Tăng cường tự học ở nhà

Giúp học sinh không quên kiến thức và theo kịp được với việc học sau thời gian nghỉ phòng chống dịch nCoV,

Tăng cường tự học ở nhà - 1

 Ảnh minh họa: Chi Ma

Nhằm giúp học sinh không quên kiến thức và theo kịp được với việc học sau thời gian nghỉ phòng chống dịch nCoV, nhiều trường học tại TP.Hồ Chí Minh đã chủ động thiết kế các loại hình công nghệ, xây dựng phương án giảng dạy trực tuyến, tạo môi trường tự học cho học sinh.

Học trên hệ thống tương tác online

Cô Tú, giáo viên Vật lý Trường THCS Trần Quốc Toản, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Trước đó, lớp tôi đã lập nhóm zalo để gửi thông tin về nội dung về tình hình học tập của các con. Qua nhóm, giáo viên đã gửi file hướng dẫn học sinh tự học để chuẩn bị tiết kiểm tra. Ngoài ra, nhà trường còn tạo tài khoản trên trang web. Mỗi học sinh đều có một tài khoản để vào lấy đề bài ôn tập".

Tuy nhiên, cô Tú tâm sự, trong những ngày nghỉ, cô rất vất vả vì khối lượng công việc dồn dập. Phải dựng video bài giảng, phải đọc thắc mắc của học sinh để giải đáp. 

Còn cô Hằng, Hiệu trưởng THCS Trần Quốc Toản, Quận 2 chia sẻ, đây cũng là cơ hội cho các e tự học, tự ôn bài và giúp các em nắm trước kiến thức cần học. Sau khi đi học lại, giáo viên sẽ dành thời gian hướng dẫn thêm cho các em. Việc học này thực chất là giúp các em ôn tập để không quên kiến thức đã tích lũy sau một kỳ nghỉ dài. Đặc biệt, giáo viên phối hợp với phụ huynh giám sát việc học để các em không chơi điện tử và xem ti vi nhiều.

"Thực hiện dạy học có ứng dụng công nghệ thông tin cần được xây dựng khoa học và quản lý chặt chẽ theo đúng quy định và lợi ích chung của người học. Xây dựng các phương án hợp lý cho tất cả đối tượng học sinh, đảm bảo mọi học sinh đều được tham gia học tập, đảm bảo tính công bằng, nhân văn trong giáo dục" -  Cô Hằng nhấn mạnh.

Đưa ra quan điểm của mình, cô Sáng, trường THPT Thủ Thiêm, Quận 2 cho rằng, dạy học online hiệu quả cần phải có nền tảng cơ sở vật chất CNTT tốt, thầy và trò cũng phải làm quen, sử dụng như một kênh hỗ trợ dạy học. Những việc như thế này phải triển khai được từ trước, chứ lúc cần mới làm thì khó hiệu quả..

“Việc học cần phải có sự tương tác kiểm tra và đánh giá, tương tác thầy trò. Thầy tương tác trực tiếp trên lớp bằng tương tác online. Thầy kiểm tra mức độ nắm kiến thức bằng phản hồi từ học sinh, thầy nhận xét, sửa bài. Kênh online khó phát huy hết hiệu quả”- cô Sáng chia sẻ thêm.

Thiết kế chương trình học bù hợp lý

Dù triển khai dạy học online có được làm tốt thì cũng khó thay thế dạy học trực tiếp, thay thế vai trò của giáo viên trong tương tác trực tiếp. Thực tế cho thấy, việc nghỉ học kéo dài cũng đòi hỏi phải nghiên cứu các hình thức học tập tạm thay thế. Tuy nhiên, nếu không có thời gian chuẩn bị, thực hiện sẽ khó có thể đảm bảo trong thời điểm hiện nay.

"Để việc online tốt, giáo viên chủ nhiệm phải hỗ trợ giáo viên bộ môn vì họ là người nắm rõ năng lực của học sinh nhất, đồng thời phối hợp cha mẹ học sinh để trao đổi kiến thức, đôn đốc con em mình học tập. Sự giám sát của phụ huynh là cần thiết. Phụ huynh vừa có vai trò nhắc nhở con học tập, vừa là cầu nối giữa con và giáo viên. Bên cạnh đó, học sinh cũng nên tận dụng thời gian nghỉ trên để ôn luyện bài tập, không quên kiến thức cũ, đào sâu kiến thức mới…” - phụ huynh Hoàng Sinh, Quận 12  nhấn mạnh.

Cô Thủy Tiên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Long Trường, Quận 9 chia sẻ , nếu tiếp tục nghỉ học, các nhà trường thực sự phải tính toán kỹ lưỡng và chi tiết kế hoạch dạy bù, khắc phục tình trạng sụt giảm chất lượng giáo dục. Các tổ bộ môn phải họp để đề xuất lên ban giám hiệu, cùng  đưa ra một thời khóa biểu hợp lý với từng môn học, linh hoạt thực hiện các nội dung dạy học có thể tích hợp, dạy theo chủ đề, đa dạng hóa hình thức dạy học thì mới có thể bù đắp được yêu cầu của nội dung chương trình trong điều kiện thời gian eo hẹp.

Theo cô Hằng, Hiệu trưởng THCS Trần Quốc Toản, Quận 2, đối với học sinh lớp 6 thì không đáng lo ngại, nếu nghỉ tết dài thì nghỉ hè ngắn lại, nhà trường tăng cường học thứ 7, chủ nhật cho kịp chương trình. Đáng lo nhất là học sinh lớp 9, vì chương trình tuyển sinh không thể lùi lại được. Việc bố trí ôn tập cho các e cần phải hợp lý và không tạo áp lực cho các em.

“Trường cho nghỉ học nhưng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cũng rất gần khiến em khá lo lắng. May thay, thầy cô đã tự quay các clip dạy học rồi đăng lên group lớp. Còn các bộ môn khác, các cô cũng soạn những kiến thức cần ôn tập và đăng lên web trường để chúng em dễ theo dõi” – Thủy Tiên, học sinh lớp 9, Trường THCS Trần Quốc Toản, Quận 9, cho biết.

Anh Công Hào, Quận 7 nhắn nhủ, điều đặc biệt quan trọng là trong quá trình tự học này, học sinh cũng cần tự trang bị những kiến thức, kỹ năng về phòng chống dịch bệnh để khi quay trở lại trường, các em tự bảo vệ tốt sức khỏe cho mình và không phải lúng túng trước tình huống của nhà trường đưa ra./.

Theo Chi Mai

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam