Nguyên nhân thành công trong lĩnh vực CNTT-TT
(Dân trí) - Để minh họa về nguyên nhân thành công của đề tài, dự án thuộc lĩnh vực CNTT-TT , xin nêu 4 đề tài nhằm góp phần “phòng, chống và giảm nhẹ hậu quả của thiên tai” và “hỗ trợ phát triển kinh tế biển và bảo vệ vùng lãnh hải Việt Nam trên biển Đông”.
1. Tóm tắt lịch sử hình thành và nội dung của 4 đề tài tiêu biểu
a) Về phòng, chống, giảm nhẹ hậu quả của thiên tai
Nằm trong khu vực gió mùa nhiệt đới và vùng ảnh hưởng trực tiếp của ổ bão châu Á - Thái Bình Dương, một trong 5 ổ bão của toàn cầu, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có tần số thiên tai cao nhất thế giới, với những loại thiên tai phổ biến như bão, vòi rồng, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai và giảm nhẹ hậu quả đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn vào tháng 7/2007. Sau đây là một số công trình mà các nhà khoa học Việt Nam đã thực hiện nhằm góp phần phòng chống thiên tai và giảm nhẹ hậu quả.
- Dự án trạm thu và xử lý ảnh từ các vệ tinh quốc tế quan trắc Trái Đất
Trạm mặt đất ENMRS tại Từ Liêm HN
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn riêng trước khi chính thức phê duyệt Quy hoạch, và tháng 7/2005 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký hợp đồng với tập đoàn châu Âu EADS đặt hàng một hệ thống kỹ thuật hoàn chỉnh để giám sát môi trường và tài nguyên thiên nhiên gọi là ENRMS (Environmental and Natural Resources Monitoring System), giao cho Trung tâm Viễn thám Quốc gia Việt Nam quản lý và vận hành.
Ngày 9/7/ 2009, trạm mặt đất thu ảnh vệ tinh viễn thám (đặt ở Từ Liêm, Hà Nội) đã được khánh thành.
Đây là trạm đầu tiên ở châu Á có khả năng thu ảnh của vệ tinh Envisat, mà trước đó chỉ có các trạm ở châu Âu thu được. Thiết bị kỹ thuật lắp đặt tại trạm có khả năng tự điều hành cao hơn so với 4 trạm khác trong khu vực Đông nam Á.
Với khả năng tiếp thu, xử lý, lập catalog và lưu trữ dữ liệu ảnh từ các vệ tinh Spot 2, Spot 4 và Spot 5 (độ phân giải 2,5 m); Envisat Asar (ảnh radar); Envisat Meris (phổ kế 15 kênh), Trung tâm Dữ liệu Viễn thám hoàn toàn đáp ứng được những nhiệm vụ mà nhóm chuyên gia xây dựng Quy hoạch đã đề ra.
Hình ảnh từ các vệ tinh Spot và từ thiết bị ASAR (Advanced Syntheric Aperture Radar) của vệ tinh Envisat phục vụ trực tiếp cho các dự án kiểm kê và giám sát đất đai, kiểm kê rừng, và cập nhật cơ sở dữ liệu địa lý quốc gia, thiết lập và hiệu chỉnh bản đồ biển và các hải đảo, đảm bảo giám sát các vùng ô nhiễm, lũ lụt ... Còn ảnh từ thiết bị MERIS (Medium Resolution Imaging Spectrometer) của vệ tinh Envisat dùng cho việc nghiên cứu môi trường thiên nhiên của biển, như: độ mặn nước biển, sự dịch chuyển trầm tích, đóng góp đầy đủ dữ liệu cho việc đánh cá xa bờ, nghiên cứu ngư nghiệp và quản lý dải ven biển.
