Sự công tâm của bạn đọc Dân trí
(Dân trí) - Vụ việc mưa to, nền đường ướt sũng, chủ đầu tư tuyến đường gần 100 tỷ vẫn cho nhà thầu thảm bê tông nhựa đã gây nên 2 luồng ý kiến trái ngược nhau trong các comment của các bạn đọc báo Dân trí gửi về Tòa soạn.
Việc để Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 487 thi công thảm bê tông nhựa giữa cơn mưa lớn đêm 5/9 BQL các công trình TP Hà Tĩnh đã chịu rất nhiều chỉ trích từ công luận
Một bên là phần đông ý kiến cho rằng việc thảm bê tông nhựa trong điều kiên trời mưa là sai quy trình, dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo. Để làm căn cứ phê phán, có bạn đọc dẫn ra tiêu chuẩn kỹ thuật:
“Ông Trưởng ban có biết tiêu chuẩn này không? ( trích) Tiêu chuẩn nghành 22TCN 249-98 Tại mục 5.2. Chỉ được thi công mặt đường bê tông nhựa trong những ngày không mưa, móng đường khô ráo, nhiệt độ không khí không dưới ± 5độ C. Tại mục 5.6.16. Trường hợp máy đang rải gặp mưa đột ngột thì: - Báo ngay về trạm trộn tạm ngừng cung cấp hỗn hợp. - Khi lớp bê tông nhựa đã được lu lèn đến khoảng 2/3 độ chặt yêu cầu thì cho phép tiếp tục lu trong mưa cho hết số lượt lu lèn yêu cầu. - Khi lớp bê tông nhựa mới được lu lèn < 2/3 độ chặt yêu cầu thì ngừng lu, san bỏ hỗn hợp ra khỏi phạm vi mặt đường. Chỉ khi nào mặt đường khô ráo lại thì mới được rải hỗn hợp tiếp. - Sau khi mưa xong, khi cần thiết thi công gấp, cho xe chở cát đã được rang nóng ở trạm trộn (170oC - 180oC) đến rải một lớp dày khoảng 2cm lên mặt để chóng khô ráo. Sau đó đem cát ra khỏi mặt đường, quét sạch, tưới nhựa dính bám, rồi tiếp tục rải hỗn hợp bê tông nhựa. Có thể dùng máy hơi ép và đèn khò làm khô mặt đường trước khi rải tiếp.”- Mai Văn Biên maibien1982@gmail.com
Có bạn đọc phân tích trên cơ sở khoa học kỹ thuật:
“Bê tông nhựa lúc được đem đến công trình có nhiệt độ khoản 160-170 C . Lúc rải nhiệt độ phải lớn hơn 140 C mói có thể liên kết bền với lớp cấp phối bên dưới. Mưa rầm rầm như thế thì không đủ điều kiện để rải chứ đừng nói đến việc hư đâu sửa đó. Mấy hôm nắng lên mưa xuống áo đường sẽ bóc ra và xô trượt lên nhau tạo ra lượn sóng. Nước là kẻ thù của đường mà” - Nguyễn Anh asidawoa@gmail.com
Có bạn đọc so sánh với cả cách làm của nước ngoài :
“Tôi là chuyên viên chuyên làm đường cao tốc và đường băng sân bay đây nè, học công nghệ và cách làm của Germany (Đức ) và cũng làm việc cho 1 tập đoàn xây dựng Đức hơn 25 năm rồi mà chưa nghe ai làm như ông Phạm Tấn Sinh hết à” - Nguyễn Mộc Lan lan5@gmx.de
“Cứ như vậy công trình chưa xong thì đã hỏng rồi ... cuối cùng lấy lý do xe chạy quá tải chạy nhiều nên đường nhanh bị hỏng.” - Nguyễn Văn Hùng hunglx1962@gmail.com
Còn một bên là một số bạn đọc cho rằng việc Ban Quản lý dự án cho rải thảm nhựa trong hoàn cảnh trời mưa là đúng:
