Rà lại quy định “phạt cho tồn tại” công trình xây sai phép

(Dân trí) - Văn bản hướng dẫn cách tính giá trị phần xây dựng sai phép, không phép… và xử lý chuyển tiếp trường hợp vi phạm được Bộ Xây dựng ban hành theo chỉ đạo của Chính phủ. Bộ cho biết sẽ rà lại các quy định và kiến nghị sửa đổi nếu bất cập.

Ngày 12/3, Bộ Xây dựng có thông tin lý giải về việc ban hành thông tư 02 ngày 12/2/2014 hướng dẫn việc áp dụng mức phạt đối với những công trình xây dựng sai phép, không phép, vi phạm quy hoạch.

Cụ thể, thông tư 02 được ban hành sau khi Chính phủ có nghị định 121 (ban hành tháng 10/2013) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở. Nghị định này đưa ra quy định xử lý vi phạm đối với một số trường hợp công trình xây dựng sai phép, không phép.

Khoản 9 Điều 13 Nghị định thể hiện, một số hành vi sai phạm nhưng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Khoản 2 Điều 70 của Nghị định cũng quy định việc xử lý chuyển tiếp đối với các trường hợp xây dựng sai phép, không phép đã đề cập trước đó.
Rà lại quy định “phạt cho tồn tại” công trình xây sai phép
Yêu cầu "cắt ngọn", phá dỡ với nhiều công trình xây dựng vượt phép, sai phép vừa qua rất khó triển khai.

Những quy định này được lý giải nhằm để xử lý một số trường hợp xây dựng sai phép, không phép, sau khi hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng mới bị phát hiện, trong trường hợp nếu buộc phá dỡ thì cũng gây lãng phí lớn cho xã hội, có những trường hợp đã kéo dài nhiều năm nhưng cũng chưa xử lý được triệt để. Các công trình áp dụng quy định này phải đảm bảo điều kiện không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, chứ quy định mới này không áp dụng đối với tất cả các công trình xây dựng sai phép, không phép.

Do đây là vấn đề phức tạp, khi soạn thảo, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan đã trao đổi, thảo luận lỹ lưỡng, gửi lấy ý kiến các đơn vị, địa phương, lấy ý kiến người dân, gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ cho ý kiến, ban hành theo đúng quy định.

Sau khi Nghị định 121 được ban hành, Bộ Xây dựng được giao soạn thảo thông tư 02 hướng dẫn thi hành một số điều, trong đó có việc hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 9 Điều 13 và khoản 2 Điều 70 như trên.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã đưa vào Điều 8 thông tư quy định về phương pháp tính giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được duyệt, sai quy hoạch hoặc sai thiết kế đô thị được duyệt và Điều 11 hướng dẫn cụ thể về xử lý chuyển tiếp các trường hợp vi phạm.

“Trên thực tế, thông tư 02 không có quy định thêm hoặc quy định khác so với Nghị định 121 về các trường hợp xây dựng sai phép, không phép được nộp tiền phạt và cho tồn tại, không cưỡng chế phá dỡ đã được quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định này” – Bộ Xây dựng khẳng định.

Tuy nhiên, sau khi thông tư được ban hành, có nhiều ý kiến tỏ ý không đồng tình với quy định phạt tiền và cho tồn tại đối với các trường hợp xây dựng sau phép, không phép quy định tại Nghị định 121 với quan ngại rằng việc thực hiện quy định này có thể làm gia tăng các trường hợp sai phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.

Với trách nhiệm là cơ quan soạn thảo, Bộ Xây dựng cho biết sẽ lắng nghe, tập hợp các ý kiến phản ánh và tích cực phối hợp với các bộ ngành hữu quan tiến hành rà soát các quy định này để báo cáo Chính phủ. Trong trường hợp xét thấy các quy định chưa thực sự phù hợp, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 121 và tiến hành chỉnh sửa thông tư 02 cho phù hợp. Nguyên tắc đề ra là làm sao đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, cũng như tránh làm lãng phí các nguồn lực xã hội trong hoạt động đầu tư xây dựng.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm