Từ vụ YouTuber Thơ Nguyễn: Ném đá, tẩy chay hay còn gì nữa?

Tẩy chay vẫn chưa đủ, còn phải tẩy tư duy nhận thức, quản lý và việc coi nhẹ cách thức bảo vệ trẻ em hôm nay...

Các cơ quan chức năng đang vội vào cuộc để tìm cách xử lý trường hợp YouTuber "bẩn" Thơ Nguyễn. Nhưng phạt vài trăm nghìn hay vài triệu cũng chẳng thấm. Những người như vậy sẵn sàng nộp phạt để nổi tiếng và vẫn có nguồn thu khủng từ clip của họ. Không chỉ là tẩy chay một hai cá nhân, mà phải thay đổi cả tư duy quản lý.

Tuy nhiên, lời cảnh báo của cư dân mạng về những Youtuber, Vlogger độc hại gây tác động không nhỏ về mặt tâm lý cho trẻ em, học sinh thì đã có từ lâu… Hiện tại, 2 clip phản cảm "xin vía cho trẻ học giỏi" phát ngày 8/3 của Thơ Nguyễn đã bị xóa khỏi YouTube, nhưng nhiều kênh "ăn theo" vẫn tiếp tục bình luận, trích dẫn từng đoạn nội dung trên, thậm chí còn "nhấn mạnh" chi tiết nào gây hại cho trẻ nhỏ.

Điều này hình thành một thói quen: Đôi khi càng tẩy chay, càng "ném đá" thì nhân vật đình đám lẫn clip có vấn đề lại càng lên top trending, nằm quá lâu trong não bộ của cộng đồng mạng và phụ huynh, học sinh như một nỗi ám ảnh phản xạ "có điều kiện". 

Mà quả thật, không ám ảnh sao được khi một kênh YouTube nội dung nhảm và phản cảm như thế tồn tại từ vài năm trở lại đây, thu hút 8,74 triệu người xem, lọt top 5 YouTube nhiều người xem nhất. Thái độ u ám dọa nạt của nữ chính cùng con búp bê Kuma "Mập" với cách xưng "mẹ - con" khiến người xem bàng hoàng, vì sao một nội dung độc hại như vậy tồn tại mà không bị ai kiểm duyệt?

Búp bê Kumanthong Thái Lan được xem là một hiện tượng không lành mạnh nổi lên gần đây mang màu sắc mê tín và ám thị như một thứ huyền thuật đồn đoán, sao lại mang ra "dạy dỗ" cho trẻ em?

Mặc dù sau đó, Thơ Nguyễn đã thanh minh đó là 1 clip cắt làm đôi và có nói rõ để không bị hiểu lầm, song cũng không xóa nổi thành kiến của người xem với clip này. Thậm chí, nhiều cư dân mạng còn chỉ ra con búp bê được Thơ Nguyễn sử dụng mang 2 chiếc nơ khác nhau - bằng chứng không cùng 1 clip và thông điệp lấp lửng mà chủ nhân Vlog này đưa ra gây tác hại không nhỏ lên trí não non nớt của trẻ con. 

Thực sự, không chỉ riêng clip "bẩn" này, nhiều clip nội dung phản cảm khác cũng từng được Thơ Nguyễn tung ra khiến phụ huynh phản ứng dữ dội. Nhưng bất chấp, các YouTuber như cô vẫn phải lao vào làm clip để kiếm tiền từ lượng view "khủng" và từ nhà quảng cáo đứng sau. Dĩ nhiên, sau vụ này, Thơ Nguyễn bị tẩy chay, hãng sữa cũng bị ảnh hưởng vì chọn không đúng người, nhưng nỗi đau lớn nhất từ vụ việc này chính là những nạn nhân nhỏ tuổi bị nghiện xem YouTube sẽ được điều trị ra sao và chính ba mẹ của các em phải dằn tiền túi ra trả cho chính những kẻ "đầu độc" tinh thần của con mình.

