Quốc hội 1 viện hay 2 viện?

Quốc hội chỉ nên 1 viện như của nước ta hay 2 viện (hạ viện và thượng viện) như của nhiều nước trên thế giới? Nếu nước ta có quốc hội gồm 2 viện thì nền quản trị quốc gia có tốt hơn không?

Các đại biểu tham dự một kỳ họp Quốc hội (ảnh: Việt Hưng)
Các đại biểu tham dự một kỳ họp Quốc hội (ảnh: Việt Hưng)
 
Trên đây là một số trong những câu hỏi thú vị và bất ngờ mà các bạn sinh viên của 3 trường đại học ở Hà Nội đã nêu ra trong cuộc giao lưu với các vị đại biểu Quốc hội ngày 29/3/2014 vừa qua.

 

Thú vị, vì đây là những câu hỏi rất hay; bất ngờ, vì đây là những câu hỏi rất khó. Rõ ràng, nhiều bạn trẻ đang quan tâm đến những vấn đề hết sức cơ bản của việc cải cách thể chế và đổi mới nền quản trị quốc gia.

 

Thực ra, lựa chọn giữa quốc hội 1 viện hay quốc hội 2 viện thì cũng giống như lựa chọn giữa hai cô gái ngang sắc, ngang tài. Chọn cô nào thì chắc chắn cũng sẽ tiếc vì đã không chọn cô kia. Nhiều nước có mô hình quốc hội 2 viện đang cổ xúy cho việc tiếp nhận mô hình 1 viện. Họ cho rằng mô hình 2 viện làm cho quy trình ban hành quyết định quá phức tạp, rườm rà.

 

Một dự luật đã được hạ viện thông qua lại còn phải trình thượng viện theo một quy trình và thủ tục tương tự. Thượng viện có thể thông qua, mà có thể chưa chắc đã thông qua dự luật. Hậu quả là mọi việc trở nên ách tắc và kéo dài lê thê. Chi phí về công sức, về thời gian và cơ hội sẽ rất to lớn.

 

Ngược lại, không ít nước có mô hình 1 viện lại đang cổ xúy cho việc tiếp nhận mô hình 2 viện. Người ta cho rằng mô hình 1 viện không có được một sự cân nhắc, xem xét các dự luật đủ kỹ càng, thấu đáo. Hậu quả là nhiều đạo luật kém chất lượng đã được ban hành.

Cái giá mà Nhà nước và xã hội phải trả cho những đạo luật như vậy là vô cùng to lớn.

 

Ngoài ra, thành phần và lợi ích của xã hội là vô cùng đa dạng, 1 viện sẽ khó lòng đại diện hết được. Người Anh dùng hạ viện để đại diện cho “thứ dân”, nhưng thượng viện để đại diện cho “quý tộc”. Người Đức dùng hạ viện để đại diện cho quốc gia, nhưng thượng viện để đại diện cho các bang (hay nhiều người còn gọi là đại diện cho địa phương).

 

Ở ta, Quốc hội được hợp thành từ 63 đoàn đại biểu QH của 63 tỉnh, thành. Tính đại diện cho các tỉnh của Quốc hội là rất lớn. Đại diện cho các tỉnh thì cũng tốt, nhưng đại diện cho quốc gia quan trọng hơn nhiều. Nếu chúng ta vẫn nhất thiết phải có sự đại diện cho các tỉnh ở Quốc hội, thì nên thiết kế thêm 1 viện để đại diện cho quốc gia.

 

Bởi vì rằng, ưu tiên của quốc gia và ưu tiên của các tỉnh có thể rất khác nhau. Quốc hội là cơ quan hàng đầu của quốc gia, ưu tiên của quốc gia, vì vậy bao giờ cũng phải được coi trọng hơn của các tỉnh.

 

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng

Lao Động