Bạn đọc viết:

Nợ xấu từ góc nhìn doanh nghiệp

(Dân trí) - Một điều bất cập hiện nay trong chương trình giải cứu các doanh nghiệp (DN) là sự ràng buộc bởi các tiêu chí đánh giá DN. Phần lớn DN khó khăn hiện nay muốn được khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu nợ, bổ sung vốn… đều vướng các tiêu chí mà NHNN quy định.

Trong những tháng gần đây, việc đưa một số tội phạm ngân hàng (NH) ra ánh sáng và những động thái tích cực để làm trong sạch nhằm tái cấu trúc hệ thống NH là việc làm hết sức cần thiết, được đông đảo người dân hoan nghênh và hưởng ứng. Niềm tin về sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế đang được củng cố. Bởi lẽ, phần lớn những cá nhân, tổ chức kinh tế (gọi tắt là DN) ở Việt Nam chúng ta thiếu vốn/khát vốn nên đã, đang và sẽ trông chờ vào các khoản tài trợ vốn của các tổ chức tín dụng và các kênh huy động khác.

 

Tuy nhiên,  các khoản tài trợ chính vẫn là NH. Nhưng trong những năm qua, nhiều cá nhân, tổ chức tín dụng, kể cả các kênh “tín dụng đen” đã thao túng, lũng đoạn thị trường vốn ở nước ta. Những phần tử xấu đã tranh thủ cơ chế lỏng lẻo, quản lý còn có phần chưa tốt của NHNN mà ra sức vắt cạn sức lực của các DN, để lại hệ lụy xấu cho nền kinh tế. Đơn cử như: lợi dụng sự khát vốn của các DN, vin vào tốc độ lạm phát để nâng lãi suất cho vay nhằm trục lợi. Trong khi nhiều DN đình đốn, nền kinh tế suy thoái thì lại xuất hiện tình trạng nực cười và trớ trêu là phần lớn các NH thu về những món lợi “khủng”, lương nhân viên cao ngất ngưởng. Một số người đứng đầu các NH có mức lương hàng tỷ đồng/năm, thậm chí  còn được thưởng cao gấp nhiều lần.

 

Những người này có thể có tầm quan hệ lớn, dám làm… liều? Nhưng những món lợi này lấy ở đâu? Đó chính là mồ hôi, nước mắt và máu của các DN, là sức lực của nền kinh tế. Những người kinh doanh ai cũng biết, nhưng chính sách, cơ chế chưa sửa kịp nên họ đành phải lèo lái, chống chọi để cố vượt qua… cho đến lúc kiệt cùng dẫn đến nhiều trường hợp lâm trọng bệnh (nợ nần chồng chất, phá sản …)

 

Đã có rất nhiều tài sản thế chấp của các DN được giao nộp cho các tổ chức tín dụng, các đơn vị thi hành án để phát mãi tài sản trong tiếng nấc nghẹn ngào và để lại gánh nặng nợ nần trên đôi vai gầy của DN. Trong khi những món lợi thu về của các nhóm lợi ích kia chắc hẳn là thất đức, vì họ đã lợi dụng kẽ hở của cơ chế để vắt kiệt sức lực của các DN, xà xẻo nền kinh tế.
 
Một điều bất cập hiện nay trong chương trình giải cứu các DN là sự ràng buộc bởi các tiêu chí đánh giá DN. Phần lớn DN khó khăn hiện nay muốn được khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu nợ, bổ sung vốn… đều vướng các tiêu chí mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định.
 
Nợ xấu là mối lo ngại đáng kể của hệ thống tài chính (minh họa, nguồn: Doanh nhân Sài Gòn)
Nợ xấu là mối lo ngại đáng kể của hệ thống tài chính (minh họa, nguồn: Doanh nhân Sài Gòn)

 

Chúng tôi thấy thật đáng trách cho các nhà tham mưu (hay phải gọi là “âm mưu”?) của NHNN bởi đã tạo ra cơ chế, chính sách lại chỉ làm điêu đứng hoạt động của DN, gây bất ổn cho nền kinh tế! Đáng trách hệ thống quản lý của NHNN đã thiếu kiểm tra, kiểm soát (hoặc đã dung túng, bao che?)  cho nhóm lợi ích kia thao túng thị trường tiền tệ, ra sức hưởng lợi trên nỗi thống khổ của nhiều người, nhiều tổ chức.