- Dự án phóng vệ tinh viễn thám nhỏ (mini-satellite) của Viện Công nghệ Vũ trụ Việt Nam
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Dự án VNREDSAT-1 được thực hiện trong giai đoạn 2010-2014, với tổng mức đầu tư 55,8 triệu Euro từ vốn vay của Pháp và 64,82 tỉ đồng vốn đối ứng của Việt Nam.
Theo hợp đồng trị giá 55.8 triệu Euro ký với Viện Công nghệ Vũ trụ Việt Nam, công ty Astrium có trách nhiệm cung cấp quả vệ tinh, trạm điều khiển vệ tinh và xử lý ảnh, chuyển giao công nghệ, và đào tạo 15 kỹ sư Việt Nam.
Để tập dượt cán bộ trước khi phóng VNREDSat-1, Viện Công nghệ Vũ trụ Việt Nam có kế hoạch phóng một vệ tinh Pico mang tên Pico-Dragon (Rồng nhỏ) với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
Toàn bộ quá trình từ thiết kế đến lắp ráp, thử nghiệm, đưa lên quỹ đạo và điều khiển vệ tinh trên quỹ đạo (in-orbit-control) được giao phó cho một nhóm kỹ sư trẻ. Mô hình kỹ thuật của Pico-Dragon đã được hoàn thành tháng 5 năm 2009, kích thước chỉ bằng một hộp phấn:10x10x10cm, trọng lượng chưa tới 2kg. Chỉ còn chờ được phóng trên cùng một tên lửa đẩy với những vệ tinh cùng cỡ của các nước khác. Ngân sách cấp cho dự án nầy (kể cả chi phí đưa lên quỹ đạo) khoảng 100.000 USD.
Trạm BTS trên hải đảo bmp
Cũng nhằm mục đích tập dượt, đầu năm 2009 tập đoàn FPT đã thành lập Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Vũ trụ Fspace, thiết kế và sản xuất một vệ tinh nano lấy tên là F-1, đã sẵn sàng để đưa lên quỹ đạo thấp LEO (Low Earth Orbit, cao độ 600-800km) vào năm 2011.
F-1 có kích thước 10x10x30cm, nặng 3kg, được cấp điện từ 4 tấm pin mặt trời, mang theo một camera có độ phân giải cao, hai camera có độ phân giải thấp, và các cảm biến đo nhiệt độ, cường độ từ trường, để thu thập dữ liệu về môi trường không gian cũng như chụp ảnh trái đất từ trên quỹ đạo.
Tổng kinh phí cấp cho dự án là 80.000 USD, chưa kể chi phí để đưa lên quỹ đạo.
b) Về hỗ trợ phát triển kinh tế biển và bảo vệ vùng lãnh hải Việt Nam trên biển Đông.
Viettel thiết kế và sản xuất thiết bị Seaphone 6810, kết hợp điện thoại di động, đầu thu định vị toàn cầu (GPS), và máy thu thanh AM / FM dùng cho các tàu đánh cá xa bờ.
Nhằm cung cấp cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ những phương tiện thông tin liên lạc hiệu quả và có độ tin cậy cao để phục vụ công tác cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp, công ty Viettel Technologies đã thiết kế và sản xuất thiết bị GSM Seaphone 6810, bắt đầu đưa ra thị trường từ tháng 6 năm 2010.
Thiết bị này cho phép tàu đánh cá xa bờ liên lạc thoại với đất liền,với tàu tuần tra của Hải quân, cũng như giữa các tàu thuyền đánh cá với nhau.
SeaPhone 6810 là một sản phẩm tích hợp 3 trong 1, gồm: điện thoại di động GSM, đầu thu định vị toàn cầu (GPS), và máy thu thanh AM / FM. Ngư dân có thể nhận được các bản tin thời tiết từ các đài phát thanh trung ương hay địa phương, và có thể liên hệ nhanh chóng với tổ chức cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp. SeaPhone 6810 sử dụng ăng-ten ngoài có hệ số hướng tính cao, do đó cự ly liên lạc có thể đạt 120 km, xa hơn 30% so với các điện thoại di động thông thường. Ngoài ra, thiết bị GPS tích hợp giúp xác định tọa độ hiện tại của tàu cá và hiện lên màn hình LCD của SeaPhone 6810.
