. Và ngay niên học đó, thực lực của học sinh bộc lộ rõ: Kết quả tốt nghiệp THPT giảm gần 30% so với năm học trước, thậm chí có trường tỷ lệ đỗ là 0%. Nhưng rồi, phong trào “hai không” này sớm bị lãng quên, tỷ lệ tốt nghiệp THPT những năm sau lại nâng cao một cách… thần kỳ. Lý do, lãnh đạo một số tỉnh không thể chấp nhận tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tỉnh nhà thấp thê thảm như vậy. Và hiện nay, tỷ lệ tốt nghiệp trung bình luôn gần 100%, cao tới mức, có rất nhiều ý kiến nêu lên, có cần kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa hay không.

Nhớ lại, những tháng đầu năm 2007, dư luận rúng động với một loạt vụ việc tiêu cực nâng điểm. Trong đó nổi cộm là vụ án nâng điểm, nhận hối lộ tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2006 ở Bạc Liêu với khoảng 1.700 thí sinh được "nâng đỡ", 6 cán bộ cốt cán như Phó giám đốc Sở GDĐT, trưởng phòng GDĐT... và 38 cán bộ ngành giáo dục bị khởi tố.

Những ví dụ trên cho thấy, việc nâng điểm “không trong sáng” lần này cũng chỉ là “nét sổ dài” và ngày càng được “tô đậm” hơn mà thôi.

Vậy tại sao các tiêu cực cứ mãi kéo dài, ngày càng tệ hại hơn, phải chăng, bởi với những sai phạm đó nhưng không một lãnh đạo địa phương nào phải chịu kỷ luật, dù một số đối tượng “đầu sai” bị khởi tố?

Vương Hà

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm