Thực trạng phim trường: Còn ăn đong, thuê mướn bối cảnh
Trên màn ảnh phim Việt hôm nay chất lượng nhiều bộ phim được sản xuất đã được cải thiện rõ rệt nhờ những thiết bị công nghệ hiện đại; nhờ nguồn lực sáng tác trẻ với những đề tài, nội dung phong phú và hiệu quả có được từ việc liên kết hợp tác với nước ngoài. Tuy nhiên, yếu tố bản sắc truyền thống Việt Nam chưa thật sự nổi bật khi bối cảnh quay phim còn thiếu bản sắc riêng, chưa làm gia tăng các giá trị văn hóa Việt Nam.
Điện ảnh chuyên nghiệp là phải có hệ thống phim trường
Hệ thống các bối cảnh quay phim (nội/ngoại cảnh) bao gồm: khung cảnh sẵn có trong thiên nhiên hoặc được cải tạo, thay đổi thêm, bớt theo yêu cầu tạo hình; hoặc là những cảnh giả được dàn dựng có hiệu quả thị giác giống như thật ngoài đời nhằm làm giảm giá thành và gia tăng giá trị thẩm mỹ. Các nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Iran… đều có hệ thống phim trường hiện đại như vậy. Còn ở Việt Nam hiện nay, trừ những khu vực cấm, việc tận dụng triệt để ngoài cảnh thiên nhiên và thuê mướn nhà có sẵn làm bối cảnh nội đã biến cả nước thành một phim trường rộng lớn. Bao nhiêu góc phố, ngõ, hẻm, bao nhiêu căn nhà, vườn cây, biệt thự… mà cư dân đang sinh sống, đều lọt vào tầm ngắm thực dụng của người làm phim. Việc chạy ngược, chạy xuôi, thỏa thuận thuê, mướn, xin được tận dụng hoặc thay đổi, thêm bớt những gì đang có sẵn thành bối quay, chẳng khác gì việc “ăn đong” và việc thuê mướn bối cảnh còn phải chịu khá nhiều rủi ro nếu như một khi chủ nhà đổi ý, xua đuổi khi phim mới quay được dở chừng.
Thực ra ngay từ thời bao cấp quá khứ, nhà nước ta đã quan tâm đầu tư cho điện ảnh Việt Nam với nhiều phim trường đã được xây dựng và đưa vào sử dụng tại 4 Thụy Khuê và Cổ Loa (Hà Nội), tại Hãng phim Giải phóng và Hãng Phim Nguyễn Đình Chiểu (TP. Hồ Chí Minh)... Từ thập niên 70 thế kỷ trước, bối cảnh các phim: Vùng Trời, Chị Nhàn, Trần Quốc Toản ra quân, Thanh Gươm cô Đô Đốc, Bức tường không xây, Cô gái và anh lái xe, Trường Sơn yên tĩnh… đã được dàn dựng khá quy mô tại trường quay Xưởng phim truyện Việt Nam. Đến những thập niên 90, bối cảnh “giả” góc phố Hà Nội đổ nát của phim Chiếc chìa khóa vàng cũng đã từng được dựng “như thật” tại phim trường Hãng Phim Giải Phóng và sau này các bối cảnh cho phim lịch sử nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tại phim trường Cổ Loa… Song, tiếc là do bối cảnh dàn dựng, khai thác không thường xuyên, quay xong đều dỡ bỏ lãng phí vì không phải là những vật liệu bền chắc để có thể sử dụng nhiều lần.
Trong quá khứ, vì không đủ kinh phí để xây dựng cung Vua phủ Chúa nguy nga tráng lệ, nên NSND họa sĩ Đào Đức cùng đoàn làm phim Đêm Hội Long Trì đã phải dựa vào cảnh thật của Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Lăng Minh Mạng, Tự Đức (cố đô Huế) để làm nên một phủ Chúa hoành tráng với cổng phủ, vòng thành, lầu các lô nhô soi bóng nước xuống ao Vua (Long Trì). Cải tạo ngoại cảnh từ thiên nhiên đã khó, nhưng tái hiện nội cảnh cho phim truyện lịch sử mà không có trường quay là một tổn thất lớn về mặt sáng tạo. Biết không thay đổi được những di tích kiến trúc cố định, người làm phim đã biến đổi hoàn toàn về phương pháp dựng cảnh, dùng nghệ thuật trang trí thay cho kiến trúc, dùng nghệ thuật sắp đặt (installation) che dấu cái không còn để tạo nên không gian thuần Việt - “phi Ấn, phi Hoa”. Cùng với mong muốn tạo nên bản sắc Việt, khi làm phim Long Thành Cầm giả ca NSND đạo diễn Đào Bá Sơn cùng các cộng sự đã phải cố gắng chắt chiu từng không gian nhỏ để tái hiện không khí Bắc Hà xa xưa bằng nghệ thuật dàn dựng bối cảnh, phục chế từng đạo cụ, thiết kế, cắt may trang phục phù hợp màu sắc, chất liệu cho từng nhân vật… để không phải đưa đoàn làm phim ra nước ngoài quay đại cảnh nhằm tránh bị “lai căng.
Vai trò của Nhà nước trong việc tạo dựng không gian Việt qua hệ thống phim trường cấp quốc gia
Đến thăm Phủ Thành Chương, có thể cảm nhận được không gian Việt cổ xưa nhờ sự hài hòa khăng khít giữa kiểu loại kiến trúc và cảnh quan cùng sự bầy biện, sắp đặt, bài trí những đồ đạc truyền thống được chọn lọc chăm chút tỉ mỉ, kỹ lưỡng “đúng điệu” cùng sự bày biện, sắp đặt khá bài bản: các chủng loại đồ gốm, đồ chum, vại, lu chứa nước, lu làm mắm, làm tương, chén, bát đĩa, đũa, thìa, muỗng, rổ, rá, nong, nia, dần, sàng… đã làm thành không gian làng quê Việt chuẩn. Để làm được như thế, ngoài mặt bằng, vốn đầu tư… còn cần cả những kiến thức uyên thâm, sâu nặng về văn hóa thẩm mỹ truyền thống và cao hơn nữa là thái độ ứng xử, trân trọng giá trị di sản.
Song, đây là công trình tư nhân đầu tư, nên dù có cố gắng đến mấy cũng không đủ khả năng mở rộng hơn. Để có một nền điện ảnh Việt Nam thật sự phát triển cần có hệ thống phim trường cấp quốc gia liên hoàn đồng bộ đạt chuẩn đúng nghĩa với hàng loạt những bối cảnh nội / ngoại liên hoàn gắn kết hài hòa với địa hình thiên nhiên. Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo và còn có thể mở rộng xã hội hóa, mời gọi những nhà đầu tư có năng lực trong và ngoài nước cùng bỏ vốn xây dựng và khai thác.
Do đó, tùy vào điều kiện của mình, mỗi địa phương nên dành quỹ đất và vốn cho việc xây dựng phim trường. Và đây chính là nơi bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa, nên luôn cần đến sự tư vấn, phản biện từ các nhà khoa học về lịch sử, văn hóa, xã hội, kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật điện ảnh… nhằm tạo được hợp thể không gian bối cảnh từ cổ đến kim phù hợp với điạ hình thiên nhiên đồng bằng, ao, hồ, núi, đồi, sông, suối… tại mỗi vùng, miền, địa phương. Hình ảnh đặc trưng mỗi thời kỳ không chỉ phục vụ cho các đoàn làm phim mà còn như bảo tàng lưu giữ có hệ thống những giá trị vật thể và phi vật thể xuyên suốt các giai đoạn từ quá khứ đến hiện tại và còn là những điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Theo TS Đỗ Lệnh Hùng Tú
Báo Lao động