Phong tục Tết truyền thống

Tống cựu nghênh tân

(Dân trí) - Tết là ngày tiêu biểu cho truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Chúng ta nên phát huy thuần phong mỹ tục đó, từ gia đình ra xã hội, ai ai cũng đối xử với nhau trên thuận dưới hoà, kính già yêu trẻ… thì đất nước quê hương sẽ tươi đẹp, giàu mạnh

Tống cựu nghênh tân - 1



Để đón mừng năm mới, nhân dân ta có phong tục vào ngày cuối năm làm vệ sinh trong nhà ngoài ngõ sao cho thật gọn gàng, sạch sẽ; cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, đình chùa, quét dọn đường sá cho phong quang. Công việc được coi trọng là trang trí bàn thờ, nhất là chăm lo cho mâm ngũ quả sao có đủ các thứ quả tiêu biểu và bầy sao cho đẹp. Rồi lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ đồ dùng vật dụng trong nhà. Cuối cùng là lo việc mua sắm quần áo mới cho mọi người trong gia đình,  ưu tiên nhất là trẻ em; rồi lo cắt tóc và tắm giặt cho thật sạch sẽ, tinh tươm để đón chào năm mới.

Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi không nghịch ngợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy, không vứt rác hoặc viết vẽ bừa bãi lên tường nhà. Cha mẹ, anh chị cũng không quở phạt con em; gặp ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở, dù không quen biết .
Đối với bà con xóm giềng nếu trong năm cũ có điều gì bất hòa, lời nặng tiếng nhẹ thì đến năm mới đều bỏ qua hết.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đếnDiễn đàn Dân tríqua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Không ai để bụng hay nói khích bác, bóng gió gì nhau trong những ngày đầu năm. Dù vừa gặp nhau trước đó, nhưng từ phút giao thừa mà gặp lại thì coi như mới gặp, người ta đều hồ hởi chúc nhau những điều tốt lành.

Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi

Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khỏe và thành đạt hơn năm cũ. Với cầu mong phúc lộc đến với nhà mình, người ta đi hai lộc (chỉ là một cành non ở đình chùa, ở chốn tôn nghiêm mang về nhà), tự mình về xông đất nhà vào giờ giao thừa..

Sau này nhiều người lạm dụng phung tục hái lộc, bẻ trụi những cây xanh trong công viên hoặc cây trồng ven đường. Chỉ qua đêm giao thừa, nhiều cây xanh xác xơ. Hành động đó thật phản văn hóa. Những năm gần đây, dân ta không còn hành động như vậy và thường mua cây mía dựng bên bàn thờ, tượng trưng cho “lộc xuân”.

Tống cựu nghênh tân - 2

Ảnh minh họa (internet)

Sáng ngày mùng 1 Tết, đối với người kỹ tính, thường nhờ trước một người được coi là "Nhẹ vía" và hợp năm tuổi đến xông nhà hộ. Ai có vinh dự được người khác mời đến xông nhà thì nên chú ý giữ lời hứa, chớ có sai hẹn sẽ xúi quẩy cả năm đối với gia đình người ta và cả đối với mình. Ở thành thị thời trước, sáng mồng một, có một số người nghèo gánh một gánh nước đến các gia đình giầu có lân cận và chúc họ "Lộc phước dồi dào". Những người này được thưởng tiền rất hậu. Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng phải dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, nhất là ngày mùng 1, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay đổ tại mình "Nặng vía". Chính vì vậy, đáng lẽ sáng mồng 1 đông vui lại hoá ra ít khách, trừ những nhà đã tự xông nhà, vì tục xông nhà chỉ tính người đầu tiên đến nhà, từ người thứ hai trở đi không tính.

Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà cha mẹ cùng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc có ca có kệ hẳn hoi nhưng xem người ta thích nhất điều gì thì chúc điều đó, chúc sức khoẻ là phổ biến nhất. Chú ý tránh phạm tên huý gia tiên, tránh nhắc tới lỗi lầm sai phạm cũ, xưng hô hợp với lứa tuổi và quan hệ thân thuộc. Chúc Tết những người trong năm cũ gặp rủi ro tai hoạ thì động viên nhau "Của đi thay người", "Tai qua nạn khỏi", nghĩa là ngay trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành.

Quanh năm làm ăn vất vả, ít có điều kiện qua lại thăm hỏi nhau, nhân ngày Tết đến chúc mừng nhau, mời nhau điếu thuốc miếng trầu, hoặc chén trà, ly rượu, để bầy tỏ tình cảm chân thành.

Quà Tết, lễ Tết cũng là phong tục có từ xưa, chủ yếu để biểu lộ mối ân tình. Loại trừ động cơ hối lộ quan trên để cầu danh cầu lợi thì việc biếu quà Tết, tỏ bày ân nghĩa, tình cảm là điều đáng quý. Học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ… Quà biếu ngày Tết cốt ở sự thành tâm chứ không đánh giá theo giá trị đồng tiền. Dân tộc ta tuy nghèo nhưng luôn đặt nghĩa tình lên trên hết: "Lời chào cao hơn mâm cỗ".

Cũng vào dịp đầu xuân, người có chức tước khai ẩn, học trò sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở hàng lấy ngày: Sĩ, Nông, Công, Thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội mới, làm ăn suôn sẻ, đầu xuân chọn ngày tốt đẹp, bắt tay lao động sớm, tránh tình trạng cờ bạc, rượu chè, hội hè đình đám, vui chơi quá đà.

Sau ngày mồng một, dù có mãi vui tết, hoặc còn kế hoạch du xuân, đón khách, cũng chọn ngày "Khai nghề", "Làm lấy ngày". Nếu như mồng một là ngày tốt thì chiều mồng một đã bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ hoàng đạo bắt đầu không kể mồng một là ngày tốt hay xấu. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình mình một sản phẩm, dụng vụ gì đó (nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn). Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân.

Đấy là những phong tục tốt đẹp của dân tộc mà ngày nay chúng ta nên duy trì và phát huy.

(Sưu tầm từ nguồn Internet)


Tóm lại, ngày Tết là ngày tiêu biểu cho truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Chúng ta nên phát huy thuần phong mỹ tục đó, từ gia đình ra xã hội, ai ai cũng đối xử với nhau trên thuận dưới hoà, kính già yêu trẻ… thì đất nước quê hương sẽ tươi đẹp, giàu mạnh, bộ máy pháp luật bớt đi bao nhiêu khó khăn.

LTS Dân trí - Những phong tục trong Ngày Tết thể hiện rõ truyền thống văn hóa cội nguồn của dân tộc Việt Nam ta. Bài viết trên đây mới là những nét chung nhất chứ chưa thể hiện đầy đủ phong tục Tết ở các vùng miền khác nhau cũng như của nhiều dân tộc anh em cùng nhau sinh tồn và phát triển trên đất nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta.

Kế thừa và phát huy đầy đủ những nét đẹp của phong tục Tết truyền thống chính là góp phần thiết thực vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta.