Nhà "không phép" của Mỹ Linh, Thành Chương: Xử sao cho đẹp cảnh, vẹn tình

(Dân trí) - Ý kiến của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và mới nhất là của GS Đặng Hùng Võ càng khiến cuộc tranh luận xoay quanh chuyện xây dựng nhà của Mỹ Linh và Thành Chương tại Sóc Sơn thêm gay cấn. Mỗi bình luận đểu gặt hái ngay nhiều phản hồi ủng hộ hoặc phản đối.

Nhà không phép của Mỹ Linh, Thành Chương: Xử sao cho đẹp
Biệt thự của ca sỹ Mỹ Linh tại Sóc Sơn, theo kết luận của Thanh tra sở TNMT Hà Nội là xây nhà ở trên đất rừng phòng hộ

 

Trong khuôn khổ bài tập hợp ý kiến chung của dư luận về đề tài đang gây tranh cãi khá gay gắt này, trước hết chúng tôi giới thiệu tiếp một số tâm ý có thể coi như đại diện cho những người gần với trong cuộc nhất. Đó là những bạn đọc tự giới thiệu mình là cư dân của chính vùng đất Sóc Sơn:

 

1/. “Tôi cảm thấy nhiều người bình luận rất kiểu phong trào, lý thuyết suông…. Tôi là người con Sóc Sơn và hiểu rõ miền đất này. Đây là huyện nghèo nhất thủ đô Hà Nội (tính đến thời điểm chưa sáp nhập với Hà Tây và Hòa Bình), các bác có biết Sóc Sơn có bao nhiêu đất rừng không, bao nhiêu diện tích rừng phòng hộ bị chặt và cháy hàng năm không? Nhiều vô kể. Sao không ai nghĩ cách khắc phục việc chặt phá hay đốt rừng nhỉ?

 

Trong khi diện tích đất mà Phủ Thành Chương và một số gia đình có điều kiện xây dựng nếu có so với diện tích rừng thì chỉ như hạt cát trên sa mạc thôi. Tôi cảm nhận rằng chỉ những người có tâm huyết thực sự mới đến vùng đất này nghiên cứu và xây dựng các công trình đẹp như vậy bằng mồ hôi, nước mắt, tiền bạc và thậm chí cả máu của họ nữa. Các bác không nên cứ ngồi đó mà “chém gió”, mà “soi”, mà phản biện phải thế nọ, phải thế kia, viện dẫn ra luật nọ, phép kia…

 

Đất của phủ Thành Chương không phải vốn là rừng đâu, các bác ạ. Vốn là đồi trọc đấy và đồi trọc ở Sóc Sơn còn nhiều. Bản thân tôi cũng có đồi trọc mà có làm gì cho nó tốt hơn được đâu, ngoài việc trồng mấy cái cây gỗ tạp rồi lại bị chặt trộm mất. Sóc Sơn còn có cả bãi rác của Hà Nội, chả ai buồn đến đó ngoại trừ người dân chúng tôi. Nhà tôi gần bãi rác Nam Sơn đó, đất đồi rộng mênh mông, đang bỏ không. Ai can đảm đến quê tôi mở phủ đi, tôi hiến đất cho, không lấy 1 xu. Mở nhiều phủ vào, xây nhiều công trình ý nghĩa vào! Chứ tôi toàn thấy nói đến nào xây dựng khu công nghiệp xử lý rác, nào nghĩa trang sinh thái, gì gì đó nữa... nghe mà nản!

 

Mấy bác anh hùng bàn phím có lấy đất đồi ở Sóc Sơn không, liên hệ với tôi nhé, tôi biếu luôn, nhỏ cũng xấp xỉ phủ Thành Chương. Cho các bác trồng cây bảo vệ môi trường, sau này khai thác gỗ tôi sẽ lo giúp đầu ra. Cảm ơn những bác ủng hộ Phủ Thành Chương cùng các công trình văn hóa, nghệ thuật và những gì làm đẹp cho Sóc Sơn quê tôi. Cảm ơn bác Chương đã giúp Sóc Sơn có thêm một công trình văn hóa khiến nhiều người biết đến vùng đất này.

