Sát thủ đường phố
Nhiều tài xế thay vì dừng xe để kiểm tra theo hiệu lệnh của CSGT đã chọn cách hung hăng lao xe vào lực lượng thực thi công vụ hòng tẩu thoát.
Những sát thủ đường phố này đã từng cướp đi tính mạng của nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT trên toàn quốc.
Cơ quan CSĐT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) vừa khởi tố, bắt tạm giam Chế Văn Bò (SN 1978, trú tại Đồng Tháp) để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ. Trước đó, khi Tổ tuần tra thuộc Phòng CSGT (PC08, Công an tỉnh Đồng Nai) phát hiện Bò lái xe ben có dấu hiệu quá tải nên ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, Bò không chấp hành mà tăng tốc lao thẳng xe vào Tổ CSGT rồi bỏ chạy.
Khi bị CSGT truy đuổi, Bò lái xe ben lạng lách đánh võng trên đường, nhiều lần cố tình đâm vào xe của lực lượng thực thi công vụ đang truy cản. Trước sự liều lĩnh, manh động của Chế Văn Bò, lực lượng CSGT của tỉnh Đồng Nai phối hợp với CSGT Công an TP Hồ Chí Minh phải rất vất vả mới có thể khống chế dừng xe, bắt giữ tài xế. Tại CQĐT, Bò thản nhiên khai: Do xe chở quá tải nên khi bị CSGT yêu cầu dừng xe thì bỏ chạy.
Vậy là chỉ vì chở quá tải, sợ nếu dừng xe để kiểm tra sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị thu giữ bằng lái xe, Chế Văn Bò đã bất chấp tính mạng của lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ, cũng như tính mạng và tài sản của những người tham gia giao thông trên đường. Bò không chỉ cố tình vi phạm quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, khi bị phát hiện còn sẵn sàng đâm chết những người đang thực thi công vụ để tẩu thoát.
Việc tăng tốc, lái xe lao thẳng vào Tổ CSGT đang làm nhiệm vụ có thể coi là hành vi cố ý giết người, chỉ có điều chưa xảy ra hậu quả chết người mà thôi. Đặt giả sử, khi chiếc xe ben do Bò điều khiển lao vào đè chết CSGT, hoặc trong quá trình bỏ chạy đâm chết người tham gia giao thông trên đường, Bò sẽ bị CQĐT khởi tố, bắt tạm giam về tội gì? Khi đó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Bò về hành vi giết người không?
Đáng ngại là hành vi cố tình lao xe vào lực lượng CSGT như Chế Văn Bò lại không phải là hiếm gặp trong xã hội. Trong vài năm trở lại đây, không ít đối tượng khi bị lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra đã thực hiện hành vi tương tự, khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT thiệt mạng, hoặc mang thương tật suốt đời. Rồi cuối cùng, những kẻ này lại chỉ bị truy cứu hành vi chống người thi hành công vụ.
Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017, tội chống người thi hành công vụ (Điều 330) có mức án nhẹ hơn rất nhiều so với tội giết người (Điều 123). Tại Điều 330, mức án cao nhất đối với người phạm tội chỉ có 7 năm tù (Khoản 2). Song, hành vi lái xe đâm thẳng vào CSGT của không ít tài xế khó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2, mà chỉ có thể theo Khoản 1 với mức án "nhẹ hèo" là 3 năm tù.
Có lẽ đó là lý do khiến không có tài xế nào sợ cả. Khi vi phạm quy định về trật tự ATGT đường bộ, nếu ngoan ngoãn chấp hành hiệu lệnh dừng xe, rất có thể sẽ bị phạt vài chục triệu đồng, tước bằng lái có thời hạn, tạm giữ hoặc tịch thu phương tiện. Trong khi đó, nếu bỏ chạy sẽ có khả năng thoát thân không mất tiền. Chẳng may bị bắt cũng chỉ bị phạt như vậy, nếu "xui" hơn mà bị khởi tố cũng chỉ đi tù cao nhất là 3 năm, sao phải sợ?
Còn nếu hành vi lao thẳng xe vào lực lượng CSGT của các tài xế bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 về tội giết người, mức án sẽ nặng hơn rất nhiều: Cao nhất là tử hình, thấp nhất cũng là 7 năm tù. Khi thực hiện hành vi lao xe vào CSGT dù có xảy ra hậu quả chết người hay không vẫn phải ngồi tù tới 7 năm, tin rằng các tài xế sẽ "sáng suốt lựa chọn" ngoan ngoãn dừng xe để kiểm tra và chịu phạt.
Từ những vụ tài xế lao xe ô tô vào lực lượng CSGT, tôi chợt nhớ tới những vụ khủng bố bằng ô tô trên thế giới. Ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, các đối tượng khủng bố thay vì xả súng, dùng dao đâm, đã chọn lái ô tô tải lao vào đám đông cán chết nhiều người. Tất nhiên, Việt Nam chưa có những đối tượng khủng bố, nhưng hành vi cố tình lao xe ô tô vào CSGT, lái xe lạng lách đánh võng bất chấp tính mạng người dân có khác gì?
Vì thế, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét thay đổi chế tài đối với hành vi cố tình lao xe vào CSGT của các tài xế theo hướng tăng nặng hình phạt để đủ sức răn đe, phòng ngừa. Có thể xem những tài xế coi thường pháp luật, bất chấp tính mạng của lực lượng thực thi công vụ và người dân là những sát thủ trên đường phố. Mà đã là sát thủ thì cần có biện pháp mạnh tay mới mong trấn áp được. Có vậy, mới không còn những cái chết oan uổng của cán bộ, chiến sĩ CSGT và người dân.