Trang bị sức đề kháng đủ mạnh trên môi trường Internet
Ở một số quốc gia, học sinh phải đủ 13 tuổi mới được dùng mạng xã hội. Tuy nhiên, ở Việt Nam, có em mới lớp 3, lớp 4 đã "sở hữu ít nhất 1 tài khoản" để cập nhật tin tức, nhắn tin...
Sức mạnh mềm khủng khiếp của mạng xã hội
Internet vào Việt Nam từ năm 1997, Facebook thực sự sôi động khoảng từ giữa năm 2012 đến nay. Theo báo cáo Digital 2020 của We are social, số lượng thuê bao di động tại Việt Nam là 145,8 triệu, số lượng người dùng Internet là 68,17 triệu, và số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu.
Theo Vietnam Digital Advertising 2019 do Adsota phát hành, trung bình mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 tiếng 42 phút trong ngày để truy cập Internet trên tất cả các thiết bị, trong đó khoảng 2 tiếng 33 phút để "thỏa chí sống" với mạng xã hội, cao hơn mức trung bình của thế giới là 2 tiếng 16 phút. Việt Nam cũng là một trong 15 quốc gia có số người dùng điện thoại thông minh (smartphone) cao nhất thế giới với 43,7 triệu người dùng.
Mạng xã hội từng giây, từng phút đều được bổ sung rất nhiều thông tin, tốt xấu, thật giả đủ cả. Có thể khẳng định, tuy môi trường là không gian ảo nhưng ảnh hưởng "rất thật" và hệ quả "rất chất" tới người dùng.
Một thực tế hiện nay là rất nhiều trẻ em ở Việt Nam dù chưa được bố mẹ trang bị điện thoại di động, nhưng đã lén dùng mạng xã hội như Facebook, Zalo… trên máy tính để bàn, máy tính xách tay… thông qua nhóm "chat" kín với phương thức nhắn tin "teencode" (mật mã tuổi học trò) để lỡ có bị phát hiện cũng không lộ, lọt thông tin. Các em có thể chia sẻ mọi thông tin cá nhân lên mạng xã hội, nhưng lại không thể tâm sự với cha mẹ. Giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất cho mọi vấn đề là lên mạng tìm hiểu, nhắn tin hỏi bạn bè và lắm khi mù quáng tin tưởng những lời khuyên mà thiếu đi sự phân tích.
Lời khuyên từ "bạn mạng xã hội" nhiều và đa dạng, nhưng chủ yếu là hùa vào và tâm lý đám đông. Ai không tỉnh táo thì rất dễ bị cuốn vào và đẩy sự việc đi xa, khó kiểm soát. Lúc ấy, dù có muốn tìm lời khuyên của người lớn cũng không dễ vì áp lực đám đông gần như không thể chống lại.
Thực tế thời gian qua, hàng loạt vụ học sinh đánh nhau từ mâu thuẫn trên Facebook cho thấy các em đang sử dụng mạng xã hội theo chiều hướng tiêu cực, đáng báo động. Thậm chí, các hình ảnh, clip bạo lực này còn được người tham gia ghi lại, đưa lên Facebook, và hồi hộp đếm lượt xem, lượt like, lượt chia sẻ...
Giữa bộn bề cuộc sống hiện nay, nhiều phụ huynh than trời khi thấy đứa con "luôn luôn bé bỏng" của mình nghiện mạng xã hội. Họ tìm mọi cách ngăn cản, kiểm soát bằng cách tịch thu điện thoại, không lắp thiết bị Internet ở nhà với mong muốn kéo con họ trở lại gần gũi và chia sẻ nhiều hơn, nhưng..
Cấm cũng khó mà buông thì không thể...
Theo một nghiên cứu của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, có mối tương quan chặt chẽ giữa thời gian sử dụng mạng với hành vi phạm tội và đạo đức của thanh, thiếu niên. Hơn 70% số này dùng mạng để chơi game trung bình 4 - 5 tiếng/ngày có hành vi phạm tội cao hơn hẳn so với người sử dụng thấp hơn.
Cụ thể, nếu sử dụng game online nhiều thì mô hình, hành vi đó nhiễm vào trong nhận thức của mỗi em. Nhiều hành vi ở ngoài cuộc sống là vô đạo đức, không lành mạnh thì ở trên mạng lại được cổ vũ. Trẻ em dễ nhầm lẫn hành vi trong game với hành vi trong thực tế, ví dụ như việc chém giết hay tước đoạt lợi ích của người khác trên game lại được coi là hành vi anh hùng. Điều này lý giải vì sao nhiều tội phạm vị thành niên khi bị bắt đều khai rằng hành vi đó học qua mạng, phim ảnh, hay chơi game.
Câu chuyện đặt ra là hiệu quả của công tác truyền thông, định hướng các em sử dụng mạng xã hội đúng pháp luật và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam thời gian qua ra sao, cần phải điều chỉnh thế nào?
Thiết nghĩ, về phương diện quản lý nhà nước, cần có những giải pháp cụ thể, quy định đối với nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp kênh thông tin về bảo vệ trẻ em trên mạng. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng cần phối hợp bằng cách đưa ra biện pháp thắt chặt quản lý độ tuổi người sử dụng, cũng như ngăn chặn trẻ em tiếp cận nội dung không lành mạnh. Đẩy mạnh công tác truyền thông về vấn đề này với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương.
Đặc biệt, môi trường gia đình có vai trò hết sức quan trọng. Nếu phụ huynh thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con em mình, bên cạnh việc cho con sử dụng các thiết bị công nghệ luôn có ý thức giúp các em chuẩn bị về kiến thức và tâm lý có chính kiến, biết đề phòng với các nội dung xấu và độc hại trên internet. Đồng thời, cha mẹ cần phối hợp với nhà trường để thường xuyên lắng nghe những vấn đề trẻ em gặp phải khi sử dụng internet, qua đó cùng đưa ra những giải pháp tốt nhất.
Đối với trường, các thầy, cô giáo cần hướng dẫn, nhắc nhở các em sử dụng mạng xã hội một cách an toàn. Khi phát hiện mâu thuẫn cá nhân giữa các em trên mạng, cần gặp gỡ từng học sinh để tư vấn, giải thích thấu tình đạt lý, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi, đồng thời tạo thêm nhiều không gian vui chơi, sinh hoạt tập thể trong nhà trường, hướng các em vào những hoạt động giải trí lành mạnh.
Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu sử dụng mạng xã hội là tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa, do đó, bản thân thầy cô giáo, phụ huynh cần luôn đồng hành với học sinh và con em mình, từ đó, giúp các em có nhận thức đúng đắn, hành động tích cực khi kiểm soát và sử dụng thật hiệu quả sức mạnh của mạng xã hội trong học tập cũng như cuộc sống.
Mong rằng, thế hệ trẻ, tương lai của đất nước sẽ ngày càng bản lĩnh, vững vàng trên mảnh đất "mạng xã hội"./.