Trăn trở về vụ ông Phước tự tử ở tòa:
“Rất thận trọng” nhưng vẫn vi phạm tố tụng nghiêm trọng
(Dân trí) - Đã đến lúc các thẩm phán cần phải tự chịu trách nhiệm trước phán quyết của mình, không thể né tránh kiểu đã báo cáo lãnh đạo.
Việc ông Lương Hữu Phước tìm đến cái chết trong vụ án tai nạn giao thông thêm một lần dư luận dậy sóng khi TAND cấp cao tại TPHCM kháng nghị hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm. Nhưng lần này, dư luận đồng tình, ủng hộ cao nội dung kháng nghị có lý, có tình.
Trước đó, vụ án này đã diễn ra 2 phiên sơ thẩm và 2 phiên phúc thẩm. Phiên phúc thẩm lần đầu đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại nhằm làm sáng tỏ nhiều nội dung chưa rõ. Nhưng đến phiên sơ thẩm lần 2 vẫn tuyên án 3 năm tù cho ông Lương Hữu Phước như bản án lần đầu. Và dù hầu hết những điểm mờ vẫn còn nguyên đó, nhưng phiên tòa phúc thẩm lần 2 vẫn tuyên án: Y án bản án sơ thẩm lần 2.
Nhưng vì sao với mức án ấy mà đương sự phải tìm đến cái chết ngay tại tòa? Đặc biệt trước khi đoạn tuyệt với cuộc sống, ông Lương Hữu Phước đưa trên Facebook cá nhân: "Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ". Điều đó khiến dư luận càng dậy sóng và đưa ra một loạt câu hỏi.
Cũng rất nhanh, TAND tỉnh Bình Phước cùng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức họp báo, cung cấp thông tin chính thức về vụ án.
Tại buổi họp báo, thẩm phán Lê Hồng Hạnh - chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, cho rằng, trên cơ sở đối chiếu với tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập đầy đủ trong hồ sơ thì HĐXX mới ra phán quyết. Bởi đây là vụ án có kháng nghị, có đơn kêu oan liên tục của bị cáo nên thẩm phán Lê Hồng Hạnh khẳng định, đã rất thận trọng. Những phát ngôn này không ngoài dự đoán của dư luận.
Nhưng thực sự bà thẩm phán có “rất thận trọng vì liên quan đến sinh mệnh của một con người” như đã tuyên bố?
Về nội dung này, trong mục diễn đàn đã có bài “Phát ngôn của bà chủ tọa, càng rõ hơn những khoảng tối”. Bài viết phân tích những điểm còn rất mờ trong vụ án qua chính phát ngôn của bà thẩm phán.
Tại buổi họp báo, bà thẩm phán cho biết đã cẩn thận báo cáo kịp thời với lãnh đạo, Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Bình Phước và tham khảo ý kiến của các cơ quan tư pháp khác. Nhưng người viết đã đặt vấn đề:“Đây có thể được coi là yếu tố “cẩn thận” như bà thẩm phán nói? Luật đã quy định, HĐXX độc lập trong xét xử. Chỉ có HĐXX mới đọc kỹ từng tình tiết trong vụ án vậy mà nhiều khi vẫn đưa ra đánh giá, nhận định sai lầm thì Ủy ban thẩm phán hay các cơ quan tư pháp khác liệu có đưa ra được những ý kiến chính xác, khách quan. Nói đúng bản chất, cách nói của bà thẩm phán, - chủ tọa phiên tòa này, là sự né tránh trách nhiệm.”
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là nhận xét của nhà báo theo dõi nội chính qua những gì bà thẩm phán nói. Nay TAND cấp cao tại TPHCM đã kháng nghị, hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm bởi có những sai sót nghiêm trọng trong quá trình tiến hành tố tụng.
Kháng nghị nêu một loạt điểm cần làm rõ: Lời khai của nhân chứng có thể quan sát, mô tả rõ cả hai xe cách nhau khoảng 50 mét; chưa làm rõ ông Phước có bật xi nhan không; chưa xác định có hay không có việc nạn nhân Trần Hữu Quý vịn tay vào vai của bị cáo Phước (theo lời khai của nhân chứng), hay chồm người lên phía trước ghì tay bị cáo Phước (theo lời khai của bị cáo Phước) và liệu hành vi của ông Quý có ảnh hưởng đến khả năng điều khiển xe của bị cáo Phước hay không...
Nhưng theo người viết, quan trọng nhất là 2 nội dung được kháng nghị nhấn mạnh:
Một là, “quá trình điều tra chưa làm rõ tốc độ của xe của ông Tươi là thiếu sót”. Bởi lẽ, ông Tươi đã phát hiện xe do bị cáo Phước điều khiển từ vị trí cách 50m nhưng tại sao ông Tươi không giảm tốc độ và đến vị trí hai xe cách nhau gần 5m ông Tươi mới hoảng hốt, dẫn đến xe do ông Tươi điều khiển đâm thẳng vào xe của bị cáo Phước.
Hai là, việc ông Tươi không xử lý được tình huống xảy ra do nguyên nhân nào, thiếu quan sát, sự kiện bất ngờ, do không đủ tỉnh táo (có nồng độ cồn cao), vi phạm quy định của Luật giao thông đường bộ về tốc độ tối đa cho phép, hay chưa đủ kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (vì chưa có bằng lái xe).
Những nội dung kháng nghị cho thấy đó là những sai sót nghiêm trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Những nội dung kháng nghị này đã chứng minh: Bà thẩm phán Lê Hồng Hạnh nói trước các nhà báo rằng, HĐXX “rất thận trọng vì liên quan đến sinh mệnh của một con người” là không đúng.
Đã đến lúc, những vị có trọng trách cần phải tự chịu trách nhiệm trước những gì mình đã làm, không thể ỷ vào đây là ý kiến của tập thể thường vụ, tập thể lãnh đạo... Đặc biệt với các vị thẩm phán, khi tuyên án, họ nhân danh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các thẩm phán có quyền độc lập trong xét xử, càng không thể lấy lý do đã “báo cáo kịp thời với lãnh đạo...” để khỏa lấp những sai lầm của mình và biện minh với xã hội.
Vương Hà