"Tim đập chân run" mỗi lần giơ tay xin sang đường...

Hải Đăng

(Dân trí) - Đường Nguyễn Trãi hiện giờ rất khang trang, nhưng lại tồn tại một nghịch cảnh khiến cho nhiều người dân, học sinh, sinh viên "ngao ngán" vì có ít cầu vượt sang đường dành cho người đi bộ.

Trục đường Trần Phú - Nguyễn Trãi (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) dài khoảng 5 km, bắt đầu từ Ngã Tư Sở chạy xuống quận Hà Đông. Dọc hai bên đường cư dân đông đúc, thêm vào đó có nhiều trường đại học, trung học phổ thông.

Đây là một trong những tuyến đường khang trang, hiện đại của thủ đô Hà Nội do mới được nâng cấp, sửa chữa để phục vụ hạ tầng của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên, hiện tại trên tuyến đường này đang tồn tại một nghịch cảnh khiến cho nhiều người dân, học sinh, sinh viên "ngao ngán" đó là có ít cầu vượt sang đường dành cho người đi bộ.

Tim đập chân run mỗi lần giơ tay xin sang đường... - 1

Đường Trần Phú - Nguyễn Trãi là một trong những tuyến đường khang trang, sạch sẽ, hiện đại của Hà Nội.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, dọc tuyến đường này chỉ có 3 cầu vượt dành cho người đi bộ sang đường. Cầu vượt thứ nhất nằm ở địa chỉ 100 Nguyễn Trãi, cầu vượt thứ 2 nằm ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cầu vượt thứ 3 nằm ở gần hầm chui Thanh Xuân.

Điều này khiến cho học sinh, sinh viên, người dân luôn cảm thấy bất an, phải liều mình mỗi khi sang đường  và cho rằng với mật độ dân số, trường học, công sở nhiều như vậy mà chỉ có 3 cầu vượt sang đường là quá ít. Trong khi đó mật độ phương tiện giao thông qua lại luôn đông đúc. Nếu sang đường vào giờ cao điểm thì thật sự khó khăn, nhất là đối với người già, trẻ nhỏ.

Tim đập chân run mỗi lần giơ tay xin sang đường... - 2

Nhiều vụ tai nạn giao thông tại đoạn đường này đã xảy ra mà nguyên nhân là do người đi bộ băng sang đường.

Tim đập chân run mỗi lần giơ tay xin sang đường... - 3

Có 3 cây cầu vượt được cho người đi bộ sang đường và theo ý kiến của người dân thì nó phân bố không hợp lý.

Một sinh viên trường Đại học Hà Nội thẳng thắn bày tỏ: "Nhà em ở dưới Hà Đông, có việc lên trường em toàn đi xe bus. Vào giờ cao điểm để đi bộ từ điểm đỗ xe bus sang đường bên kia để vào trường là cả một vấn đề, phương tiện giao thông kín mít, không có đường cho người đi bộ, giá mà có cầu vượt sang đường ở điểm trường Đại học Hà Nội thì tốt biết bao. Bản thân em không ít lần chứng kiến cảnh nhiều bạn sinh viên sang đường bị va chạm với xe máy".

"Nhiều lúc chúng em muốn tham gia giao thông an toàn lắm chứ, nhưng khổ nỗi hết giờ học, người mệt nhoài, oải, đói. Nếu muốn đi sang đường bên kia để bắt xe bus về nhà thì phải đi bộ vài trăm mét mới có. Thôi đành chấp nhận giơ tay xin đường để sang cho nhanh, đỡ mệt mỏi. Lần nào sang được đường bọn em đều thở phào nhẹ nhõm", một sinh viên khác kể.

Tim đập chân run mỗi lần giơ tay xin sang đường... - 4

Việc sang đường luôn là cả một vấn đề đối với những người dân sinh sống ở hai bên đường nhưng lại cách xa cầu vượt.

Tim đập chân run mỗi lần giơ tay xin sang đường... - 5

Để có thể sang đường nhiều người phải loay hoay mất nhiều thời gian để tìm khoảng trống.

"Nhà tôi bên này đường, chiều đến muốn đi bộ sang khuôn viên khu đô thị đối diện đi bộ, tập thể dục cũng rất khó khăn. Giờ cao điểm tôi không dám sang đường, toàn phải đi bộ mấy trăm mét mới đến được cầu vượt, lúc về lại làm một vòng như thế để đảm bảo an toàn. Bây giờ già cả rồi không may va chạm với người tham gia giao thông thì chỉ khổ mình, khổ con cháu, lại khổ oan người  không may đâm trúng mình", một cụ ông sống ở đường Nguyễn Trãi cho biết.

Theo ghi nhận thực tế tại tuyến đường này trong khung giờ cao điểm, nhu cầu đi lại sang đường của người dân rất lớn, đa phần là các em học sinh, sinh viên, công chức... Nhiều người loay hoay tìm khoảng trống từ các phương tiện lưu thông  nhưng mãi không có, đành giơ tay liều mạng sang đường.

Tim đập chân run mỗi lần giơ tay xin sang đường... - 6

"Tim đập chân run", mắt thì phải đảo liên tục để tránh va chạm với người đi xe máy, ô tô.

Tim đập chân run mỗi lần giơ tay xin sang đường... - 7

Các bạn sinh viên sang đường bằng cách chạy thật nhanh khi thấy khoảng trống trước mặt.

Dọc tuyến đường này có một số nhà ga của đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới được xây dựng và đều có cầu dẫn lên xuống ga. Tuy nhiên khi tuyến đường sắt đô thị này đi vào hoạt động thì người đi bộ muốn sang đường cũng không thể sử dụng cầu lên xuống của nhà ga. Trong thời gian tới khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành, khai thác thương mại thì số lượng người dân có nhu cầu sang đường đi lại sẽ còn tăng lên.

Vào cuối tháng 10/2020, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng Công trình: Xây dựng cầu vượt cho người đi bộ bằng kết cấu thép qua đường Nguyễn Trãi (đoạn giao cắt ngã ba đường Triều Khúc, quận Thanh Xuân).

Việc này nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người đi bộ qua đường Nguyễn Trãi góp phần giảm xung đột, ùn tắc giao thông và hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực; thời gian thực hiện: 2020-2021. Tuy nhiên, đến nay chưa có cây cầu vượt cho người đi bộ sang đường nào được xây mới trên tuyến đường này. 

Tim đập chân run mỗi lần giơ tay xin sang đường... - 8

Để có thể đi cầu vượt sang đường, mọi người phải đi một quãng đường rất xa.

Tim đập chân run mỗi lần giơ tay xin sang đường... - 9

Người dân mong muốn có thêm những cây cầu vượt  trên tuyến đường này, hoặc được bố trí hợp lí hơn để họ an tâm môi khi sang đường.

Theo các bạn, những người đang sinh sống dọc hai bên đường Nguyễn Trãi, người hàng ngày phải lưu thông trên tuyến đường này thì có cần xây thêm cầu vượt để phục vụ cho người đi bộ không?

Ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào? Hãy gửi vào khung bình luận bên dưới nhé!