Những nhóm lợi ích và góc khuất lộ diện từ các vụ án ở Ngân hàng

(Dân trí) - Nhìn lại từ các vụ án "nho nhỏ", do các loại nhân viên lừa đảo khách hàng và lừa đảo chính ngân hàng mình đang làm việc, cho đến những vụ án của các ông "trùm" cho thấy phần nào những góc khuất cần sớm giải mã

Những nhóm lợi ích và góc khuất lộ diện từ các vụ án ở Ngân hàng - Ảnh 1.

Các vụ án từ nhân viên ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng của khách hàng cho đến người đứng đầu các cơ quan có chức năng tài chính thuộc ngân hàng (như Cty cho thuê tài chính 2 – ALC II, khiến hai đối tượng bị tuyên án tử hình), hoặc như Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho ALC II vay hơn 1.000 tỉ đồng nhưng mất khả năng thu hồi vốn hơn 800 tỉ đồng (hậu quả, nguyên hai Tổng giám đốc BHXH VN bị khởi tố), thậm chí, đến những người đứng đầu một số ngân hàng như ông Trầm Bê, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Trần Bắc Hà … dính vào vòng lao lý cho thấy còn gì đó bất ổn trong hệ thống mà tưởng như phải được kiểm soát rất chặt chẽ này.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến 3 vụ án "đình đám" vi phạm pháp luật điển hình. Đó là, vụ án Phan Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ Việt Nam đồng xảy ra tại VietinBank ; vụ án ở ngân hàng Đông Á (DongABank) và vụ án của ông Trần Bắc Hà – nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).

Trong vụ án ở VietinBank, điều khó hình dung nhất, dù chỉ là một quyền trưởng phòng, Huyền Như có thể lừa đảo chiếm đoạt gần 5.000 tỷ đồng. Điều đáng nói là, thời gian phạm tội lừa đảo của Như diễn ra khá dài, từ năm 2007 đến thời điểm khởi tố (tháng 9.2011) với tổng số tiền huy động trong vụ án này lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, trong đó nguy cơ mất trắng 3.300 tỷ.

Ngoài việc sử dụng các mánh khóe trả lãi suất cao, Huyền Như sử dụng một loạt mánh khóe, các loại giả chữ ký, giả chứng từ, đánh tráo hồ sơ, thậm chí dùng hồ sơ giả để vay tiền của ViettinBank. Hành vi lừa đảo vừa tinh vi, vừa rất trắng trợn của Huyền Như đã qua mắt được các phòng chức năng, vốn kiểm tra chéo lẫn nhau rất chặt chẽ là điều không thể hình dung nổi

.Không chỉ vậy, Huyền Như không chỉ lừa đảo những cá nhân, mà lừa đảo được cả một số ngân hàng khác là điều thực sự nguy hiểm. Lỗ hổng ở đâu? Các ngân hàng bị lừa có phải họ hám lợi và ngây thơ khi tin vào Huyền Như? 

Mặt khác, dù Tòa tuyên Huyền Như phạm tội lừa đảo, nhưng các chuyên gia ngân hàng lẫn pháp lý vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về bản chất, đây là Tội lừa đảo hay Tội tham nhũng. Bởi lẽ, những đồng tiền được coi là bị lừa đảo này đã được chuyển vào VietinBank nhưng vẫn bị Huyền Như dễ dàng lấy ra như móc tiền trong túi áo. Đây là vấn đề rất lớn, rất cần mổ xẻ về pháp lý không chỉ nhằm quy trách nhiệm đúng người, đúng tội mà còn đảm bảo uy tín trong hệ thống ngân hàng quốc tế.

Nếu như ví dụ trên là hành vi của một cán bộ mèng mèng ở ngân hàng, thì trong vụ án xảy ra ở DongABank lại chính do Tổng giám đốc tự "chui đầu vào rọ". Chỉ xét riêng một nội dung đang được xét xử: Tổng giám đốc Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) không chỉ xuất khống 200 tỉ đồng cho Vũ "nhôm" để mua cổ phần của chính ngân hàng DongABank, mà còn chỉ đạo cấp dưới xuất tiền mặt trái nguyên tắc 294 tỉ đồng mua 13,9 triệu USD. Trong đó có đến 13,4 triệu USD mua giúp cho Vũ "nhôm"

.Điều đáng lưu ý trong hành vi này là, việc ông Phương Bình cho Vũ "nhôm" vay 13,4 triệu USD diễn ra nhiều lần trong thời gian khoảng 3 năm. Vì sao ông Bình phải cung cúc phục vụ Vũ "nhôm" như vậy vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải và chứa nhiều bí mật vẫn chưa được giải mã.Khi thành lập DongABank năm 1992, gia đình ông Bình chiếm hơn 10% cổ phần và không phải là cổ đông lớn nhất, nghĩa là ông Bình không có quyền quyết định, nhưng lại có thể khuynh đảo, thực hiện những giao dịch trái pháp luật nhiều năm trời. Vậy, việc thao túng của ông Bình phải chăng được HĐQT bật đèn xanh hay ông Bình quá giỏi khi qua mặt được tất cả? Nếu như một số ngân hàng thương mại cổ phần do tư nhân chi phối bị các ông chủ thao túng thì ngân hàng quốc doanh như BIDV, lại bị Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà lũng đoạn lại là chuyện đáng bàn hơn nhiều. Bởi, những ngân hàng do Nhà nước chi phối có đầy đủ các ban bệ trong nội bộ BIDV lẫn Ngân hàng Nhà nước kiểm tra cực kỳ chặt chẽ.

Hiện nay tuy chưa có cơ quan chức năng nào quy kết ông Bắc Hà kéo vây cánh lập "triều đại" đồng hương, nhưng những cán bộ bị khởi tố cùng ông Bắc Hà đã cho thấy phần nào sự thật đang được che đậy dưới những vỏ bọc bổ nhiệm "đúng quy trình" một cách bài bản. Chỉ riêng những dự án khủng như khu phức hợp khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp Thiên Hưng ở TP Quy Nhơn do các Cty của con gái, con trai ông Bắc Hà triển khai đã thấy phần nào tài sản chìm nổi của ông Bắc Hà lớn tới mức nào và câu hỏi đặt ra, số tiền khủng ấy từ đâu mà ra? Phải chăng, đó là hệ quả tồn tại "triều đại" đồng hương của ông Bắc Hà?

Còn dự án bò giống và bò thịt Bình Hà được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận với tổng mức đầu tư 4.582 tỷ đồng cho Cty CP chăn nuôi Bình Hà mới được thành lập trước đó 5 ngày đã cho thấy những điều rất không ổn. Trong đó, để triển khai dự án, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo BIDV chi nhánh Hà Tĩnh cho vay tới 3.162 tỉ đồng. Điều đó cho thấy, các khâu thẩm định, kiểm soát của hệ thống BIDV dưới thời ông Bắc Hà hầu như không có tác dụng gì khi mà ông Bắc Hà đã yêu cầu lầ phải thực hiện. Hậu quả, hiện dự án khủng này đã chết yểu. Cá nhân ông Bắc Hà lũng đoạn được một ngân hàng lớn nhất nhì của Nhà nước cho thấy, không chỉ của ngân hàng này, mà của cả hệ thống Ngân hàng Nhà nước đã bị qua mặt một cách khó hình dung.

Vì vậy, không chỉ là những cá nhân trong ngân hàng BIDV, mà những cán bộ có trách nhiệm, phụ trách, theo dõi trực tiếp ngân hàng này cũng phải chịu trách nhiệm, giống như nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ án ngân hàng VNCB vừa kết thúc..

Vương Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm