“Tư duy nhiệm kỳ là tranh thủ bổ nhiệm người nhà vào vị trí có nhiều lợi ích”
PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đã nói như vậy tại buổi Tọa đàm trực tuyến về chủ đề “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Những việc cần làm ngay” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức sáng 5.4.
Theo TS. Trần Doãn Tiến - Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, nội dung buổi tọa đàm tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản về thực trạng và các giải pháp chủ yếu để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thảo luận về biểu hiện "nói không đi đôi với làm; nói một đằng, làm một nẻo; vướng vào tư duy nhiệm kỳ", PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nhấn mạnh: Nói không đi đôi với làm; nói một đằng làm một nẻo, tư duy nhiệm kỳ là 2 trong 9 biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị. Mức độ biểu hiện của 2 biểu hiện này theo tôi ở một bộ phận không nhỏ. Ở đây, tôi muốn làm cho rõ biểu hiện hiện nay như đánh giá của Trung ương 4 là nằm trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước”.
Căn cứ vào nhận diện của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, tư duy nhiệm kỳ là chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn, trước mắt có lợi cho mình, tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ quản lý, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích. Nói cách khác, tư duy nhiệm kỳ là khi người cán bộ chỉ thấy nhiệm kỳ của mình là cơ hội để tranh thủ làm gì có lợi cho cá nhân, cho gia đình, con cái mà cái đó không phù hợp và có hại cho lợi ích chung.
“Tư duy nhiệm kỳ là tranh thủ nhiệm kỳ của mình để lo cho các sân sau của mình những dự án, công trình… giành siêu lợi nhuận bất chấp thiệt hại rất nặng nề của nhà nước và nhân dân. Tư duy nhiệm kỳ tranh thủ “bán chức” cho những người “mua quan” để lấy tiền làm giàu bất chính” – ông Quát nói.
Ông Quát cũng cho rằng, căn cứ vào các vụ đại án, các dự án lãng phí, thất thoát hàng ngàn tỉ; các cơ quan bổ nhiệm đề bạt quá nhiều cấp phó, hoặc trong thời gian ngắn đưa từ nhân viên lên phó giám đốc, từ lái xe lên viện phó, chủ tịch hội đồng khoa học. Việc mà báo chí thời gian qua đã thông tin, cả cấp trung ương và cấp tỉnh, sẽ thấy rất rõ 2 biểu hiện suy thoái này diễn ra chủ yếu ở 2 khâu: Cấp dự án và bổ nhiệm cán bộ, rất nhiều cấp phó.
Theo ông Quát, biểu hiện này gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan. Đó là người có trách nhiệm và quyền quyết định đối với 2 khâu này.
Ngoài ra, ông Quát cũng nêu ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, Nghị quyết Trung ương 4 chỉ rõ nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Theo ông Quát, chủ nghĩa cá nhân và “lợi ích nhóm” là nguyên nhân chủ quan, Nghị quyết Trung ương 4 chỉ rõ một nguyên nhân do bản thân cán bộ đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện nên lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang dao động trước những tác động từ bên ngoài và sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, và bảy nguyên nhân do các yếu kém sai lầm của tổ chức.
Cụ thể như, trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; Một số Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nội dung chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi và thiếu chế tài xử lý; Những yếu kém, bất cập trong ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật; Những khuyết điểm trong bố trí, sử dụng cán bộ; Việc thực hiện kỷ luật Đảng còn nhiều hạn chế; Thiếu chủ động và đồng bộ trong định hướng thông tin và quản lý thông tin còn lỏng lẻo; Chưa phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Do đó, chủ nghĩa cá nhân và lợi ích nhóm là một trong những nguyên nhân chủ quan trực tiếp dẫn đến sự suy thoái.
Xuân Hải(Theo báo Lao động)