Seaphone 6810 bmp
Được thiết kế đặc biệt cho các tàu thuyền đánh cá, SeaPhone 6810 chịu được môi trường nước biển với độ ẩm cao, không để lọt nước, chịu được va đập, hoàn toàn đáp ứng chuẩn IPx5 của thiết bị quân dụng. Ngoài ra, còn có các bộ lọc nhiễu nền để bảo đảm thông tin ổn định trong môi trường biển có nhiều tạp nhiễu.
Trong tương lai rất gần, Viettel Technologies sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để phát triển một hệ phần mềm đặc biệt cho SeaPhone 6810, làm cho thiết bị này có thể hỗ trợ công tác giám sát, cứu hộ, cứu nạn đối với tàu đánh cá xa bờ.
Viettel thiết kế và thi công mạng các trạm BTS suốt dọc vùng duyên hải Việt Nam và trên các đảo xa thuộc chủ quyền của nước ta.
Công ty Viettel đã đi tiên phong trong việc xây dựng các trạm BTS (Base Transceiver Station, - trạm nối thiết bị đầu cuối của thuê bao với mạng) dọc theo đường duyên hải Việt Nam để hỗ trợ tuần tra quân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm và cứu nạn trên biển, và đánh bắt hải sản. Suốt dọc đường duyên hải từ Quảng Ninh đến tận Kiên Giang có 81 trạm BTS của mạng Viettel. Kết hợp với các trạm cũng do Viettel lắp đặt trước đấy trên các đảo xa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đã triển khai được một vùng phủ sóng rộng lớn trên lãnh hải nước ta. Phần lớn ngư dân Việt Nam đánh cá cách bờ biển khoảng 30 đến 50 hải lý (55km-93km), nhưng ngư dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, ngay cả ở một số điểm cách bờ đến 100 km điện thoại di động của họ vẫn bắt được sóng của Viettel.
Lắp đặt BTS trên các đảo xa tràn đầy nắng to, gió lớn, môi trường có nồng độ muối cao, là một vấn đề mới và khó, thế mà một loạt trạm BTS đã được dựng lên ở quần đảo Trường Sa.
Viettel đặt ra mục đích tối thượng là đưa thông tin di động đến với ngư dân trên biển, với cư dân sống trên các đảo lẻ loi và xa xôi, với công nhân viên trên các giàn khoan dầu khí, vv ... nên đã nỗ lực tìm mọi giải pháp để mở rộng cự ly liên lạc. Tháng 7/2009, Viettel lần đầu tiên thành công trong việc mở rộng cự ly liên lạc ra một trạm cách bờ 100km nhờ tìm được điểm đặt và chiều cao thích hợp của tháp ăng ten.
2. Những nguyên nhân thành công của các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực CN TT-TT
- Căn cứ lựa chọn đề tài: nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an ninh quốc phòng cũng như cuộc sống và sức khỏe của nhân dân. 4 đề tài, dự án nêu ra ở trên là do yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Cần có quy hoạch ngành của nhà nước trong từng giai đoạn, trước khi xây dựng dự án, đề tài. Dự án ENRMS, đề tài vệ tinh mini VNREDSat dễ được Thủ tướng phê chuẩn vì đã có “Quy hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám ở Việt Nam đến năm 2010” và “'Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”.
- Khai thác tính kế thừa trong nghiên cứu KH: Trong nhóm chuyên gia liên bộ xây dựng "Quy hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám" nhiều người trước đây đã làm công tác viễn thám bằng ảnh máy bay hoặc ảnh vệ tinh mua của nước ngoài. Hầu hết đã được đi thực tập ở Liên Xô, Pháp, hoặc một số nước láng giềng châu Á, đã tự viết một số chương trình xử lý ảnh viễn thám. Chính lực lượng này đảm đương, và đào tạo thêm cán bộ trẻ để quản lý và khai thác trạm mặt đất thu ảnh vệ tinh viễn thám (đặt ở Từ Liêm). Tương tự, trong vấn đề mở rộng cự ly liên lạc giữa các trạm BTS cán bộ Viettel đã vận dụng kinh nghiệm của các bậc đàn anh trong Bộ Tư lệnh Thông tin để lợi dụng quy luật truyền sóng qua tầng đối lưu ở vùng ven biển nhiệt đới của nước ta.
- Vận dụng những thành tựu khoa học và sử dụng những công nghệ mới nhất: Như trên đã mô tả, trạm thu ảnh vệ tinh thuộc hê ENRMS dùng những công nghệ mới nhất so với khu vực, thậm chí cả với châu Á (thu được ảnh rađa của vệ tinh Envisat) làm cho Việt Nam không những có ảnh vệ tinh cho nhu cầu trong nước, mà còn có thể trao đổi với các nước khác trong vùng. Tương tự, thiết bị điện tử SeaPhone 6810 gắn thêm một phần mềm tin học chuyên dung sẽ trở thành thiết bị đặc chủng hỗ trợ công tác giám sát, cứu hộ, cứu nạn đối với tàu đánh cá xa bờ.
- Đào tạo cán bộ đi trước một bước: Trước khi thành lập Viện Công nghệ Vũ trụ Việt Nam và xây dựng Chương trình trọng điểm cấp nhà nước về Công nghệ Vũ trụ trong đó có đề tài Vệ tinh viễn thám mini VNREDSat, Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã cho một nhóm chuyên gia trẻ đi thực tập về vệ tinh nhỏ cả ở Hàn quốc và ở trường đại học Surrey (Anh). Do đó, khi đăng ký được đề tài thì đã có sẵn một nhóm hạt nhân cho đội ngũ nghiên cứu.
- Quyết tâm của cơ quan chủ quản: Tiền mà Bộ Khoa học và Công nghệ duyệt cho đề tài không bao giờ đủ cho sự triển khai trọn vẹn đề tài. Ngoài nhân lực, thiết bị chuyên dùng, cơ sở hạ tầng, cơ quan chủ quản còn phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn trong vốn sự nghiệp của ngành mới có thể giúp cho đề tài thành công được. Khi đưa kết quả nghiên cứu ra ứng dụng trong thực tế, để đi đến cùng cơ quan chủ quản cũng phải gồng mình chịu lỗ về kinh doanh để có “lãi” về công ích, chẳng hạn để xây dựng một trạm BTS trên đảo, Viettel phải bỏ ra chi phí gấp 4 lần so với xây trạm trên đất liền, nhưng doanh thu về thông tin di động trên một vùng “biển rộng, người thưa” như vậy lấy đâu ra lãi! Chính phủ đang xem xét lập quỹ hỗ trợ cho các xí nghiệp làm các dịch vụ công ích.
GS. Nguyễn Văn Ngọ
LTS Dân trí - Sự thành công của các đề tài và dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông được giới thiệu trong bài viết trên đây thật đáng trân trọng vì vừa có giá trị khoa học vừa có ý nghĩa thực tiễn, góp phần tích cực vào việc phòng chống và giảm nhẹ hậu quả thiên tai; hỗ trợ phát triển kinh tế biển và bảo lãnh hải Việt Nam trên biển Đông.
Nguyên nhân thành công của các đề tài, dự án nói trên cũng là kinh nghiệm đáng được tham khảo và vận dụng vào việc xây dựng và triển khai các đề tài và dự án khoa học công nghệ nói chung ở nước ta để làm sao đạt được hiệu quả và mục tiêu đề ra, tránh lãng phí tiền của và công sức mà không đem lại giá trị ứng dụng.