Những câu hỏi lớn về tai nạn giao thông

(Dân trí) - Đã đến lúc, chúng ta cần nhìn thẳng sự thật, từ chuyện lái xe nghiện ma túy, dữ liệu hộp đen không truyền tải về cơ quan chức năng, cho đến không có hè đường cho người đi bộ, cầu vượt cho người đi bộ lại gây nguy hiểm cho người đi bộ,… là cách làm tắc trách những cơ quan quản lý.

danviet.jpg

Cầu vượt cho người đi bộ được mở thẳng xuống làn xe thô sơ (Ảnh DV)

Thêm vụ xe tải tông liên hoàn vào những người đi bộ khiến 8 người bị chết, nhiều người bị thương, khiến dư luận cảm thấy bất an khi ra khỏi nhà và dường như quá mức chịu đựng.

Vậy, vì sao rút kinh nghiệm nhiều, tổng kiểm tra lắm, nhưng những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ngày càng nhiều? Đây là câu hỏi mà dư luận đang chờ các cơ quan chức năng sớm giải đáp.

Với những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gần đây, nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất, phần lớn cho rằng do lái xe sử dụng chất kích thích, lạm dụng ma túy. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Mặt khác, vấn nạn này các cơ quan chức năng đều biết, nhưng vì sao mãi đến lúc này mới tổng kiểm tra các lái xe container? Vấn đề là, có phải chỉ  những lái xe container, xe khách đường dài hay sử dụng ma túy nhằm chống mệt mỏi hay nó đã là hiện tượng tràn lan ở nhiều giới? Phải chăng, cho đến vấn nạn khác xảy ra, chẳng hạn cướp của, giết người nghiêm trọng xảy ra nhiều nhiều, các cơ quan chức năng mới tổng kiểm tra nạn ma túy, cờ bạc? Nếu vậy, e rằng quá muộn.

Thứ hai, từ lâu, các cơ quan chức năng và công luận đã nhắc đến việc cần xử lý cả các chủ xe thuê lái xe gây tai nạn, bởi họ là những người cố tình ép (bằng nhiều cách) buộc lái xe phải chạy quá sức của con người. Nhưng vì sao, các cơ quan hữu quan vẫn chưa có một chế tài hữu hiệu để thực hiện giải pháp phạt, khởi tố cả các chủ xe mỗi khi có sự cố nghiêm trọng xảy ra?

Thứ ba, điều mà người dân vẫn không thể hình dung được là, với một số loại xe yêu cầu phải có hộp đen và truyền các dữ liệu về Tổng cục Đường bộ vẫn không được thực thi nghiêm túc. Khi xảy ra tai nạn ở Hải Dương vừa qua, dư luận mới biết, hóa ra, những dữ liệu ở hộp đen của chiếc xe tải này đã không được truyền về Tổng cục Đường bộ như yêu cầu. Sao chỉ đến lúc này, dư luận mới biết những chuyện quan trọng  như thế này đã không được thực hiện.

Những câu hỏi phải đặt ra ở đây là: Số xe yêu cầu phải lắp đặt hộp đen đã thực hiện được bao phần trăm? Trong số xe đã lắp đặt hộp đen đó, có bao nhiêu phần trăm được truyền thông tin về cơ quan quản lý chuyên ngành? Và, Tổng cục Đường bộ đã có những yêu cầu gì với các chủ sử dụng các phương tiện giao thông chưa chấp hành và có đề xuất nào những chế tài mạnh mẽ hơn với Bộ GTVT, với các bộ, ngành hữu quan để ngăn ngừa những vụ tai nạn thảm khốc?

Cuối cùng, vấn nạn giao thông còn do nguyên nhân mà ai cũng thấy: Không có vỉa hè cho người đi bộ. Nhìn lại vụ tai nạn giao thông ở phố Ngọc Khánh, Hà Nội (khiến bà cụ bị tử vong) vừa qua, chúng ta thấy rất rõ, đây là một trong nhiều tuyến phố ở Hà Nội hầu như không còn vỉa hè cho người đi bộ. Và ai sống ở Hà Nội cũng thấy, người đi bộ luôn thấp thỏm lo âu những chiếc xe máy, ô tô húc vào lưng mình. Vậy nhưng, vì sao nhiều tuyến phố ở Hà Nội lẫn TP HCM, với nhiều tuyên bố mạnh mẽ trong các đợt ra quân, vẫn không thể giành lại vỉa hè cho người đi bộ?

Về vấn nạn này, sau khi thị sát hiện trường vụ tai nạn khiến 8 người thiệt mạng xảy ra chiều 21.1 trên quốc lộ 5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phải thốt lên: “Chúng ta làm cầu vượt nhưng lối lên xuống lại chung với làn xe thô sơ như vậy là hết sức nguy hiểm". Vậy, việc cầu vượt dành cho người đi bộ mà lại gây “hết sức nguy hiểm” cho người đi bộ là vấn đề không thể chấp nhận được. Nhưng trớ trêu là, chỉ đến khi tai nạn cực kỳ nghiêm trọng xảy ra, điều “hết sức nguy hiểm” mới được chính ông Bộ trưởng Bộ GTVT phát hiện. Không còn gì để nói. Rõ ràng, chuyện cầu vượt này không thể đổ lỗi cho vấn đề tài chính, bởi không có gì có thể so sánh với tính mạng con người.

Đã đến lúc, chúng ta cần nhìn thẳng sự thật, từ chuyện cầu vượt, lái xe nghiện ma túy, dữ liệu hộp đen không truyền tải về cơ quan chức năng, không có hè đường cho người đi bộ… là cách làm việc tắc trách của những cá nhân, những cơ quan hữu trách. Các đợt tổng kiểm tra, tổng rà soát sau các vụ tai nạn nghiêm trọng là quá chậm trễ và vẫn chỉ là động thái “chữa cháy”.

Vương Hà