“Theo mình nghĩ ... quan trọng là khi thi công xong đem đi thí nghiệm đạt tiêu chuẩn là được, lúc bàn giao công trình đạt chất lượng là được. Nhiều nơi rải thảm. Nhiệt độ bê tông nhựa nóng quá nóng phải đem máy lu lốp vừa lu vừa tưới nước nữa là. Mấy ảnh đăng báo trên cho thấy đang rải cấp phối đá dăm. Mà cấp phối đá dăm lúc rải bắt buộc phải ướt, nếu ướt quá thì có thể rải xong chờ khô bớt đi, đến độ ẩm thích hợp rồi lu. Cho nên theo mấy cái ảnh trên, ướt vậy cũng chẳng sao cả.” - aqua angel@yahoo.com
“Trên hình ảnh là Base chứ có phải bê tông nhựa đâu, thi công đường giao thông thế là chuyện bình thường!” - Nguyễn Văn Thái vanthaililama3@gmail.com
“Nói cho đúng nghĩa thì một phần nói như Trưởng ban Quản lý dự án là đúng. Lý do: Quy thảm là phải báo thảm từ trạm trộn, khi trạm đã trộn và đang trên đường vận chuyển thì trời đổ mưa nếu đổ đi luôn thì đổ ở đâu, ai cho đổ vì là bê tông nhựa chứ không phải đất cát mà đổ đâu cũng được ... Có ai có cách hay thì chỉ ra nhé” - vu dinh hao vudinhhao80@gmail.com
“Các ý kiến ở đây đều cho là họ không hiểu kỹ thuật hay làm ẩu, xin thưa rằng không phải, vì giá 1m3 bê tông asphalt có giá rất cao, khi đã lỡ trộn vài chục khối mà không làm ngay được thì sẽ tốn vài trăm triệu. Nói chung là lý do kinh tế thôi.”- tran tuan atlaantic_hehe@yahoo.com
Tóm lại, trước việc mưa to chủ đầu tư vẫn cho nhà thầu thảm bê tông nhựa, phần đông bạn đọc cho là sai, cũng một số bạn đọc cho là đúng, nhưng có một điều quan trọng mà bạn đọc ở cả bên cho là đúng và phía cho là sai hầu như đều cùng nhất trí phê phán, đó là câu nói của ông Trưởng ban Quản lý dự án:“... nếu không đạt thì cho lột lên làm lại. Đơn giản thôi”:
“... Thật là quá lãng phí. Nếu nói nếu hỏng lột lên làm lại thì chi phí đó ai chịu hay là những người dân đóng thuế phải chịu.” - Lê Phương xuanphuong2857@yahoo.com.vn
“Ông trưởng ban QLDA này nói đúng đó "đơn giản là hỏng thì lột lên làm lại" tiền của Nhà nước, tiền của dân chứ có phải tiền nhà ông đâu mà ông xót.” - van toan uk6645@yahoo.com
“Cách ăn nói ông Trưởng ban Quản lý dự án rất kém..."nếu không đạt chất lượng bỏ đi làm lại" câu nói vô trách nhiệm, tiền dù của ai thì cũng là "khí tài" của đất nước. thật đáng buồn ..."- huy huyhoang_gtvt@gmail.com
“Hết thuốc đỡ cái ông Trưởng ban Quản lý dự án này, coi tiền của như lá đa. Dân ta còn nhiều gia đình nghèo lắm, nhiều hoàn cảnh éo le lắm vậy mà ông nói nhẹ như lông hồng. Cán bộ kiểu này thảo nào đường mới làm đã hỏng!” - khoaikhau vdt_da@yahoo.com
“Không chấp nhận được. Làm ăn quá cẩu thả, lãng phí. Trả lời vô trách nhiệm.”- Man khong_conai77@yahoo.com
Đất nước còn nghèo, Nhà nước và nhân dân cả nước đang nỗ lực tiết kiệm, chống lãng phí mà trên cương vị Trưởng ban Quản lý dự án nói câu đó quả là “dại miệng”, nên lập tức bị các bạn đọc dù có những quan niệm trái nhau trong kỹ thuật vụ rài thảm nhựa khi trời đang mưa to, nhưng đều cùng thống nhất phê phán sự lãng phí. Đó chính là sự công tâm của bạn đọc, xuất phát từ tấm lòng ngay thẳng lo cho việc chung chứ không thiên vị. Sự cùng gặp nhau ở điểm này quý biết bao.
Nguyễn Đoàn (tổng hợp)