Tránh "dê gà đi lạc đường" bằng tăng cường công khai, giám sát
(Dân trí) - Ăn của dân, dù chỉ một đồng, là nỗi nhục suốt đời của người làm cán bộ, bởi đây là tiền hỗ trợ dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn nhất trong đại dịch Covid -19.
Trong buổi họp với các cơ quan của Bộ LĐ - TBXH triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nghiêm khắc nhắc nhở: Nếu "đụng" đến dù chỉ 1 đồng thôi sẽ là nỗi nhục suốt đời của các đồng chí cán bộ...
Tuy không trực tiếp triển khai, nhưng nhưng về tổng thể quy mô trên cả nước, Bộ Lao động – TBXH là cơ quan chủ trì triển khai. Do đó, nội dung mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, nêu ở trên là rất cần thiết và có tính chất cảnh báo với những cán bộ có ý định xà xẻo vào những khoản tiền ít ỏi dành cho những hoàn cảnh khó khăn.
Chắc chắn, không phải tự nhiên Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh câu nói trên khi bắt đầu triển khai gói hỗ trợ 62 tỉ đồng của Chính phủ . Bởi cũng như ông, dư luận không thể quên những cán bộ “ăn không từ thứ gì” kể cả đó đang là khoản cứu trợ có tính chất khẩn cấp như lũ lụt, hoặc cho những hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Nhắc lại tuy không vui vẻ gì, nhưng người viết cũng không thể không nhắc. Điển hình, các hộ nghèo của huyện Thạch Thành, Thanh Hóa được thị xã Bỉm Sơn hỗ trợ 24 con dê, thì đến một nửa trong số đó “đi lạc” vào trang trại của ông Đỗ Minh Quý - Bí thư Huyện ủy Thạch Thành! Rồi gà “đi lạc” vào nhà trưởng thôn. Thậm chí, người dân trong bão lũ trông chờ từng gói mì tôm để chống đói, vậy mà vẫn có những kẻ đang tâm ăn chặn. Những cán bộ biến chất này, phải nói thẳng họ đã biến thành những kẻ táng tận lương tâm.
Lên tiếng tại phiên họp với Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 11.9.2013, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan đau xót chia sẻ: “Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ, vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vacxin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội… Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”
Vâng, câu “ăn không từ thứ gì ” của Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan ngày đó, tôi muốn nhấn mạnh, phát ngôn đó là của Phó Chủ tịch Nước chứ không phải nguyên Phó Chủ tịch Nước, đã trở thành một câu cửa miệng được nhắc đến nhiều trên báo chí, mạng xã hội và ở khắp mọi nơi.
Và chúng ta đều hiểu, vì sao câu “ăn không từ thứ gì” nó trở nên phổ biến đến như vậy. Tương tự, câu chất vấn Chính phủ (kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII) của Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH- XH Nguyễn Như Tiến: “Làm gì để hạn chế những cán bộ tranh thủ vơ vét tài sản nhà nước, bổ nhiệm cán bộ với mục đích tư lợi trên “chuyến tàu vét” trong thời gian “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Thậm chí, ngay lúc đại dịch Covid19 diễn ra gay cấn, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) ở Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng đồng bọn đã tâng giá gần 3 lần để kiếm chác. Nhưng chưa vụ án nào diễn biến nhanh đến vậy. Chỉ sau khoảng chục ngày “thăm hỏi”, cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can.
Vậy nhưng hóa ra vụ án đó như khúc dạo đầu. Các CDC, sở Y tế, sở Tài chính ở nhiều tỉnh thành phố khác bắt đầu tự lộ diện. Họ bắt đầu thỏa thuận với các đối tác bán hàng để giảm giá. Thậm chí kể cả giảm giá sâu, Giám đốc sở y tế Quảng Nam vẫn cương quyết trả lại máy và những giọt nước mắt đã rơi.
Điều đó cho thấy bất kể thời điểm nào, tình hình nguy cấp ra sao, kể cả những lúc xã hội gặp nhiều khó khăn nhất, những đối tượng biến chất sẵn sàng lao vào ăn chặn, ăn bớt, kể cả những món quà nhỏ nhoi dành cho những người nghèo, những người đang đói rét bởi lũ lụt, kể cả lúc cả nước đang gồng mình chống đại dịch.
Do đó, việc Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, “nếu "đụng" đến dù chỉ 1 đồng thôi sẽ là nỗi nhục suốt đời của các đồng chí cán bộ...” không chỉ là lời nhắc nhở trong Bộ LĐ TBXH mà mỗi cán bộ ở bất cứ lĩnh vực nào cần lấy đó để tự răn mình.
Vương Hà