Bạn đọc viết

Quan hệ Việt - Mỹ và cơ hội cho cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey

Bob chỉ là một ví dụ cho sự thử thách đối với lòng vị tha truyền thống và để kiểm chứng tư duy của chúng ta trước một vận hội cho tương lai của con cháu mình chứ không phải là một vấn đề nan giải. Sự lựa chọn cuối cùng của chúng ta, hoặc làm cho chúng ta lớn lên hoặc làm cho chúng ta nhỏ bé

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2000, tại bữa tiệc Chủ tịch nước Trần Đức Lương khoản đãi quốc khách ở Phủ Chủ tịch, Tổng thống Bill Clinton đã đọc hai câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa; Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.”. Ông Bill Clinton muốn ngụ ý rằng quá khứ đau thương hãy khép lại, cùng nhau hướng tới tương lai, mở ra một giai đoạn phát triển mới, nồng ấm, tươi đẹp như mùa xuân, như "cúc nở hoa" trong quan hệ Việt-Mỹ. Đó là điều tất yếu sẽ đến trong mối bang giao hai nước như qui luật của tự nhiên "đông đà sang xuân".

Đầu tháng 7-2015, trong một lần hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kì, Phó Tổng thống Joe Biden cũng đã lẩy Kiều: "Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời" với một ngụ ý sâu sắc: Lịch sử có thể có những khúc quanh, những sai lầm nhưng cũng có nhiều cơ hội để sửa chữa, để hướng tới tương lai. Quan hệ Việt - Mỹ cũng vậy, sương đã tan, mây đã được vén, bầu trời quang đang đợi...

Tháng 5-2016, trước hơn 2.000 trí thức, sinh viên, doanh nhân trẻ Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Tổng thống Barack Obama kết thúc bài nói chuyện "chạm" vào trái tim người Việt Nam bằng hai câu Kiều của Nguyễn Du: “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”. Ông còn đọc thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, trích câu hát "Từ nay người biết thương người" trong bài hát của nhạc sỹ Văn Cao. Dư luận và báo chí không ngớt lời ca ngợi chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Obama và tin tưởng mối bang giao giữa hai nước vốn là cựu thù đã thực sự lật sang một chương mới tươi đẹp hơn.

Những động thái trên của người đứng đầu Nhà trắng qua các thời kì đều nhấn mạnh đến một điểm chung trong qua hệ Việt - Mỹ: Khép lại quá khứ đau thương bởi cuộc chiến tranh Việt Nam, hướng tới tương lai tươi sáng bằng niềm tin, bằng sự chân thành và thân thiện giữa hai quốc gia, hai dân tộc.

Thiện chí đó của hai bên được minh chứng ngay trong chuyến thăm của Tổng thống Obama: Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) được trao quyết định thành lập dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Đây là cơ sở giáo dục 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động không vì lợi nhuận. Trong phát biểu của mình tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tổng thống Obama cũng đã đặt nhiều kì vọng vào FUV.

Nhưng tâm điểm của dư luận mấy ngày qua không phải là niềm vui về sự ra đời của một đại học duy nhất tại Việt Nam được thiết kế theo mô hình giáo dục “khai phóng” mà là chuyện cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey, được bầu chọn làm Chủ tịch hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam.

Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu Bob Kerrey không phải là người chỉ huy đội đặc nhiệm gây ra cuộc thảm sát tại Khâu Băng, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre ngày 25/2/1969.

Dư luận hiện có nhiều ý kiến trái chiều nhưng tựu trung lại có hai luồng chủ yếu:

- Luồng ý kiến thứ nhất: "không thể bỏ qua" cho quá khứ tội lỗi của cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey và nên tìm một người khác thích hợp hơn để không phải khơi lại một vết thương cũ trong tâm trí người Việt Nam.

- Luồng ý kiến thứ hai: Ông Bob Kerrey đã nhận trách nhiệm về tội ác của mình, đã dũng cảm đối mặt với quá khứ. Lịch sử không thể quên nhưng hận thù có thể xóa. Hãy cho ông ấy cơ hội hành động chuộc lỗi.

Trong bài phát biểu ngày 24/5/2016 vừa qua tại Hà Nội, Tổng thống Barack Obama cũng đã khẳng định: “Chúng ta đã chứng minh rằng trái tim có thể thay đổi và rằng một tương lai khác sẽ đến nếu như chúng ta khước từ làm tù binh của quá khứ”. Điều đó thật đúng trong trường hợp của cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey.

Và không phải vô tình mà người Mỹ chọn cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey chứ không phải ai khác đảm nhận chức vụ Chủ tịch đầu tiên hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, cũng như gần hai thập kỉ trước, họ đã chọn một cựu tù binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam làm đại sứ đầu tiên tại Hà Nội, ông Pete Peterson. Không phải nước Mỹ không còn ai ngoài Bob Kerrey hay Pete Peterson.

Quả thực, đó là những sự lựa chọn rất Mỹ, như chính ông Bob Kerrey đã nói: "Tôi đã đối mặt với quá khứ của mình một cách thẳng thắn và trung thực". Đó có lẽ là cách tốt nhất để ông "trả nợ quá khứ", giải thoát lương tâm bằng hành động thiết thực vì Việt Nam. Bob đã từng nói: "Tôi muốn hành động để bù đắp đau thương".

Lẽ nào chúng ta lại không tạo cho ông một cơ hội? Dân tộc này vốn giàu lòng vị tha. Bởi thế mà cha ông xưa dù đã đánh cho kẻ thù tan tác vẫn "mở đường hiếu sinh" khi tướng giặc "như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng". Lại còn cấp thuyền, cấp ngựa để cho chúng về nước. Hòa hiếu, nhân văn là phẩm chất cao đẹp của dân tộc này.

Tôi hoàn toàn tán đồng quan điểm của nhà văn Nguyễn Quang Thiều: "Bob chỉ là một ví dụ cho sự thử thách đối với lòng vị tha truyền thống và để kiểm chứng tư duy của chúng ta trước một vận hội cho tương lai của con cháu mình chứ không phải là một vấn đề nan giải. Sự lựa chọn cuối cùng của chúng ta, hoặc làm cho chúng ta lớn lên hoặc làm cho chúng ta nhỏ bé!".

Hãy khép lại quá khứ để sống vì hiện tại và tương lai của đất nước.

Hãy cho Bob Kerrey một cơ hội. Chúng ta tin với thiện chí của mình ông sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp cho đất nước này trong cương vị Chủ tịch hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam.

Nguyễn Duy Xuân