Bạn đọc viết:

Thảo luận trong giờ học: Cần xóa bỏ tiếp kiểu "chiếu - chép"

(Dân trí) - Thảo luận là một cách học chủ động, tích cực đang rất được khuyến khích nhằm nâng cao khả năng tiếp thu của sinh viên. Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên chưa thực sự hứng thú với phương pháp này.

“Đọc - chép” thành "chiếu - chép"

 

Mặc dù không thể phủ nhận lợi ích từ biện pháp thảo luận trong lớp, nhưng hầu hết các sinh viên đều không hào hứng với cách học này, lý do chủ yếu chính là tâm lý ngại thay đổi cách học cũ - phương pháp “đọc chép”.

 

Đọc - chép vốn là cách dạy học có thể coi như “truyền thống” của học sinh Việt Nam. Đến lớp học sinh chỉ việc giở vở, chờ giáo viên đọc từng dòng để chép. Thói quen này khiến nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam trở thành những...cái máy chép và các tiết học không phải là “học bài”, mà là “chép bài”. Tâm  lý này đã ăn sâu vào tư tưởng của nhiều học sinh, tạo thành sức ì quá lớn. Do đó, để chuyển từ cách học thụ động sang chủ động là điều khá khó khăn.

 

Mỗi khi giảng viên tổ chức một giờ học thảo luận, thái độ chung của sinh viên là sự chán nản, ngán ngẩm khi không được...chép. Vấn đề của các bạn sinh viên là ở chỗ: các bạn coi việc đọc của giáo viên chính là tóm tắt kiến thức giúp các bạn, và khi các bạn chép là đang tiếp thu bài học.

 

Hiện nay, nhiều trường đại học đã nâng cao cơ sở vật chất, lắp đặt máy chiếu trong lớp học với mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy, nhưng vô tình lại nâng cấp “đọc - chép” thành “chiếu chép”. Với cách học như vậy, dù có chép đầy vở chưa chắc đã hiểu rõ bài giảng. Cứ thế, nhiều sinh viên hiện nay vẫn loanh quanh với cách học thụ động, thiếu sáng tạo.
 
(ảnh minh họa: Nguyễn Hoàng)
(ảnh minh họa: Nguyễn Hoàng)

 

Thay đổi tư duy

 

Muốn thúc đẩy phương pháp thảo luận trong trường đại học, theo tôi, điều cốt yếu cần thay đổi chính là tư duy học tập của sinh viên. Thảo luận trong giờ học bắt đầu từ  hành động giơ tay phát biểu ý kiến. Chính vì vậy, để có những giờ học thảo luận hiệu quả, sinh viên cần chủ động xây dựng bài, mạnh dạn phát biểu ý kiến.  Bên cạnh đó cần một chút thay đổi trong cách học, làm cho giờ học trở nên sôi động và thú vị hơn.

 

Hơn nữa, hiểu rõ vấn đề của bài học là quyền lợi của sinh viên. Giúp sinh viên hiểu bài là trách nhiệm của giảng viên. Do đó việc tích cực thảo luận, phát biểu xây dựng bài cũng giúp cho sinh viên đảm bảo quyền lợi của mình. Nếu sinh viên nhiệt tình bày tỏ ý kiến, xây dựng bài thì sẽ rất dễ dàng trong việc tổ chức một giờ học thảo luận. Bởi khi đó sinh viên đã ý thức được việc phát biểu, tranh luận không phải để đối phó lại thầy cô mà là làm cho mình, nên các bạn sẽ có trách nhiệm hơn khi nêu ra mỗi ý kiến. Bên cạnh đó, giảng viên cũng có thể khích lệ sinh viên phát biểu bằng nhiều cách như: tính điểm phát biểu vào bài thi cuối kỳ, thưởng điểm cho những người tích cực...

 

Đại học là một cấp học quan trọng, ở đó sinh viên không thể chờ thầy cô giáo “cầm tay chỉ việc” mà phải tự tìm cho mình một cách học phù hợp. Ngoài nghiên cứu sách vở, tài liệu thì thảo luận trong lớp là một phương pháp hữu hiệu vì không chỉ giúp sinh viên hiểu bài, mà còn rèn luyện cho các bạn những kỹ năng mềm như: làm việc nhóm, nói trước đám đông... Do vậy, làm quen với phương pháp học này sớm sẽ giúp cho sinh viên nâng cao hiệu quả học tập, từ đó góp phần cải thiện chất lượng giáo dục đại học hiện nay.

 

Lan Anh: planh1401@gmail.com