Ngoại ngữ, tại sao không?
(Dân trí) - Bộ GDDT vừa có đề xuất (Dự thảo) các môn thi cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2014 và có thể sẽ áp dụng cho những năm tiếp theo. Lướt qua Dự thảo đăng tải trên báo, người viết bài có mấy cảm nhận như sau:
1/. Lâu nay, chính sách của Bộ GDDT hoặc thay đổi như thời tiết, hoặc theo kiểu đèn cù…tít mù chạy vòng quanh.
2/. Ít dựa trên những cơ sở khoa học và thực tế đòi hỏi của cuộc sống, nhưng luôn được mệnh danh/cài mấy chữ “dưới ánh sáng của Nghị quyết X, Y…của TW.
3/. Cải tiến, đổi mới nhưng đã chứa đựng trong đó nhiều bất cập khó tránh của căn bệnh thành tích, gián tiếp bật đèn xanh cho việc chạy chọt (sẽ có khoảng 20% học sinh lớp 12 được miễn thi chẳng hạn).
Học gì thi nấy
Học và thi chẳng có gì phải tranh luận quá nhiều. Dạy-Học-Kiểm tra, Đánh giá-Thi là quá trình phải có ở bất kỳ cấp học nào, ở bất kỳ nền giáo dục nào. Ai đã từng đứng trên bục giảng, đã từng may mắn làm quản lý GD đều hiểu tại sao. Và chuyện học môn gì thi môn ấy đã cũ như… Trái Đất. Tuy nhiên, thi tốt nghiệp sau 1 bậc/cấp học thì có khác, không thể cứng nhắc cũng như thay đổi xoành xoạnh như trò chơi ú tim. Khiến cả thầy và trò cứ phải đoán già đoán non cho đến khi đài, báo, tivi công bố môn thi mới... thở phào, rồi lao vào “cày” các môn phải/được thi, còn các môn khác “vứt” hết, thậm chí “đốt” hết…cho nhẹ cặp.
Hiện tượng này, chắc chẳng ở đâu như Việt Nam mình!!!
Bỏ thi, bớt môn thi để giảm áp lực…
Nhiều năm gần đây đã có không ít ý kiến của không chỉ một số phụ huynh, mà đáng chú ý là ý kiến của một số người trong ngành GD, một số từng đứng trên bục giảng đại học, có hàm Giáo sư, có người nay ở vị trí giới chức cấp cao cũng đã có phát biểu xanh rờn rằng: nên bỏ thi tốt nghiệp phổ thông. Và đã có không ít ý kiến phản đối, thậm chí khá gay gắt rằng: ông/bà ấy chẳng hiểu gì giáo dục, nói năng thiếu cân nhắc….
Bỏ thi tốt nghiệp phổ thông (Tú tài) là những ý kiến hời hợt, nhất thời, không thể chấp nhận. Trên thế giới có mấy quốc gia dám bỏ kỳ thi này? Có nơi bỏ nhưng chẳng bao lâu đã phải nhanh chóng phục hồi. Giờ đây chắc hẳn không còn ai đề xuất bỏ thi tốt nghiệp phổ thông nữa.
Chỉ thi hai môn bắt buộc
Dự thảo của Bộ GDDT về kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2014 dường như đã nhận được nhiều đồng tình của xã hội. Nhưng….
Hai môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn (tiếng Việt). Còn lại, thí sinh được tự chọn 2 môn (thành 4 môn thi) trong 5 môn đề xuất: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Như thế, từ nay học sinh lớp 12 chỉ phải thi tốt nghiệp 4 môn. Trong 5 môn mà Bộ đề xuất để thí sinh chọn, liệu đã hợp lý chưa? Tại sao chỉ có 5 môn này? Người viết cũng như nhiều người nghĩ đây là những môn học mà Bộ GDDT cho là quan trọng.
Vậy môn Ngoại ngữ? Mặc dù trong dự thảo Bộ hướng dẫn thí sinh có thể đăng ký thi để được cộng điểm khuyến khích, nhưng sẽ có bao nhiêu phần trăm thí sinh đăng ký thi môn Ngoại ngữ? Dù ít hay nhiều thì sự chuẩn bị về vật chất, về nhân sự cho 1 môn thi là không hề nhỏ, không hề đơn giản. Và lại áp lực!
Môn Ngoại ngữ đã được dạy - học ở các bậc học phổ thông hơn nửa thế kỷ nay vì tầm quan trọng của nó. Quốc gia láng giềng của chúng ta, có nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, từ nhiều năm nay họ tổ chức thi tuyển vào tất cả các trường đại học chỉ gồm 3 môn (đúng như khối D của chúng ta): Toán, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh. Tại sao chỉ 3 môn này? Nghĩa là chỉ duy nhất 1 khối thi. Câu trả lời xin dành cho các GS, các vị lãnh đạo.
Tương tự như thế, người viết bài trộm nghĩ, với tất cả những cơ sở lý luận và thực tế cũng như kinh nghiệm của các bạn láng giềng, nếu chưa thực hiện được ngay thì trong tương lai gần chúng ta chỉ nên tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông với 3 môn bắt buộc là Toán, Tiếng Việt và Ngoại ngữ. Nếu cuộc thi tuyển sinh đại học còn duy trì thì cũng chỉ nên thi 3 môn trên và 1 môn do từng trường đề xuất. Ví dụ, Đại học Y có thêm môn Sinh học, Đại học Bách khoa có thêm môn Lý…
Chúng ta nói nhiều về mục tiêu của giáo dục là cung cấp nhân lực có trình độ cho xã hội, những người lao động có trình độ ngang bằng trong khu vực và vươn tới “công dân toàn cầu”. Không chỉ các nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ quản lý, các nhà kỹ trị mà 1 người thợ bình thường của thế kỷ 21 này không thể không sử dụng tốt 1 ngoại ngữ (ngoài chuyên môn), nhất là tiếng Anh.
Môn Ngoại ngữ, nếu chưa được là môn thi bắt buộc(như Toán và Ngữ văn) thì rất nên bổ sung vào các môn thi tự chọn.
Đinh Việt Bình