Bạn đọc viết:

Tai nạn giao thông: Đừng biện minh cho ý thức kém!

(Dân trí) - Hiện nay ra khỏi nhà ai cũng lo gặp tai nạn, bởi dường như nhiều người tham gia giao thông đang tách biệt với mọi thông tin, nhận thức về văn hóa giao thông, trơ lì với nỗi đau của cộng đồng… Vậy mà họ vẫn luôn kiếm cớ biện minh cho ý thức kém?

(ảnh minh họa: biemhoa.info)
(ảnh minh họa: biemhoa.info)

 

Những năm gần đây, ở nước ta tai nạn giao thông đang thực sự là  một vấn đề gây nhức nhối lớn trong đời sống xã hội. Tính quân bình cứ một ngày cả nước có khoảng trên 30 người chết và cũng khoảng chừng ấy bị tai nạn, trong số đó không ít người thành tàn tật suốt cả đời.

 

Chính phủ đã  chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan chức năng của Nhà nước đã vào cuộc. Nhiều giải pháp về phòng chống ùn tắc, tai nạn đã được áp dụng trên cơ sở hạ tầng giao thông hiện có như: thay đổi giờ làm việc, giờ học ở đô thị; phân luồng giao thông, dọn dẹp vỉa hè, mở rộng lòng đường, tầm nhìn...

 

Thế nhưng, mỗi khi thực hiện một giải pháp, ta lại thường thấy đâu đó nhiều lời kêu ca, phản ứng… mà đa số là không phù hợp, là thiếu cân nhắc thực tế... Phản ứng là ý thức, là hiện tượng bình thường bởi trong các giải pháp đang áp dụng cũng có chỗ đúng, chỗ sai. Song có một điều phổ biến, thật sự nhức nhối, dễ thấy mà đang rất khó sửa đó là ý thức về trật tự, giữ gìn an toàn của nhiều người VN tham gia giao thông quá kém. Vậy mà họ vẫn luôn kiếm cớ này nọ để biện minh, để đổ lỗi cho người khác và các cơ quan ban ngành chức năng.
 
Xin được nêu một số dẫn chứng: 
 

Hiện nay phần lớn ở các đô thị mật độ dùng xe máy dày đặc, lại có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều xe phân khối lớn. Người đi xe máy (nhiều người không có bằng lái, hoặc có bằng ở dạng nhờ thi hộ, mua bán, nên thiếu hiểu biết về luật lệ giao thông) thường phóng nhanh vượt ẩu, coi đường như của riêng mình. Ra đường ta gặp không ít trường hợp người tham gia giao thông thiếu kiềm chế, dù chỉ là va chạm nhỏ đã lập tức giở thói côn đồ, gây gổ đánh nhau giữa đường. Chưa kể còn có những kẻ chủ tâm “đánh hôi” hoặc cài bẫy “ăn vạ”.

 

Nhiều người đi lại thiếu tôn trọng, chen lấn, lạng lách, đánh võng dành đường. Hoặc đầu không đội mũ bảo hiểm, ngang nhiên chở nhau “kẹp 2 kẹp 3”... Phổ biến là ở lứa tuổi thanh niên. Có người vừa lái xe (kể cả ô tô và xe máy) vừa nghe điện thoại, thậm chí nói năng ồn ào, thô lỗ. Đặc biệt có khá nhiều ô tô, xe máy dành đường nhau, sử dụng còi với âm lượng lớn bất chấp là đang đi trong nội đô hoặc vào giờ nghỉ.

 

Thường ở các tuyến đường gần cổng trường học, vào giờ cao điểm có khá nhiều ô tô của phụ huynh đưa đón con cháu. Họ vô tư nổ máy, đỗ xe chiếm lòng đường, gây ách tắc giao thông. Có những trường hợp bất chấp tín hiệu đèn đỏ, người sử dụng ô tô, xe máy vẫn cứ phóng bừa, thậm chí gây tai nạn rồi bỏ trốn. Phần lớn các xe vướng vào những trường hợp kể trên đường đều là các lái xe trẻ, họ “làm luật” nhanh nhẹn tại nhiều trạm kiểm soát, chạy vượt tốc độ, tranh giành đường quyết liệt...

 

Quả thực ngày nay ra khỏi nhà là có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào. Hình như có nhiều người tham gia giao thông đang tách biệt với mọi thông tin, nhận thức về văn hóa giao thông, trơ lì với nỗi đau của cộng đồng… Họ thường viện lý do phải tất bật lo mưu sinh, rồi nào là "mọi người đều thế thì mình cũng không thể khác"... Nhưng thật ra tôi thấy là đa số họ có lối sống buông thả, bởi thế nên thường rất bất cẩn trong đi lại. Con số khoảng 10 ngàn người chết trong cả nước vì tai nạn giao thông mỗi năm quả thực là khủng khiếp! Vậy mà dường như với những người này, đó vẫn là chuyện của ai chứ không phải của mình?

 

Đã có biết bao ý kiến, giải pháp về chống ùn tắc và tai nạn giao thông được thực hiện. Thế nhưng tình trạng bất ổn về giao thông hàng ngày vẫn cứ căng thẳng. Đành rằng cơ sở hạ tầng của ta còn lạc hậu, thấp kém, giải pháp chưa đồng bộ, luật pháp ta chưa thật sự nghiêm minh. Nhưng theo chúng tôi, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn trước tiên vẫn là do ý thức của con người trong việc tham gia giao thông. Vì vậy, cần làm sao để chấn chỉnh trước tiên vấn đề này.

 

Tại sao mỗi chúng ta không thể tự kìm chế được mình? Tại sao chúng ta không hành động để phòng chống, trước khi tất cả những điều đó có thể xảy ra? Ví dụ như hãy lái xe cẩn thận hơn. Hãy coi việc nhường đường cho người khác là nghĩa cử, là niềm hạnh phúc. Ta hãy đừng uống, dù chỉ một cốc bia, một li rượu trước khi cầm lái, để rồi bình an về đến nhà, được trao niềm hạnh phúc trọn vẹn cho người yêu thương đang đợi ta. Ta có thể nhặt viên đá bỏ ra khỏi lối đi, hoặc thi công con đường cẩn thận hơn, đảm bảo chất lượng hơn. Để rồi chính mình, người thân của mình và cộng đồng sẽ đi lại bình yên, an toàn trên con đường đó...

 

Hãy làm tất cả để chính ta và bao người khác không phải đau khổ vì những mất mát do tai nạn giao thông.

 

Nhìn sang các nước bạn văn minh gần ta như Nhật Bản, Singapore cũng đất chật, người đông. Nhưng với cơ sở hạ tầng hiện đại, pháp luật nghiêm minh, mọi hoạt động về giao thông của họ đều được điều hành, giám sát bằng mạng lưới thông tin, tín hiệu điện tử tự động, hầu như không có âm thanh loa còi và cảnh sát giao thông ngoài đường. Đặc biệt là ý thức chấp hành luật pháp, văn hóa giao thông của người dân họ thật tuyệt vời: trong đi lại, xử sự người ta luôn tuân thủ đúng luật và luôn hướng đến nét đẹp từ sự nho nhã, nhường nhịn nên tai nạn giao thông chỉ là chuyện hi hữu.

 

Ta chưa theo được họ tất cả, nhưng về ý thức là điều đầu tiên ta phải học. Hãy học luật, văn hóa giao thông như một thời Chính phủ đã phát động học chữ Quốc ngữ nhằm xóa nạn mù chữ để “đánh giặc, bảo vệ, kiến quốc”. Học không chỉ ngày một ngày hai, mà phải lâu dài, “thấm” bằng nhiều cách, nhưng chắc chắn cái Được sẽ rất lớn.

 

Cùng với quy hoạch cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện luật pháp nghiêm minh, trước hết chúng ta cần thực hiện đến mức tối đa việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức văn hóa giao thông. Hãy làm sao để từ trẻ nhỏ đến người lớn ai cũng thực sự có những lo lắng băn khoăn, những nhận thức đúng đắn về tình trạng giao thông hiện tại. Và trước hết là những người đi đường cần nghiêm minh chấp hành luật giao thông, thực hiện đi đúng phần đường của mình, luôn nghĩ an toàn là niềm hạnh phúc lớn mà chúng ta có thể gìn giữ bảo vệ được. Đó cũng là sự chấp hành luật pháp và văn hóa đời sống của chính mình với cộng đồng.   

 

Phan Tất  (90, Võ Thị Sáu - TP. Vinh - Nghệ An)

phantat@yahoo.com.vn