 

Cũng theo chúng tôi thấy, những khuyết tật trên hiện đã ngấm sâu và  trở thành lỗi hệ thống bởi vì nó đã tồn tại nhiều năm liền, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. Cần phải sửa gấp lỗi hệ thống thì mới cứu được các DN, cứu được nền kinh tế!

 

Một điều bất cập hiện nay trong chương trình giải cứu các DN là sự ràng buộc bởi các tiêu chí đánh giá DN. Phần lớn các DN khó khăn hiện nay muốn được khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu nợ, bổ sung vốn… đều vướng các tiêu chí mà NHNN quy định. Tại sao lại nặng nề trong việc đánh giá "lịch sử" và khắt khe với các nhóm nợ trong "lịch sử" để có thái độ ứng xử trong cho vay? Đó có phải là sự thể hiện yếu kém trong việc thẩm định khách hàng của cán bộ tín dụng trong việc tìm hiểu khách hàng, hay là sự quản lý yếu kém của NH?

 

Cần phải nhìn nhận vào khả năng, tư cách và phương án mà khách hàng đưa ra cho hoạt động trong tương lai của họ thì hiệu quả mới cao được. Có thể những khách hàng đã gặp khó khăn, họ đã trả giá trong kinh doanh nên có kinh nghiệm và biết cách phòng tránh rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngành NH nên và cần thiết xem xét những yếu tố này.

 

Theo tôi, để làm được điều đó thì không thể chỉ tự các tổ chức tín dụng làm, mà cần có sự đồng thuận, sự cởi mở của NHNN tại điểm mấu chốt này. Ở đây có thể thí dụ rằng có trường hợp đã vay vốn tại một tổ chức tín dụng với một hạn mức 15 tỷ, nhưng số vốn cần có để hoạt động là 25 tỷ nên họ đã đặt vấn đề bổ sung tài sản thế chấp để nâng hạn mức, nhưng NH không chấp nhận. Do thiếu vốn nên họ phải mang hồ sơ đến tổ chức tín dụng khác để vay bổ sung, nhưng sau khi kiểm tra thông tin thấy DN này có "lịch sử" là đã vướng vào nhóm nợ xấu nên nên bị từ chối.

 

Thế là do quá kẹt vốn và do áp lực trong việc thanh toán lãi vay, nợ đến hạn hoặc phải đảo nợ, nên DN đành tìm đến “tín dụng đen” với lãi vay cắt cổ. Nhiều ND đã phải chữa cháy theo kiểu này, dẫn tới có những trường hợp bị xiết nợ, mất tài sản bởi tháo gỡ theo cách đó.

 

Vậy tại sao cơ chế lại trói chặt DN đến mức cùng đường như vậy? Tại sao “tín dụng đen” lại vẫn nhởn nhơ tồn tại được? “Tín dụng đen” bao giờ cũng đi kèm với bọn đòi nợ thuê (kiểu xã hội đen) – mà theo tôi nghĩ, đây là hình thức biến tướng từ không ít điểm cầm đồ đang hoạt động công khai và phổ biến. Đó là chưa kể khi khách hàng sắp hoặc đã vướng vào nợ xấu, thì cán bộ tín dụng của một số tổ chức tín dụng còn cung cấp thông tin cho “tín dụng đen” tiếp cận đảo nợ, hoặc cung cấp thông tin cho cánh môi giới bất động sản tìm đến mua tài sản ép giá.

 

Tôi nghĩ, để làm trong sạch hệ thống NH thì đồng thời cần dẹp bỏ đường dây “tín dụng đen”, dẹp bỏ các điểm cầm đồ trá hình như vậy ra khỏi xã hội. Và trước hết cần làm trong sạch bộ máy của NHNN, nâng cao trình độ quản lý của cán bộ NHNN, thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho cán bộ. Cần làm sao cho họ có ý thức hơn và  hiểu rõ rằng: cần luôn hướng tới lợi ích của các DN, vì đây là những người nộp thuế, đem lại lợi ích cho xã hội, nuôi sống guồng máy xã hội. Sự suy yếu của DN sẽ tác động trực tiếp vào nền kinh tế và ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội.

 

Lữ Bá Văn