Từ vụ YouTuber Thơ Nguyễn: Ném đá, tẩy chay hay còn gì nữa? - 1
Hình ảnh Thơ Nguyễn và búp bê Kumanthong cắt từ clip "xin vía học giỏi".  

 Nhiều lần thực hiện các clip phản cảm, nhưng cho đến nay, Thơ Nguyễn không có một lời xin lỗi chính thức nào với các khán giả nhí và với cộng đồng mạng. Thậm chí, khi nghe tin Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục A03 Bộ Công an yêu cầu Tik Tok và YouTube gỡ nội dung vi phạm ngày 11/3, YouTuber này có động thái thông báo mình nhập viện vì bị ốm. Liệu cô định né tránh đến bao giờ?

Nhiều người cho rằng, ngoài việc hứng chịu cơn giận dữ, phẫn nộ của cư dân mạng, Thơ Nguyễn còn sẽ bị xử phạt. Nhưng thử hỏi, mức phạt giả sử đưa ra đi chăng nữa, có ăn thua gì với món lợi nhuận kếch xù mà các YouTuber, Vlogger thu được? Phạt mà không cấm thì các Vlogger "bẩn" còn tái diễn hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục của cộng đồng? Và tội lớn nhất chính là đầu độc trí não trẻ em, làm sao có thể "gột rửa" tinh thần của những đứa trẻ vị thành niên trong một thời gian dài mà không kéo theo những tổn hại không lường trước được?

Trong một xã hội mà điện thoại di động trở thành "thứ cầm trên tay" thường xuyên của nhiều trẻ nhỏ và học sinh, thử hỏi, mức độ bị "đầu độc" bởi các video clip bẩn kinh hoàng thế nào, mà ngay chính cha mẹ cũng không thể kiểm soát được?

Rất nhiều kẻ chỉ thấy lợi trước mắt, mà làm đủ thứ nội dung câu view rẻ tiền, để kiếm tiền từ chính nạn nhân của họ. Từ chuyện bày dại cho trẻ thả cả bó dao xuống nhà cao tầng, uống sữa tắm, thả rắn vào ngủ cùng, thử thách làm động vật trong 24h, ngủ ngoài đường, ngủ trong quan tài, tự làm mù mắt bằng đèn học… đến việc kích động bạo lực và tự tử. Theo đó, 1 chủ nhân YouTube gần 200 ngàn lượt đăng ký sẽ có thu nhập từ 2-8 nghìn USD tùy theo lượt người xem quảng cáo. Mỗi video có lượt người xem 10 triệu thì nhà sản xuất kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Nhiều nhà tâm lý cho rằng, để bảo vệ trẻ thơ khỏi các kênh độc hại, nhà trường và cha mẹ cần khuyến cáo các bé không vào những trang web không lành mạnh, kiểm soát và chia sẻ nội dung xem với con em mình. Bên cạnh đó, cần hướng các em xem những kênh giải trí tích cực.

Thế nhưng, về phía quản lý, không phải cứ xóa, gỡ khỏi trang, kênh cá nhân khi người dùng vi phạm là xong, mà cần có sự kết hợp rà soát lại những nội dung trên mạng. Không phải khi cấm thì cấm tiệt, khi mở thì lại thoáng quá đà, tạo nên tình cảnh bi đát cho phụ huynh, học sinh hiện nay - bị cuốn vào lưới mạng với những kẻ đầu độc tinh thần mà không biết giúp con mình thoát ra bằng cách nào để cứu lấy thế giới trong sáng của trẻ thơ!

Thế nên tẩy chay vẫn chưa đủ, còn phải tẩy tư duy nhận thức, quản lý và việc coi nhẹ cách thức bảo vệ trẻ em hôm nay. Vẫn còn chưa muộn để xây những chương trình lành mạnh và quản lý chặt nội dung trên mạng cùng các kênh giải trí.