Bạn đọc viết:

Quay clip gian lận...: Lợi ích cho xã hội lớn hơn thì không nên trừng phạt!

(Dân trí) - Cần xử lý nghiêm các hành vi gian lận trong thi cử, bởi nó phản ánh một thực tế: sự gian dối được phát sinh từ trong giáo dục sẽ tạo ra gian dối trong cuộc sống, và xã hội ta sẽ đi đến đâu với những người trẻ đã nhiễm thói gian dối đó?

Tuy nhiên, cần xác định rõ lỗi chính ở ai?

 

Tuy nhiên, cần xác định rõ lỗi chính ở ai?

Có lẽ những ngày qua những ai quan tâm đến vấn đề này đều có quan điểm riêng của mình và báo chí cũng đã phản ánh rất nhiều. Trong nhiều năm qua Bộ GDĐT đã đưa ra khẩu hiệu "Học thực chất, thi thực chất", "Chống gian lận trong thi cử”.. v.v… Như vậy chứng tỏ Bộ đã thấy điều đó và cố gắng thay đổi thể hiện qua các khẩu hiệu, cùng với (có lẽ là) cả những lời kêu gọi lòng trắc ẩn của đội ngũ giáo viên và những người làm công tác quản lý .

 

Nhưng qua vụ việc này, ai cũng có thể thấy khẩu hiệu và những lời kêu gọi tác dụng quá ít đối với thực tế, vì chắc chắn là chỉ khẩu hiệu thôi chưa đủ. Thêm vào đó, các biện pháp khác nửa vời sẽ càng tạo ra tình trạng xem thường các quy chuẩn và khiến bệnh gian dối ngày càng nặng mà thôi.

 

Nhưng chữa bệnh này như thế nào, chắc các nhà quản lý đang đau đầu về điều đó? Qua phát biểu của những người có trách nhiệm vừa qua, tôi nhận thấy một quan điểm chung nhất là: "Sẽ xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm của cả hội đồng coi thi và người quay clip...", mà chưa tìm thấy rõ nguyên nhân và đưa ra "thuốc chữa".

 

Vậy liệu sau khi “xử lý” có lặp lại sự gian dối với chiêu thức khác tinh vi hơn không? Theo tôi là: Có! Thẳng thắn mà nói, không phải ngẫu nhiên mà người tổ chức quay clip có thể tổ chức một cách "chuyên nghiệp" như thế này được. Mà phải là cả quá trình theo dõi và khẳng định việc gian lận đã xảy ra và sẽ tiếp tục xảy ra .Theo tôi, đó là người có lòng dũng cảm và có tâm chống lại vấn nạn này.

 

Với những thí sinh thực hiện clip, các em cũng có thể hiểu là vi phạm, nhưng vẫn chấp nhận giúp thực hiện với hy vọng vụ việc không ảnh hưởng đến mình. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến " xử lý do vi phạm..." thì tôi e là khó thay đổi được các hành vi gian lận trong học tập và thi cử. Tệ hơn là còn dập tắt những ý định phanh phui tiêu cực từ những người khác nữa.

 

Pháp luật không chỉ là trừng phạt, tính nhân văn của pháp luật là giáo dục hay tạm gọi là "sự tha thứ trong trừng phạt " khi hành vi vi phạm mang lại lợi ích lớn hơn. Mà ở đây rõ ràng lợi ích cho xã hội lớn hơn rất nhiều. thì có nên trừng phạt không? Tôi cho là không! Hãy để cho các cháu được dũng cảm hơn trong cuộc sống, một hành vi dũng cảm sẽ đẩy lùi bớt một phần hành vi "đạo tặc" trong sự gian dối vẫn còn nhiều đất sống như hiện nay.

 

Về hành vi "tiếp sức" cho sự gian dối của hội đồng coi thi, theo tôi cần điều tra, tìm ra nguyên nhân để thay đổi hoặc tìm biện pháp hạn chế sự tiêu cực trong giáo dục, chứ không chỉ là xử lý người vi phạm.

 

Một thế hệ đang hướng đến sự tốt đẹp hơn trong cuộc sống mà giáo dục là chìa khoá, hy vọng các nhà quản lý thấy rõ điều này!

 

Hoàng Quốc Minh

email:  hoangquocminh.55@gmail.com