 

Tôi muốn nói thêm rằng, dù có trồng cây kín mít diện tích của Phủ Thành Chương chắc cũng không hạn chế được việc sử dụng túi nilon hay xả rác bừa bãi ra đâu. Giá mà các vị chức năng làm cách nào đó để có thể giúp Sóc Sơn không còn những con đường đất đỏ lầy lội, ngập ngụa thì tốt biết mấy. Dân chúng tôi nghèo, có muốn cũng không tự làm được...” - TienDN:  nguoiayngayxua@gmail.com

 

“Tôi cũng ở Sóc Sơn. Tôi thấy đất ở đây cằn cỗi, không trồng được những loại cây có giá trị, chỉ là những cây bụi. Khi đất để hoang thì không thấy ai có ý kiến trồng rừng phủ xanh đất, đến  khi thấy người ta bỏ tiền bỏ của để biến nó thành một 'thiên đường' thì lại tìm cách… Đây phải chăng là kiểu…Đau lòng!” - Nhung Pham:  haopham0350@yahoo.com.vn

 
Nhà không phép của Mỹ Linh, Thành Chương: Xử sao cho đẹp
Phủ Thành Chương bị cho xây dựng vì mục đích kinh doanh và kết luận xây dựng trái phép... (ảnh: Đất Việt) 
 

2/. Tiếp đó là bình thể hiện một góc nhìn khác từ khá xa về chuyện đang rất được dư luận quan tâm này:

 

“Tôi là một Việt kiều ở nước Anh, chưa về thăm Việt Phủ Thành Chương lần nào. Nhưng qua mạng và thông tin trên báo chí về Việt phủ này, tôi cảm thấy rằng tìm được người có tâm huyết xây dựng lên một Việt phủ như vậy ở nước ta cũng thật là hiếm hoi. Bao nhiêu công sức và tiển bạc của người nghệ sĩ đã đổ vào đây để làm nên một điểm du lịch và gìn giữ văn hóa Việt từ nhiều năm qua như thế, cho chúng ta thấy đó là việc làm thật đáng tự hào để góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Chúng ta cần động viên và giúp đỡ họ tiếp tục phát huy và bảo tồn những thành quả đó. Tôi nghĩ, cho dù là có vi phạm thì tại sao chính quyền không giải thích cho bác Thành Chương ngay từ đầu, để bác không tốn thời gian đầu tư vào đó nữa? Nay đang có tiếng vang và người Việt ở khắp nơi cũng đang tự hào về Việt Phủ thì lại đòi hủy bỏ? Thật là vô lý? Các nước khác người ta vô cùng trân trọng giá trị nghệ thuật văn hóa của dân tộc, trân trọng các nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. Còn nước mình mà làm như thế thì… buồn hết chỗ nói!!!” - Vu Kim Thanh:  vktlondon@yahoo.co.uk

 

3/. Và phản hồi dưới đây có điểm chung với khá đông trong hàng ngàn ý kiến bạn đọc đã bày tỏ quan điểm về cách xử lý chuyện xây nhà của hai nghệ sĩ này sao cho đẹp, cho có lý có tình:

 

“Cấp phép sai thì phạt, phạt người cấp phép. Còn nếu mà công trình không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, quốc phòng an ninh, dân sinh...thì cũng nên để lại, coi đó như một nét đẹp văn hóa. Hàng trăm năm sau vẫn tồn tại như một chứng tích lịch sử. Giả sử những đồ cổ đó rơi vào tay  những kẻ buôn lậu, chạy ra nước ngoài, thử hỏi liệu ta có còn giữ được ở đó - ở tại nơi mà ông cha ta đã làm nên? Tôi nghĩ, các cụ ở dưới suối vàng chắc cũng muốn những tác phẩm nghệ thuật mà họ tạo ra bằng bàn tay khối óc vẫn được lưu giữ, được bảo tồn.

 

Tôi đã từng đến đó (Việt phủ Thành Chương) và rất ngưỡng mộ sự tinh tế, tỷ mỷ, kỳ công trong mỗi đường nét. Đáng được ngợi khen. Còn xưa kia Vua Chúa xây dựng lăng tẩm, biết ao máu và nước mắt đã đổ xuống những công trình đó... Khi ấy có lẽ người dân cũng đã có những phản ứng không tích cực. Nhưng đến nay, chúng ta hiểu được giá trị của những công trình ấy, đó cũng là nét văn hóa… Và vẫn ngày một trùng tu, tôn tạo, bảo vệ... Tôi nghĩ nếu phá bỏ đi Việt Phủ, liệu các thế hệ sau này sẽ cảm nhận gì về thế hệ đi trước là chúng ta? Hãy cùng suy ngẫm thêm!” - Dân Thường:  trongphuc7682@yahoo.com

 

Quả vậy, nên chăng cùng suy ngẫm thêm!

 

Khánh Tùng