Tăng cường kiểm soát chất lượng không khí tại các đô thị
Để kiểm soát được chất lượng không khí tại các đô thị hiện nay, cần tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng lắp đặt các trạm quan trắc không khí tự động liên tục theo các quy hoach đã được phê duyệt, đảm bảo phục vụ cho việc quan trắc và cung cấp thông tin kịp thời cho người dân và các cơ quan quản lý.
Thông tin trên được ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vào chiều 5/4.
Phóng viên (PV): Thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm bụi mịn đứng thứ 2 Đông Nam Á được báo chí phản ánh nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này, đại diện Bộ TN&MT cho biết thông tin trên là không chính xác. Vậy ông có thể cho biết hiện mức độ ô nhiễm của Hà Nội đang ở ngưỡng nào?
Ông Hoàng Văn Thức: Ô nhiễm bụi mịn đang là vấn đề nóng ở nhiều thành phố lớn của Châu Á, trong đó có thủ đô Hà Nội.
Theo kết quả quan trắc năm 2018, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm của Hà Nội là 40,8 µg/m3, đã vượt mức giới hạn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường không khí xung quanh (25 µg/m3).
Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định lại một lần nữa, thông tin Hà Nội đứng thứ 2 Đông Nam Á về ô nhiễm bụi mịn là không chính xác.Trong Báo cáo về Hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu của Tổ chức Hòa Bình Xanh (doTrung tâm phát triển sáng tạo xanh - GreenID lược dịch và tóm tắt), phân hạng mức độ ô nhiễm bụi mịn của 20 thành phố thuộc 04 quốc gia của Đông Nam Á gồm: Thái Lan (14 thành phố), Indonesia (01 thành phố); Philippines (03 thành phố), Việt Nam (02 thành phố). Theo kết quả phân hạng, Hà Nội đứng thứ 2 sau Jakarta (Indonesia) về mức độ ô nhiễm. Như vậy, bảng đánh giá này không có đủ số liệu của 11 quốc gia của khu vực Đông Nam Á để có thể đánh giá, xếp hạng theo như nhận định đã nêu.
Chúng tôi cũng đã tham chiếu, sử dụng kết quả quan trắc bụi PM2.5 từ 15 trạm của Sứ quán Mỹ và Lãnh sự quán Mỹ tại 15 thành phố Châu Á năm 2018 để so sánh cho thấy, Tp. Hồ Chí Minh có mức độ ô nhiễm thấp nhất (đứng thứ 15/15 thành phố, chất lượng không khí vẫn nằm trong nhóm tốt nhất), New Delhi là thành phố có mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 lớn nhất (chất lượng không khí nằm trong nhóm xấu nhất), Hà Nội xếp thứ 11/15 thành phố (chất lượng không khí vẫn nằm trong nhóm trung bình tốt).
Mức độ ô nhiễm của Hà Nội so với các thành phố châu Á khác cũng thấp hơn rất nhiều (nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm của Hà Nội là 40,8 µg/m3, trong khi tại New Delhi - Ấn Độ: 113,5 µg/m3; Dhaka – Bangladesh: 97,1 µg/m3; các thành phố của Trung Quốc như Hòa Điền, Hà Bắc, Từ Châu, Trịnh Châu… dao động từ 65,5 - 116 µg/m3....).
PV: Xin ông cho biết thêm về hoạt động đánh giá chất lượng không khí hiện nay?
Ông Hoàng Văn Thức: Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 12 trạm quan trắc không khí tự động liên tục đang hoạt động nhằm theo dõi giám sát phục vụ đánh giá chất lượng không khí và thường xuyên cung cấp số liệu, bao gồm: 01 trạm tại 556 Nguyễn Văn Cừ, do Tổng cục Môi trường quản lý và vận hành; 10 trạm gồm 02 trạm cố định và 08 trạm cảm biến tại các khu vực: Trung Yên 3, Minh Khai, Hàng Đậu, Hoàn Kiếm, Kim Liên, Mỹ Đình, Phạm Văn Đồng, Thành Công, Tân Mai, Tây Mỗ, do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quản lý và vận hành và 01 trạm tại số 8 Láng Hạ do Sứ quán Mỹ quản lý và vận hành. Số liệu Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố là dựa trên số liệu tổng hợp của cả 12 trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn Hà Nội.
Ngày 26/12/2018, UBND Thành phố Hà Nội có văn bản về Chủ trương đầu tư 26 dự án thuộc kế hoạch trung hạn 5 năm 2016 - 2020 của thành phố Hà Nội. Trong đó, giao Sở TN&MT là Chủ đầu tư thực hiện Dự án đầu tư Hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn Thành phố. Hiện nay, Sở TN&MT đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án, đảm bảo tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2020, gồm mạng lưới quan trắc môi trường không khí gồm 33 trạm quan trắc (20 trạm cố định tự động liên tục, 1 xe quan trắc lưu động, 12 trạm quan trắc cảm biến).
Có thể thấy rằng, các cấp các ngành cũng đang rất quan tâm và sát sao trong việc tăng cường năng lực, đầu tư cho hệ thống giám sát, đánh giá chất lượng môi trường không khí.
PV: Với mức độ ô nhiễm ở mức trung bình như vậy, liệu có ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của cộng đồng khi sinh hoạt ngoài trời, thưa ông?
Ông Hoàng Văn Thức: Tại Hà Nội và một số tỉnh thành miền Bắc, ô nhiễm bụi vào thời gian mùa đông và đầu xuân tăng cao hơn những mùa khác trong năm. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật, ô nhiễm bụi mịn tăng cao vào thời gian tháng 12, tháng 1 - 2 và có thể kéo dài sang tháng 3.
Đánh giá theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong 03 tháng đầu năm 2019 vừa qua cho thấy, phần lớn thời gian, chất lượng không khí tại các khu vực có trạm đo ở mức tốt và trung bình. Một số trạm đo ở khu vực Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai có chất lượng không khí kém hơn. Đây là những khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, cộng với các công trình xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị đang diễn ra làm phát sinh một lượng bụi lớn vào môi trường.
Bởi vậy, vào những ngày chất lượng không khí ở mức trung bình, chưa tác động nhiều đến sức khỏe, người dân vẫn có thể hoạt động sinh hoạt ngoài trời bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý với nhóm nhạy cảm (bao gồm: người già, trẻ em, những người mắc bệnh về hô hấp, tim mạch…) nên hạn chế thời gian ở bên ngoài. Với những ngày chất lượng không khí ở mức kém, nhóm nhạy cảm và cả những người bình thường cũng nên hạn chế hoạt động thời gian dài ở ngoài trời. Khi chất lượng không khí ở mức xấu thì tất cả mọi người có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe, nên hạn chế tối đa thời gian ở bên ngoài. Nếu có việc bắt buộc thì cần trang bị, bảo vệ đường hô hấp bằng những vật dụng đảm bảo tiêu chuẩn (khẩu trang tiêu chuẩn).
Theo dự báo diễn biến xu hướng thời tiết, trong thời gian tới, tại Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì trạng thái thời tiết thay đổi bất thường. Những ngày nóng xen kẽ những ngày giảm nhiệt độ mạnh do các đợt không khí lạnh tràn về, độ ẩm trong không khí cũng thay đổi bất thường sẽ khiến cho tình trạng ô nhiễm bụi PM2.5 tiếp tục diễn ra như những ngày vừa qua.
Hiện tượng này sẽ giảm dần khi thời tiết chuyển dần sang mùa hè. Trong thời gian này, người dân nên theo dõi những biến động nêu trên, đồng thời tham khảo các thông tin về hiện trạng chất lượng không khí trên các kênh thông tin chính thống để có những kế hoạch phù hợp, bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe cá nhân.
PV: Ông có thể cho biết, Bộ có giải pháp nào giảm bớt tình trạng ô nhiễm như hiện nay?
Ông Hoàng Văn Thức: Để cải thiện chất lượng môi trường không khí, Bộ TN&MT và các Bộ ngành, địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu bụi và khí thải phát sinh như: tăng cường kiểm soát phát thải, nâng cấp chất lượng hạ tầng giao thông, sử dụng nhiên liệu sạch, quan trắc đánh giá hiện trạng và cảnh báo các khu vực có mức độ ô nhiễm cao...
Chất lượng môi trường không khí ở một số nơi đã được cải thiện so với thời gian trước. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị lớn hiện nay, đặc biệt tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vẫn đang là vấn đề nổi cộm. Bởi vậy, cần tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp để cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường không khí, cụ thể: Kiểm soát nghiêm ngặt ô nhiễm khí thải do giao thông; Kiểm soát phát thải từ hoạt động xây dựng, không để phát tán bụi ra môi trường xung quanh; Kiểm soát phát thải từ hoạt động công nghiệp…
Đặc biệt, cần kiến nghị với Chính phủ tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng lắp đặt các trạm quan trắc không khí tự động liên tục tại các đô thị và thành phố lớn theo các quy hoach đã được phê duyệt, đảm bảo mạng lưới đủ dày để thu thập số liệu phục vụ cho việc quan trắc dự báo được chất lượng không khí cung cấp thông tin kịp thời cho người dân và các cơ quan quản lý.
Song song với đó, việc tuyên truyền và huy động sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, các hoạt động cần được đẩy mạnh như hạn chế đốt rác, rơm rạ, sử dụng bếp than tổ ong, ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường... Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Bích Liên
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam